Đường lên xứ sở hoa Tam giác mạch

Tác giả: Lê Hoa

saosaosaosaosao
Xã hội 01/11/2016 20:57

Từ năm 2015, “Lễ hội hoa Tam giác mạch” đã chính thức trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang.

 

IMG_4233
 

 Ám ảnh đá tai mèo…

Trên những cung đường đèo hiểm trở lên Đồng Văn, qua Mèo Vạc với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, tôi cứ bị ám ảnh bởi những triền núi chỉ một màu đen lởm chởm đá tai mèo.  Nói vui với mấy anh bạn đi cùng: “nếu mỗi ngọn núi đá tai mèo ở Hà Giang đổi được một cục vàng chừng nắm tay thì người Hà Giang chắc có thể mua được …cả thế giới”. Nếu đi qua Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, bạn sẽ thấy màu xanh của cây lá, của rừng nguyên sinh, nhưng ở Hà Giang thì chỉ thấy những đá là đá, mà lại toàn là đá tai mèo, loại đá chẳng những không có giá trị gì, mà thậm chí còn là sự cản trở to lớn và khẳng định bản lĩnh của người dân nơi địa đầu Tổ Quốc.

Có thể nói, chỉ toàn là đá tai mèo nên những bản làng người Mông rất thiếu đất, thậm chí là đói đất.  Chỉ sinh tồn thôi còn khó chứ nói chi đến chuyện làm giàu. Thiếu đất nên nhiều nơi, người Mông còn phải gùi đất dưới thung lũng lên  đổ vào từng hốc đá để trồng cây. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy cả một triền đồi với từng cụm, từng cụm  vài ba cây ngô mọc lên từ những hốc đá tai mèo. Nhà sàn ở Lào Cai, Điện Biên Lai Châu làm bằng gỗ rất phổ biến nhưng ở Hà Giang thì cực hiếm. Những ngôi nhà cổ ở Đồng Văn được làm từ đất, với những vách tường (gọi là trình) dày cộp, nứt nẻ theo thời gian. Nhưng nghe nói, để có được những ngôi nhà đất như vậy cũng cả là một kỳ công, dù Đồng Văn là một thung lũng, có những cánh đồng lúa khá bằng phẳng. Tôi hiểu vì sao, ngôi nhà dòng họ Vương (được mệnh danh là Vua Mèo), với kiến trúc thật đơn sơ, giản dị như những ngôi nhà gỗ bình thường mà ta có thể dễ dàng bắt gặp ở đâu đó, nhưng lại được người Hà Giang coi trọng như là vật gia bảo của xứ sở mình.

Đi qua đèo Mã Pí Lèng, con đèo nổi tiếng hiểm trở nhất Việt Nam, dừng chân tại đỉnh đèo, tôi lặng người trước tấm biển đề: Đường Hạnh Phúc. Nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, Trung ương Đảng, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang-Đồng Văn –Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959. Ngày hoàn thành 15/6/1965. Thành phần mở đường gồm  16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Định… Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường. Cách nay hơn 50 năm, con đường này đã được mở một cách vô cùng khó khăn gian khổ, hoàn toàn bằng thủ công. Chuyện kể rằng, trên tuyến đường này  khi ấy, có người công nhân đã lấy thân mình để chèn một tảng đá to, không để lăn xuống làm hại người và bản làng của dân phía dưới.  Bây giờ, con đường đã được trải nhựa bằng phẳng, dễ đi hơn nhưng cũng chỉ là mở rộng hơn chút ít so với ngày xưa để phục vụ du lịch, chứ không thể bằng như những con đường qua Lào Cai, Sa Pa, Lai Châu hay đường Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, bây giờ với các phương tiện cơ giới tiên tiến, nếu không quá khó khăn để phá đá tai mèo thì hẳn người ta đã mở rộng đường và làm từ lâu rồi chứ chẳng để nhỏ và hiểm trở như thế này. Cũng xin được nhắc lại cho đến bây giờ, làm một công trình lớn nhỏ ở Hà Giang đều đắt hơn rất nhiều bởi  tất cả vật liệu xây dựng đều  được đem từ dưới xuôi lên kể cả đá.

IMG_4174
 

Nói chuyện thiếu đất ở Hà Giang, một anh bạn tôi là người trên ấy kể. Cách nay mấy năm,  Hà Giang có nhiều người đi bộ  đội vào Nam, lên Tây Nguyên. Thấy đất đai trong đó màu mỡ quá nên khi rời quân ngũ đã trở về đem hết cả gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Trước tình trạng phá rừng làm rẫy tự  phát của người di cư từ bắc vào, trong đó phần nhiều ở Hà Giang, lãnh đạo một tỉnh Tây Nguyên cử người ra “nói chuyện phải quấy” yêu cầu đưa dân về quê. Khi nghe yêu cầu của tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh Hà Giang  không phân trần gì, chỉ mời bạn đi cùng mình lên cao nguyên đá Đồng Văn. Đi xong về, lãnh đạo tỉnh Tây nguyên kia thở dài nói: “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người Hà Giang bỏ quê vào trong ấy. Toàn là đá tai mèo như thế  thì lấy đất đâu mà sinh sống. Thôi, các anh không phải lo chuyện đưa họ về nữa, để đấy chúng tôi sẽ thu xếp”      

 Và giấc mơ tam giác mạch

Không gì có thể cấm người nghèo có những giấc mơ. Người Hà Giang không chỉ có giấc mơ bình thường mà hơn thế, họ có một giấc mơ quá đẹp mang tên “Tam giác mạch”. Nếu đến Hà Giang vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, là mùa hoa tam giác mạch nở rộ, bạn sẽ như lạc vào cõi tiên, mê đắm với những triền núi bồng bềnh bạt ngàn những bông hoa li ti màu tím hồng nồng nàn.         

Với nhiều người giấc mơ tam giác mạch là một giấc mơ thật tinh khiết, quyến rũ với vẻ đẹp không gì so sánh được. Nhưng với tôi, những thảm hoa tam giác mạch không chỉ dệt lên những giấc mơ bằng vẻ đẹp lung linh huyền ảo của nó mà còn làm nao lòng người với câu chuyện mang đầy tính nhân văn.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Sau khi gieo xong, còn lại đám mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Từ đó mọc lên những cây hoa nhỏ li ti, khi kết hạt thì cũng trở thành một loại lương thực giúp cho người dân thoát đói khi hạt ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.

IMG_4232
 

Như vậy đó, hoa tam giác mạch được mọc lên từ những thứ còn lại tưởng chừng như bỏ đi của hạt ngô hạt lúa, được bỏ lại ở khe núi. Nhỏ bé, lặng lẽ, khiêm nhường, gắng gỏi vươn lên để sinh tồn trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, để đến một ngày dâng cho đời vẻ đẹp và cho con người lương thực để ăn. Phải chăng đó cũng là những phẩm chất tốt đẹp của người dân Hà Giang và họ hoàn toàn có thể tự hào về điều đó.

 Từ năm 2015, “lễ hội hoa tam giác mạch” đã chính thức trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang. Nhưng từ trước đó, giấc mơ tam giác mạch cùng những cung đèo hiểm trở đã hấp dẫn giới “phượt thủ” tìm đến để khám phá. Cảm giác sung sướng ngập tràn khi chạm vào “giấc mơ tam giác mạch” chắc chắn sẽ nhân lên gấp bội sau khi đã vượt qua 150km đường đèo quanh co hiểm trở. Năm 2016 này, Hà Giang dự định tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ hai với quy mô vận động nhân dân trồng đến 1000 ha tam giác mạch trên toàn tỉnh.

Không chỉ có những ruộng hoa tam giác mạch quyến rũ, Hà Giang đã và đang hấp dẫn mọi người đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc bằng những điều giản dị và thiêng liêng. Như cột cờ Lũng Cú mà bất cứ  người Việt Nam đều mong  muốn được một lần đến đó, được đứng dưới lá cờ tung bay phần phật, lòng ngập tràn cảm xúc yêu thương tha thiết đất nước mình. Như những thửa ruộng bậc thang vàng rực trong nắng thu vào mùa lúa chín. Ở huyện Quản Bạ, bạn sẽ thấy hai ngọn núi hình bát úp được gọi là “Núi Đôi” tương truyền là do một nàng tiên hạ trần bén duyên chàng trai người Mông, nên vợ nên chồng và có con. Một ngày kia, theo lệnh phải về trời, nàng tiên ấy đã dứt lòng để lại bầu sữa của mình để nuôi con. Bạn sẽ cũng có thể tự mình khám phá Thạch Sơn Thần, cũng như tìm hiểu nhiều điều về kỳ thú của một vùng  di sản cổ sinh được hình thành cách đây khoảng 400 -500triệu năm dưới đáy biển. Hãy lên đứng nơi Cổng Trời (Quản Bạ) dang tay, hít thật sâu bầu không khí trong lành cao nguyên, cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, ngắm mây trôi dưới chân mình hay những con đường đèo ngoằn nghoèo cũng làm nên sự hấp dẫn khác biệt cho những người ưa mạo hiểm.

Và đừng quên khám phá những nét đẹp độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày … đang sinh sống tại đây để thấy rằng tuy có nghèo về vật chất nhưng họ lại rất giàu tình cảm, giàu tấm chân tình. Đừng quên ghé thăm nghĩa trang liệt sĩ tại Vị Xuyên, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới cách nay hơn 35 năm.

IMG_4257
 

Năm 2016 này, Hà Giang kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh và 25 năm ngày tái lập tỉnh (tách ra từ tỉnh Hà Tuyên). Một phần tư thế kỷ xây dựng, đến nay Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo của cả nước. Cái nghèo như hiện hữu trong những đôi chân trần, trong những bữa ăn của đám trẻ và thầy cô giáo, trong những ngôi nhà đất xác xơ treo mấy bộ quần áo cũ cáu bẩn…đã làm xót xa bao trái tim người Việt. Nhưng đến với Hà Giang, bạn sẽ phải thán phục những nỗ lực lớn lao để biến đổi một vùng đất núi non hiểm trở, thiên nhiên khắc nghiệt, để bây giờ có được một thành phố Hà Giang tươi mới, những thị trấn là huyện lỵ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần … đã mang vóc dáng đô thị khang trang hiện đại hơn rất  nhiều. Điều đó có thể coi là kỳ tích. Và tôi, một người không mấy lãng mạn, xin được ví von đó như sự chuyển đổi diệu kỳ từ những vách đá tai mèo trở thành những giấc mơ tam giác mạch .

Tri ân đối với những người đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ đất nước, tri ân với cả những người hiện đang còn phải chiến đấu chống lại đói nghèo, để vươn lên và để gìn giữ cho chúng ta những giá trị văn hóa tinh thần to lớn; trân trọng và sẻ chia, yêu thương và san sẻ … tôi tin bạn sẽ nhận được rất nhiều từ những điều rất đỗi bình thường, giản dị nơi mảnh đất biên cương, địa đầu Tổ quốc này

Ý kiến của bạn

Bình luận