Các phương tiện lưu thông qua đường gặp nhiều khó khăn |
Thời gian gần đây, Tap chí GTVT đã có rất nhiều bài viết phản ánh về tình trạng đường hỏng, đèn đường mất điện, xiêu vẹo gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, những phản ánh đó vẫn “như muối bỏ biển” khi tình hình không có gì thay đổi, không một cơ quan chức năng nào của tỉnh Bình Dương lưu tâm.
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối từ QL14 xuyên qua TP. Thủ Dầu Một về tới Đường tỉnh 743, phường An Phú, thị xã Thuận An mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đã bị xe “băm nát”. Theo một số người dân sinh sống hai bên đường, có hàng nghìn lượt xe lớn nhỏ hàng ngày lưu thông qua lại khiến cho tuyến đường xuất hiện nhiều vết hằn lún sâu. Các khu vực giao cắt và nối vào rất nhiều khu công nghiệp, công ty… nhưng không hề có đèn đường. Chính điều này đã khiến các vụ TNGT xảy ra như cơm bữa, các vụ lật xe, va chạm giao thông do không có đèn tín hiệu giao thông gây tổn thất lớn về người và của.
Chị Nguyễn Thị M. (quê ở tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi làm công nhân trên đường Thủ Khoa Huân, phường Bình Chuẩn nhưng ở trọ tại An Phú. Ngày nào tôi cũng đi trên tuyến đường này, dù di chuyển trong làn đường dành cho xe máy nhưng lúc nào cũng lo nơm nớp bởi đường bị lún sâu, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hai bên đường thường xuyên có xe container, xe tải đậu đỗ vào buổi đêm, trong khi đèn đường không có nên rất dễ xảy ra tai nạn. Thêm vào đó, nếu ô tô phía sau muốn vượt thì các phương tiện xe máy chỉ còn cách leo lên vỉa hè để “né” chứ không dám di chuyển sang làn kế bên".
Ghi nhận của PV tại hiện trường, hầu như trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn (giai đoạn 1) đều bị hư hỏng, bong tróc, những vệt lún hằn sâu tạo thành rãnh lớn, xe máy lưu thông qua đây rất dễ xảy ra tai nạn, hậu quả khó lường. “Thời gian trước, chính quyền có cho xe múc, xe ủi san lấp những đoạn hư hỏng rồi thảm lại nhựa song đâu vẫn hoàn đó”, cô Phạm Thị T. (trú tại khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) chia sẻ.
Cũng trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tại khu vực thi công giai đoạn 2 nối từ địa phận phường Tân Bình, thị xã Dĩ An qua QL1K và đi ra Tân Vạn, hiện tượng mất ATGT cũng liên tục xảy ra. Được biết, đơn vị thi công là Tổng công ty Becamex IDC Bình Dương đang thực hiện nhiệm vụ thi công công trình để hoàn thành giai đoạn 2 thì hàng trăm lượt xe ô tô, xe tải, xe container vẫn hiên ngang lưu thông qua đây mỗi ngày mà không hề bị cấm cản.
Nhiều đoạn đang thi công mà không có rào chắn cảnh báo nguy hiểm, hai bên đường đất đá được bồi đắp lên cao vút. Các cơ quan, ban, ngành chức năng, Sở GTVT Bình Dương đang ở đâu khi để xảy ra sự việc như vậy? Các đơn vị giám sát thi công ở đâu khi con đường mới bị "băm nát"? Ở đây chỉ có người dân hàng ngày vẫn phải đối mặt với nguy hiểm, khói bụi và tính mạng bị đe dọa khi tham gia giao thông.
Nguy cơ mất ATGT khiến người dân bất bình bởi tuyến đường đang thi công, kết cấu đường chưa được đánh giá, các hạng mục bảo vệ chưa hoàn thành mà xe đã lưu thông, nếu xảy ra tai nạn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Chúng tôi không hiểu tại sao chính quyền vẫn cứ thờ ơ, "bình chân như vại" xem thường tính mạng người dân như vậy? Được biết, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng có tổng chiều dài hơn 64km, là trục đường kết nối quan trọng không chỉ của Bình Dương mà cả khu vực Đông Nam bộ. Chỉ tính riêng giá trị xây dựng của tuyến đường này đã lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Các phương tiện lưu thông trên đoạn đường mất ATGT |
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ nối QL1, QL1K và đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường không chỉ kết nối thị xã Tân Uyên với trung tâm tỉnh Bình Dương mà còn kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai tới Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Lúc đầu, UBND tỉnh Bình Dương chủ trương thực hiện dự án hai tuyến đường này bằng hình thức BOT, nhưng khi đường gần hoàn thành thì lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết định không thu phí vì vấp phải sự phản ứng cửa người dân.
Hiện tại, Bình Dương đang nghiên cứu để lựa chọn những giải pháp huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, cụ thể là áp dụng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo UBND tỉnh Bình Dương, tuyến đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng được xác định là “công trình tạo lực” của thành phố mới Bình Dương. Chính vì vậy, chi phí làm đường sẽ được hạch toán vào giá thành của dự án của thành phố mới.
Ngoài ra, khi Becamex IDC làm đường thì chính các khu công nghiệp, khu đô thị mà doanh nghiệp đầu tư cũng sẽ có điều kiện phát triển. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn thu nhiều hơn để gián tiếp thu hồi được vốn của dự án làm đường. Việc tính toán một giải pháp lâu dài với chủ trương giảm bớt trạm thu phí sẽ là bài toán kinh tế cho các doanh nghiệp để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, đô thị. Khi đó, hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ nhiều hơn việc thu tiền từ một vài trạm thu phí.
Cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc làm cấp bách của tỉnh Bình Dương lúc này là phân luồng hợp lý để đảm bảo xe lưu thông, đồng thời khắc phục ngay những hư hỏng mặt đường hiện hữu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, mất TTATGT trong khu vực
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.