1. Tiện lợi, tiết kiệm tiền và thời gian:
Sau khi Shikansen Đông hải đạo của Nhật đi vào kinh doanh cho thấy: Tốc độ tàu được nâng lên gấp đôi, giá vé lại rẻ hơn máy bay, do đó đã thu hút được hành khách đi tàu, khiến cho tuyến bay từ Tokyo đến Nagoya phải ngừng hoạt động vì vắng khách! Đây là lần đầu tiên trên thế giới xe lửa cạnh tranh với máy bay và dành được thắng lợi.
ĐSCT đã làm thay đổi khái niệm về khoảng cách của hành khách. Khi chọn phương tiện vận tải, người ta so sánh tổng thời gian từ nhà tới đích, có nghĩa là đem khái niệm khoảng cách tuyệt đối chuyển thành khái niệm khoảng cách thời gian. Với khoảng cách di chuyển nhất định 150km – 1.300km thì khách đi xe lửa sẽ mất thời gian ít nhất.
So với hàng không, ĐSCT còn có ưu thế về giá vé thấp: Nếu so sánh máy bay khoang phổ thông/tàu TGV toa hạng 2, đơn vị là đồng franc, theo giá trước năm 2000, điểm xuất phát là Paris điểm đến là Nantes thì có hệ số tương đương: 920/272; Lion: 910/292; Marseill: 950/442; London: 1170/328.
Do ĐSCT có ưu thế cạnh tranh về thời gian và giá vé nên lượng chu chuyển hành khách người/km hàng năm đều tăng lên. Theo thống kê của Đức, sau 3 năm Tàu ICE đưa vào hoạt động, tỉ lệ số hành khách mới tăng trong tổng lượng hành khách là 18% – 22%. Năm 1993, trong số 22% lượng tăng thì có 8% là từ máy bay và 14% từ ô tô cá nhân chuyển sang. Năm 1996, kết quả thăm dò có 2/3 số người nói rằng: ưu thế về thời gian, giá vé và sự thoải mái chính là điều hấp dẫn nhất của ĐSCT.
Theo thống kê của Tây Ban Nha: Trong số hành khách đi tàu AVE thì có 26% từ máy bay, 3% từ ô tô công cộng, 24% từ ô tô cá nhân, 13% từ ĐS thường tốc chuyển sang và 34% là hành khách khác. Theo thống kê của ĐS châu Âu: Sau khi mạng ĐSCT hoạt động, tỉ lệ hành khách từ 14% tăng lên 23%, đường bộ giảm 6%, hàng không giảm 3%.
2. Lượng vận tải khách lớn
Lấy Shikansen Đông hải đạo của Nhật làm ví dụ: Năm 1996, bình quân một ngày vận tải 370.000 lượt người, mỗi giờ một chiều phát đi 11 con tàu, mỗi ngày phát đi 283 đôi tàu, một lượng hành khách lớn như thế sao có thể dựa vào máy bay và ô tô được. Hiện nay, chuyên tuyến vận tải hành khách cao tốc của các nước được xây dựng song song với các tuyến cũ, từ đó thực hiện phân luồng khách và hàng, như vậy vừa có thể nâng cao được hiệu quả khách vận, vừa nâng cao được năng lực và tốc độ hoá vận của tuyến cũ.
3. An toàn tin cậy
Shikansen Đông hải đạo của Nhật hoạt động từ năm 1964, tính tới năm 2000 là 36 năm chưa phát sinh một sự cố chết người nào, thời gian chậm giờ bình quân là 0.6 phút. Tàu TGV của Pháp hoạt động từ năm 1981, tính tới năm 2000 là 19 năm, đã vận chuyển được hơn 500.000.000 lượt người, hoàn thành lượng chu chuyển khách 200.108 người.km, cũng chưa gây ra sự cố chết người nào.
Tuy nhiên, cũng cần biết thông tin đầy đủ hơn là: Trên đoàn tàu TGV đã từng xảy ra một vụ nổ không liên quan gì đến tuyến đường, không gây cháy vì tàu dùng vật liệu chống cháy. Tàu TGV đã từng một lần đang chạy với tốc độ 294km/h gặp động đất và dư chấn nên bị trật bánh, không bị đổ, không đứt móc, chỉ có một số người bị thương nhẹ. Tàu TGV khi chạy trên đường cũ cải tạo đã từng va chạm với xe đường bộ tại đường giao cắt phẳng, nhưng do tàu TGV có kết cấu chống va đập tốt nên không gây ra sự cố chết người trên tàu.
Trên thế giới ĐSCT cũng đã phát sinh sự cố làm chết hơn 100 người vào ngày 03/6/1998, đó là đoàn tàu ICE của Đức do bị long vành băng đa bánh xe gây trật bánh đổ tàu! Sau sự cố này, ĐS Đức đã thay bằng bánh xe thép cán liền.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, so với ĐSCT thì hàng không và đường bộ xảy ra sự cố còn nghiêm trọng hơn nhiều: Theo thống kê, đường bộ bình quân vận chuyển 108 người/km thì có 140 người chết, đường bộ cả thế giới bình quân năm có 25 – 30 vạn người chết. Năm 1989, số người chết vì tai nạn máy bay là 1.764 người, năm 1994 có 47 chiếc máy bay bị nạn làm 1.385 người chết. ĐS thường tốc sự cố chết người cũng không phải là sự hiếm và kém nghiêm trọng kể cả ở nước ta và trên thế giới nói chung.
4. Chiếm dụng đất đai ít, giá thành xây dựng thấp
Theo tính toán của ĐS Pháp: 1km ĐSCT chiếm dụng 5 vạn – 7 vạn m2 đất. Diện tích đất chiếm dụng của một tuyến đôi ĐSCT chỉ tương đương 1/2 diện tích đất chiếm dụng của một tuyến đôi của đường bộ cao tốc 4 làn xe. Diện tích chiếm đất của tuyến đôi ĐSCT Paris – Lion là 420 km2, nhỏ hơn diện tích sân bay Degaul Paris. Tiền đầu tư một tuyến đôi ĐSCT thấp hơn khoảng 17% so với đầu tư một tuyến đôi đường bộ cao tốc 4 làn xe. Giá đầu tư chế tạo cho một chỗ ngồi của TGV chỉ bằng khoảng 1/10 giá chế tạo bình quân cho một chỗ ngồi của máy bay đường ngắn.
5. Tiết kiệm năng lượng, có lợi cho bảo vệ môi trường
Năm 1992, ĐS Đức đã so sánh tiêu hao năng lượng của một số công cụ vận tải: Nếu tính số lít xăng tiêu hao cùng loại cho 100 người/km, thì TGV là 2,5, ô tô con là 5,9, máy bay là 8,5. Nhật Bản dùng chỉ tiêu kJ/người.km để so sánh lượng tiêu hao năng lượng giữa các công cụ vận tải. Kết quả là Shikansen là 569,4, ô tô con là 2641,8, máy bay là 2989,4.
Nghiên cứu của Liên minh châu Âu có kết quả là: Năng lượng tiêu hao cho một người là 1kW/h thì khoảng cách di chuyển được trên các công cụ vận tải khác nhau là: ĐSCT là 5km, ô tô con là 1,7 km, máy bay là 1,1 km .
Ảnh hưởng của các công cụ vận tải đối với môi trường có quan hệ mật thiết với lượng tiêu hao nhiên liệu của nó. Theo số liệu khảo sát của Trung Quốc tại 4 nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, thì mức độ ô nhiễm khí thải g/người.km theo thứ tự ô tô/máy bay/ĐSCT như sau: Khí thải C0 là 1.26/051/0.003; N0x là: 0.25/0.7/0.10 ; C02 là: 111/158/28; S02 là: 0.03/0.05/0.01; PM là: 0.01/0.01/0.02.
Một kết quả khác cũng do đoàn khảo sát của Trung quốc tổng kết đưa ra như sau: Năm 1991, tổng chi phí bảo hộ môi trường của các công cụ vận tải khác nhau góp vào, lấy đơn vị là đồng tiền châu Âu ECU của 17 nước, trong đó ĐSCT là 28 chiếm 1.7% , máy bay là 124 chiếm 6%, ô tô cao nhất là 1942, chiếm 92%.
6. ĐSCT có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực
Xây dựng ĐSCT là quá trình của một loại đầu tư, có lợi cho sự phát triển kinh tế khu vực. Theo nghiên cứu của Pháp cho thấy: Một hạng mục ĐSCT đầu tư một tỉ Franc, mỗi năm có thể tạo ra 3.500 cơ hội việc làm. Việc xây dựng ĐSCT Địa trung hải từ Marseill đi Monpelier đã tạo ra 2 vạn cơ hội việc làm. Sau khi ĐSCT đi vào khai thác sẽ khiến cho lưu lượng hành khách tăng trưởng, giao lưu giữa các đô thị phát triển, thúc đẩy việc phát triển của các khu công nghiệp và thương nghiệp trên dọc tuyến. Theo ước tính của Nhật Bản thì lợi ích gián tiếp của việc ra đời Shikansen Đông hải đạo đối với nền kinh tế của toàn quốc, thì chỉ 2 năm là có thể thu hồi được toàn bộ tiền đầu tư đối với công trình này.
7. ĐSCT có hiệu suất và hiệu ích cao
Việc ách tắc và sự cố giao thông cao tốc trên đường bộ đã gây ra tổn thất to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Chi phí để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông xa lộ của các nước trong Liên minh châu Âu chiếm 2.6% – 3.1% tổng giá trị sản xuất quốc dân, tổng kim ngạch khoảng 900 – 1100.107 USD, tương đương tiền đầu tư toàn bộ mạng ĐSCT châu Âu. Chi phí để khắc phục sự cố giao thông đường bộ cũng chiếm khoảng 2,5% tổng trị giá sản xuất của nền kinh tế quốc dân.
Hiệu ích kinh tế trực tiếp của việc xây dựng ĐSCT cũng rất rõ rệt, thực tiễn của Nhật và Pháp đã chứng minh: Suất thu lợi trực tiếp đều là 12% trở lên, nói chung trong vòng 10 năm là có thể trả xong vốn đầu tư cho ĐSCT; suất thu lợi xã hội cũng là 20% trở lên. Theo tư liệu của Nhật Bản, do có ĐSCT thời gian tiết kiệm được của hành khách mỗi năm khoảng 300 triệu giờ, nếu tính giá trị công/giờ thì tổng cộng lợi được 380 tỉ Yên, bằng tiền đầu tư xây dựng Shikansen Đông hải đạo lúc đó.
Hiệu ích của một tuyến đôi ĐSCT của Pháp cao hơn 3 lần hiệu ích của một tuyến đôi đường bộ cao tốc 6 làn xe, hơn thế nữa, ĐSCT đã thúc đẩy khoa học kỹ thuật tổng hợp của quốc gia phát triển. Chính vì ĐSCT so với đường bộ và đường không có nhiều ưu thế, nên khi nó xuất hiện trên trái đất là được tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ, đó là sự đồng nhận và trở thành xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay.
Dưới đây, chúng ta sẽ thảo luận về cái “sáng kiến “…làm đường lồng sẽ đỡ tốn kém mà có khả năng giải quyết được vấn đề thay vì làm ĐSCT…” của tác giả bài báo” …nh đùa” đăng trên báo An ninh thế giới:
Xin nói ngay rằng, đường lồng 3 ray trên thế giới hiện nay chỉ có ở 5 trong số hơn 40 nước có đường sắt khổ hẹp, gồm 3 loại: 1600mm/1000mm của Brasil, dài 400km; 1435mm/1067mm của Autralia, dài 172km; 1435mm/1000mm gồm có các nước: Việt Nam 237km; Hi lạp 23km và Tuy-ni-di là 10km. Tổng cộng đường lồng trên toàn thế giới chỉ có 842 km trên tổng số km đường sắt khổ hẹp của toàn thế giới là 237.130 km, mục tiêu của nó chỉ là để mở rộng năng lực vận tải, nhưng tiếc thay mở rộng khổ hẹp thành đường lồng không phải là biện pháp tốt để tăng năng lực vận tải ĐS, bởi lẽ đường lồng dùng chung cho hai loại tàu tốc độ và các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật khác nhau, sẽ có trở ngại rất lớn đối với việc tổ chức chạy tàu, trang thiết bị nhà ga và trên tuyến, bãi xếp dỡ hàng hoá…! Với số nước sở hữu và số km đường lồng ít ỏi trên toàn thế giới, cũng như tình hình khai thác vận dụng thực tế của đường lồng nước ta cũng đủ nói lên điều đó.
Tác giả bài báo “…như đùa” còn cổ suý việc cải tạo thành đường lồng vì không cần ngừng hoạt động của tuyến đường cũ? Vậy không biết khi mở nền đường rộng thêm, thay tà vẹt dài hơn, lắp ghi lồng… và còn nhiều thiết bị khác trên tuyến, vậy tuyến đường sắt cũ sẽ hoạt động như thế nào? Rõ ràng không thể được, rõ ràng đây chỉ là sự tưởng tượng ngây ngô của một người không có kiến thức về xây dựng đường sắt nhưng lại quá thiếu sự thận trọng. Thật ra phương án làm đường đôi mới thì sẽ không làm ngưng trệ hoạt động của tuyến đường sắt cũ .
Trên thế giới hiện nay, ĐS khổ hẹp có thể phân ra 3 loại: <1435mm và >1000mm có 11.4346,7km, chiếm 9,53%, gồm 12 loại khác nhau, trong đó nhiều nhất là khổ 1000mm có 99267.1km chiếm 8.27%; khổ 1067mm có 82.702,1km và 1.065mm có 23.664,6 km; khổ <1000mm có 23.516,2km, gồm 19 loại khác nhau, chiếm 1,96%.
Những nước có nhiều ĐS hẹp: khổ 1067mm gồm có: Nhật 23.172km, Autralia 16.109,6 km, Inđônêxia 5.961km, Xu-đăng 4.595km, Công gô dân chủ 3.987km, Ni-giê-ria 3.505km; Khổ 1.065mm: Nam Phi 21.281km; Khổ 1.000 mm có khoảng 40 nước, trong đó: Brasil 24.400km, Ấn Độ 17.073km, Ac-hen-ti-na 11.231km, Việt Nam 2.249 km, Tuy-ni-di 1.694km, Hi Lạp 910km…
Việc mở rộng năng lực vận tải ĐS bằng cách mở rộng khổ đường hẹp thành đường tiêu chuẩn 1.435mm cũng không có hiệu quả nhiều, nên người ta rất ít làm. Để mở rộng năng lực vận tải ĐS, kể cả đối với ĐS tiêu chuẩn và khổ rộng, biện pháp mà các nước trên thế giới thường làm là: làm đường đôi, tăng lớn bán kính đường cong, điện khí hoá, tự động hoá chạy tàu, hiện đại hoá thiết bị thông tin chỉ huy, dùng vệ tinh điều độ tập trung… Đây cũng là sự đồng nhận có tính phổ biến của ĐS trên toàn thế giới.
Tình hình điện khí hoá của một số nớc có nhiều ĐS khổ hẹp trên thế giới: Khổ đường 1.067mm, số km điện khí hoá/km tổng: Nhật 19.258km/23.172km; Inđônêxia 125 km/5961 km; Công gô dân chủ 858km/3987km .
Australia: Số km điện khí hoá/số km đường lồng là 3.595km/172km; Khổ 1.065mm, số km điện khí hoá/số km tổng: Nam Phi là 8.976 km/21.281 km. Khổ 1.000mm, số km điện khí hoá/số km đường lồng: Brasil là 1.187km/400km; Hi Lạp là 587km/23km; Tuy-ni-di là 65 km/10km. ấn độ: số km điện khí hoá/số km tổng là 165 km/17044 km.
Một lần nữa lại cho thấy: Đường lồng không phải là giải pháp có hiệu quả. Điện khí hoá và hiện đại hoá đường sắt nói chung mới là con đường phát triển đối với ĐS thường tốc nói chung và ĐS hẹp nói riêng. Trên toàn thế giới hiện nay, số km điện khí hoá/tổng km ĐS là 240.522km/1.199.986,8km, chiếm tỉ lệ 20%.
Đã đến lúc cần hiểu rằng, biện pháp làm đường lồng không phải là sáng kiến, vì trên thế giới đã là một thể nghiệm thất bại, còn với nước ta chỉ là sự bất đắc dĩ, vì khi đó cần tiếp nhận nhanh đầu máy toa xe khổ đường 1.435mm của Trung Quốc viện trợ từ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Cùng với việc xây dựng ĐSCT, chúng ta cũng cần đồng thời đầu tư, cải tạo và xây dựng đường sắt 1000mm hiện có, phù hợp nhất với đặc điểm của ĐS và khả năng tài chính nước ta, nhằm nâng cao năng lực hoá vận của đường sắt hiện có.
KS. Khuất Tất Nhưỡng
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.