Vận chuyển an toàn gần 7,3 triệu lượt khách
Sau năm đầu tiên khai thác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có ý nghĩa đặc biệt ở chỗ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước, mở đầu phương thức vận tải mới của Việt Nam. Tuyến được đưa vào vận hành đã khẳng định đường sắt đô thị có vai trò xương sống của giao thông đô thị để giải quyết bài toán giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị.
Sau một năm khai thác, tuyến Cát Linh – Hà Đông được các cấp ngành đánh giá cao, được người dân ghi nhận. Điều này thể hiện qua con số đến hết ngày 31/10/2022, sau 360 ngày khai thác, gần 7,3 triệu lượt khách sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông và được vận chuyển an toàn. Về biểu đồ khai thác, từ 1/9/2022, tuyến tăng tần suất chạy tàu 6 phút/chuyến dừng tại ga vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều (7-8h30, chiều 16h30-18h), còn giờ khác duy trì 10 phút/chuyến.
Hiện mỗi ngày làm việc có trên dưới 32.000 người đi tàu, trong đó 70% đi lại bằng vé tháng. Trong khung giờ cao điểm có trên 5.000 người đi học, đi làm bằng tàu điện. Tỷ lệ khách đi trong giờ cao điểm chiếm 80% số lượng khách trong ngày. Lượng khách đi tàu để trải nghiệm vào cuối tuần, ngày lễ, tết ở mức 26.000 – 28.000 lượt và có xu hướng bão hòa.
Như vậy tuyến Cát Linh – Hà Đông đã thu hút được khách hàng mục tiêu là người đi học, đi làm vào giờ cao điểm và sử dụng thường xuyên dịch vụ bằng tàu điện. Đây là kịch bản tốt nhất trong năm đầu khai thác, được Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội thống nhất, giao cho Công ty Hà Nội Metro thực hiện.
Tuyến đường sắt đầu tiên này giúp từng bước làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, dần hình thành văn hóa đi lại của người dân theo hướng văn minh, lịch sự. Nếu như trước đây nhiều người ngại đi bộ đến bến xe buýt, nhà ga, nhưng giờ nhiều khách đi bộ 1-2 km và chấp nhập sử dụng xe buýt để đến ga, góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông. Văn hóa đi tàu điện cũng hình thành, không còn chuyện hành khách vứt rác, nói chuyện ồn ào hay không nhường chỗ cho người già, phụ nữ có thai.
Cùng đó, bước đầu xây dựng được đội ngũ những người quản lý, trực tiếp vận hành đường sắt đô thị theo hướng chuyên nghiệp. Bởi hiện nay, toàn bộ công tác vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông do người Việt Nam đảm nhiệm, còn chuyên gia nước ngoài chỉ thực hiện công việc bảo hành của tổng thầu dự án.
Những yếu tố nào giúp mang lại những kết quả trên, thưa ông?
Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công của tuyến Cát Linh – Hà Đông, trong đó phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, các Bộ, ngành, Thành ủy, UBND và các sở, ngành của Hà Nội và luôn sẵn sang đồng hành để đưa tuyến Cát Linh – Hà Đông vận hành an toàn, đem lại hài lòng cho hành khách.
Trong điều kiện thực tế, Hà Nội đã làm tốt nhất những gì có thể để phục vụ tốt nhất người dân, hành khách ngay ngày đầu tuyến Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác. Có thể kể đến như xây dựng văn hóa phục vụ chuyên nghiệp văn minh ngay từ đầu, luôn lắng nghe để đáp ứng nhu cầu của hành khách, ví dụ như đồng ý cho khách mang theo xe đạp gấp gọn nhẹ để đi đến điểm cần đến…
Giao thông kết nối, tiếp cận với các nhà ga liên tục được cải thiện, trước hết là kết nối với các tuyến buýt và vừa rồi Hà Nội phát triển xe buýt nhỏ sức chở 20 người đi vào ngõ nhỏ, gom khách cho tuyến Cát Linh – Hà Đông; chính sách trợ giá từ ngân sách thành phố và giá vé rẻ, linh hoạt...
Tăng tính hiện đại, tổ chức dịch vụ thương mại tại các ga
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được nghiệm thu có điều kiện và hiện còn một số hạng mục kỹ thuật được theo dõi, đánh giá về an toàn. Quá trình khai thác vừa qua có phát sinh vấn đề kỹ thuật nào lớn không, thưa ông?
Trong giai đoạn đầu khai thác, tuyến Cát Linh – Hà Đông tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo, khuyến nghị về an toàn của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước về công trình trọng điểm. Chủ đầu tư và tổng thầu dự án đang phối hợp tích cực để thực hiện các khuyến cáo, khuyến nghị.
Về mặt kỹ thuật, góc độ chuyên môn sâu đã có các cơ quan nghiệm thu, có Hội đồng kiểm tra nghiệm thu các công trình trọng điểm. Còn từ góc độ vận hành khai thác, chúng tôi nhận thấy tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa có vấn đề kỹ thuật gì lớn.
Bước sang năm thứ hai khai thác vận hành, tuyến Cát Linh – Hà Đông tận dụng lợi thế riêng thế nào để thu hút nhiều khách đi tàu hơn?
Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai phương án tổ chức dịch vụ ở các nhà ga để tăng tiện ích cho người dân (ví dụ như tổ chức quầy hàng tiện ích, quảng cáo sản phẩm…), để tận dụng lợi thế thương mại của nhà ga, một mặt tăng tính hấp dẫn của tuyến, mặt khác để tạo thêm nguồn thu, giảm trợ giá từ ngân sách thành phố.
Để tăng tính hiện đại của đường sắt đô thị, thử nghiệm phương thức thanh toán hiện đại để người dân mua vé ga tiện lợi, chẳng hạn như thanh toán qua mã QR, tích hợp thanh toán điện tử…
Theo ông, từ tuyến Cát Linh – Hà Đông có mang lại kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho các tuyến đường sắt đô thị khác như Nhổn – ga Hà Nội, Bến Thành – Suối Tiên sắp được khai thác, vận hành?
Quá trình khai thác, vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông mang lại cho chúng tôi kinh nghiệm quý để sẵn sàng tiếp nhận, tổ chức quản lý, khai thác vận hành dự án tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Đội ngũ nhân lực có được từ tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện có thể sắp xếp, bố trí ngay để khai thác, vận hành đoạn trên cao của dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội.
Chúng tôi cũng đúc rút được kinh nghiệm khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị để chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ cho đơn vị được giao tiếp nhận quản lý, khai thác vận hành dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM).
Công ty Hà Nội Metro sẵn sàng tạo điều kiện, bố trí môi trường tập huấn, thực hành tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, và cử người trực tiếp kèm, hướng dẫn thực hành theo chức danh, vị trí tương đồng cho bộ máy, đội ngũ nhân lực quản lý khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên.
Cảm ơn ông!
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, với 12 nhà ga, được đưa vào khai thác chở khách từ 6/11/2021. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ vận tải hành khách của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt hơn 53 tỷ đồng. Sản lượng và doanh thu vé tháng tăng trưởng qua từng tháng, bình quân khoảng 20% và có xu hướng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.