Singapore: Chính sách giảm hoặc trợ cấp các loại thuế, phí xe điện
Từ lâu, Singapore đã chú trọng phát triển hệ thống giao thông xanh, thúc đẩy việc đầu tư vào những phương tiện di chuyển ít phát thải nhằm hạn chế tối đa các tác nhân gây ô nhiễm môi trường
Để đạt được mục tiêu phát triển Kế hoạch Xanh vào năm 2030, Singapore tiếp tục thúc đẩy các phương thức thân thiện với môi trường như: Xe đạp, xe buýt, khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện năng lượng sạch hơn như xe điện và tàu điện hay kêu gọi người dân đi bộ vì môi trường.
Hiện nay, Singapore có gần 4.900 trạm sạc xe điện trên toàn quốc. Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) đặt mục tiêu xây dựng 60.000 điểm sạc xe điện vào năm 2030, bao gồm 40.000 điểm tại các khu đỗ xe công cộng và 20.000 điểm tại khu dân cư.
Thực hiện các mục tiêu trên, Singapore đã thành lập Trung tâm Phương tiện xe điện Quốc gia (NEVC) phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong quản lý xe điện. Nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện, LTA tập trung vào 3 lĩnh vực: Giảm hoặc trợ cấp các loại thuế, phí xe điện; xác lập quy định, tiêu chuẩn; triển khai hạ tầng trạm sạc. Đơn cử như chương trình xe ô tô và xe taxi chạy hoàn toàn bằng điện mới đăng ký sẽ được giảm 45% phí đăng ký bổ sung - một loại phí áp dụng khi đăng ký xe với mức tối đa là 15.000 đô la Singapore.
Bên cạnh đó, Singapore tập trung phát triển cơ sở hạ tầng xe điện bằng việc dồn trọng tâm vào việc phát triển các trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Chính phủ ban hành quy định hỗ trợ lắp trạm sạc như cho phép việc lắp đặt bộ sạc xe điện tại chung cư khi chỉ cần 50% số ý kiến đồng thuận của cư dân.
Indonesia: Nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích sử dụng xe điện
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022, Chính phủ Indonesia đã cam kết với tham vọng không khí thải và định hướng chuyển đổi sang phương tiện không phát thải là một trong những trọng tâm chính. Nhưng ngoài sản xuất xe điện, nhiều lĩnh vực liên quan như trao đổi pin, tái chế pin, trạm sạc… đòi hỏi đầu tư và hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng để thực hiện được mục tiêu cam kết.
Thời gian qua, Indonesia có kế hoạch phân bổ 7 nghìn tỷ Rupiah (459 triệu USD) hỗ trợ 800.000 xe máy điện mới và chuyển đổi 200.000 xe máy xăng vào năm 2024. Về mặt hỗ trợ, Indonesia đã gia hạn cho một số nhà sản xuất ô tô đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế xe điện thêm 2 năm nữa. Chính sách đầu tư đi kèm với yêu cầu nhà sản xuất phải nội địa hóa ít nhất 40% linh kiện xe điện trong nước để được hưởng ưu đãi.
Lộ trình điện khí hóa và sản xuất xe điện chỉ là một phần trong chuỗi giá trị giao thông xanh. Để đạt được mục tiêu đó, Indonesia tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, vấn đề đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nếu muốn duy trì số lượng xe điện lưu thông trên đường. Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay, Indonesia có 439 trạm sạc chung và 961 trạm đổi pin dành cho xe điện. Nhằm mở rộng quy mô, nước này đặt mục tiêu thành lập 6.316 trạm sạc chung và 14.000 trạm đổi pin vào năm 2025.
Thời gian qua, Indonesia tập trung chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh quá trình áp dụng và tăng trưởng xe điện với mục tiêu phấn đấu chuyển đổi 150.000 xe máy chạy xăng thành xe điện vào năm 2024 cuối thập kỷ hướng tới mốc 13 triệu xe điện lưu thông trên đường.
Pháp: Lên kế hoạch lắp đặt 7 triệu điểm sạc hybrid và xe điện
Những năm qua, Chính phủ Pháp đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện. Với nỗ lực thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng tàu điện, năm 2020 Pháp đã công bố khoản ngân sách 4,7 tỷ euro trong 2 năm dành cho ngành Đường sắt.
Ngoài tàu điện, xe điện cũng đã và đang nhận được sự quan tâm đáng kể. Có hơn 250.000 xe chở khách chạy điện trên đường phố Pháp. Thị trường xe đạp điện cũng chứng kiến sự bùng nổ, trong khi 100% xe buýt ở các đô thị lớn của Pháp đã chuyển từ động cơ diesel sang động cơ hybrid.
Nhằm khuyến khích và hỗ trợ sáng kiến xe điện, Chính phủ Pháp lên kế hoạch lắp đặt 7 triệu điểm sạc cho xe hybrid và xe điện vào năm 2030 thông qua quan hệ đối tác với các OEM, nhà cung cấp năng lượng và cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Trung Quốc: Phấn đấu tăng tỷ lệ cổng sạc điện lên 1:1 vào năm 2030
Tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có gần 19 triệu xe năng lượng mới, bao gồm xe thuần điện, xe hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Các hãng xe đang nhanh chóng triển khai cơ sở hạ tầng sạc với quy mô ấn tượng. Theo Liên minh Xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc (EVCIPA), tính đến cuối năm 2023, số lượng điểm sạc đạt gần 8 triệu điểm. Hiện nay, hầu hết các mẫu xe điện phổ biến của Trung Quốc đều có kích thước không lớn, giúp dễ dàng triển khai nhanh chóng những thiết bị sạc nhỏ, chi phí rẻ.
Hiện nay, tỷ lệ xe điện so với điểm sạc trên toàn quốc ở mức 2,5:1 so với 3:1 một năm trước. Trung Quốc đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng tỷ lệ lên đạt 2:1 vào năm 2025 và 1:1 vào năm 2030. Tại các đô thị lớn, bao gồm các trung tâm xe điện của Trung Quốc như Thâm Quyến và Thượng Hải cũng đã đặt ra kế hoạch mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng sạc.
Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ hàng trăm tỷ Nhân dân tệ để trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.
Hàn Quốc: Nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển sang sử dụng xe điện
Đầu năm nay, Chính phủ Hàn Quốc công bố gói kích cầu mang tên New Deal, trong đó ngành công nghiệp xe bảo vệ môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hàn Quốc đầu tư 20 nghìn tỷ Won (17,6 tỷ USD) vào lĩnh vực xe bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2025.
Hàn Quốc cam kết sẽ hỗ trợ người dân "có thể sạc xe điện thuận tiện như sạc điện thoại". Tính đến tháng 10 năm nay, Hàn Quốc có khoảng 59.000 trạm sạc xe điện; đến năm 2025 Chính phủ đặt kế hoạch tăng số lượng lên 500.000 trạm sạc. Để đạt mục tiêu đó, nước này sẽ tăng yêu cầu số lượng chỗ đậu xe có trạm sạc trong các tòa nhà mới xây dựng. Hàn Quốc cũng sẽ lắp đặt 15.000 trạm sạc tại các khu vực trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Hiện nay tại Hàn Quốc, cứ 2,6 ô tô điện đang lưu hành thì có 1 điểm sạc. Như vậy, độ phủ hạ tầng sạc xe điện tại Hàn Quốc thậm chí cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia phát triển. Đất nước "kim chi" đang thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng sạc. Hoàn thiện hạ tầng sạc, đặc biệt là gia tăng tỷ lệ sạc nhanh được Hàn Quốc xem là tiền đề thiết yếu để "thuyết phục" người dân chuyển sang sử dụng xe điện.
Cùng với việc thúc đẩy hạ tầng hỗ trợ ô tô điện, Hàn Quốc hiện cũng đang tìm cách hạ giá xe điện tới tay người dân. Những cách tiếp cận chính là tối ưu dây chuyền sản xuất ô tô điện chạy pin và chuỗi cung ứng, nghiên cứu cải tiến vật liệu pin, phát triển các chương trình cho thuê pin với nhiều biện pháp kết hợp, kỳ vọng nhanh chóng tăng số lượng xe điện ra đường trong thời gian tới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.