Địa phương xem nhẹ, đường sắt "bó tay"
Hơn một năm trước, trên tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển bỗng xuất hiện "điểm nóng" xâm lấn kết cấu hạ tầng đường sắt dài hơn 1km, từ Km22+700-Km23+710, thuộc địa phận xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại khu vực này, một số hộ dân xây dựng công trình và xuất hiện một đường bê tông sát với đường sắt đang khai thác, thêm dãy cọc thép tròn để ngăn cách đường bộ với đường sắt, cùng hàng cây cao trên dưới 2m.
Đáng nói, dãy đường bê tông được mở nằm trên phần đất được quy hoạch để xây dựng tuyến đường sắt khổ rộng 1.455m (hiện chưa lắp đặt ray), do đơn vị đường sắt quản lý, được xác lập ranh giới trên bản đồ và thực địa. Và dù vi phạm trên nghiêm trọng, xâm phạm kết cấu hạ tầng và mất ATGT đường sắt, nhưng tới giờ chưa thấy tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt hay xử lý trách nhiệm theo quy định.
Cùng đó, tại Km23+985 gần đoạn trên phát sinh thêm lối đi tự mở vượt qua đường sắt, với vi phạm phá bỏ hàng rào, thảm nhựa, lắp tấm đan bê tông cốt thép trong lòng và hai bên đường ray; đoạn Km24+100-Km24+750 có những cây gỗ lớn được tập kết trong phạm vi kết cấu hạ tầng đường sắt, có chỗ nằm trên vai đá của đường sắt đang khai thác chạy tàu…
Trước vi phạm nghiêm trọng trên, giữa năm 2022, Cục Đường sắt VN, Công ty CP Quản lý đường sắt Hà Thái nhiều lần làm việc với chính quyền huyện Hoài Đức, xã La Phù để giải quyết dứt điểm các vi phạm, nhưng đến nay vi phạm mới được khắc phục một phần (dỡ bỏ cọc rào sắt, cây xanh…).
Giữa tháng 8/2023, PV Tạp chí GTVT ghi nhận hơn 1km đường bê tông mở trên nền thuộc kết cấu đường sắt vẫn còn nguyên trạng, thành tuyến đường bộ với lưu lượng lớn xe ô tô, xe hai bánh qua lại. Theo đơn vị quản lý đường sắt, nguy cơ tai nạn đường sắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi xe ô tô tải chạy sát với tuyến đường sắt đang khai thác, xe cộ băng qua lối đi tự mở.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý đường sắt Hà Thái cho biết, theo quy định của Luật Đường sắt, trách nhiệm chính giải quyết vi phạm trên thuộc về chính quyền địa phương. "Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã hai lần có văn bản đề nghị UBND xã La Phù chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ngành chức giải quyết dứt điểm vi phạm đến, song đến nay vi phạm vẫn phức tạp. Nếu chính quyền địa phương không thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của mình sẽ không thể giải quyết được" ông Tuấn nói.
Trong khi đó, trên tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai, Công ty CP Quản lý đường sắt Vĩnh Phú cũng rơi vào thế khó trong phòng ngừa tại nạn tại "lối đi tự mở rộng nhất miền Bắc" tại Km66+860 (xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo khảo sát của PV Tạp chí GTVT và thông tin từ đơn vị quản lý đường sắt, đường ngang cắt qua đường sắt tại ví trí trên nằm trong danh sách "lối đi tự mở" nhưng thực tế nằm trên trục Đường tỉnh 304 của Vĩnh Phúc, với chiều rộng khoảng hơn chục mét, với mật độ phương tiện đường bộ qua lại đông đúc.
"Đoạn đường này trước đây nhỏ hẹp, nhưng thời gian qua được địa phương đầu tư nâng cấp mở rộng nên lối đi tự mở này trở thành lối tự mở "rộng nhất miền Bắc", to hơn nhiều đường ngang qua đường sắt được cấp phép. Theo quy định của Luật đường sắt, khi cải tạo, nâng cấp lối đi tự mở qua đường sắt, trách nhiệm của địa phương phải đề nghị để nâng cấp thành đường ngang để tổ chức gác chắn, bảo đảm ATGT.
Thế nhưng, đến nay lối đi tự mở này chưa được tổ chức quản lý phù hợp với thực tế, không có gác chắn nên có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường sắt. Từ đầu năm 2023 đến nay, tại ví trị này xảy ra ít nhất 2 sự cố tai nạn đường sắt", đại diện Công ty CP Quản lý đường sắt Vĩnh Phú cho biết.
Nhiều lối đi tự mở thành "điểm đen", phức tạp
Theo các Công ty CP Quản lý đường sắt Vĩnh Phú, Hà Thái, Hà Hải, nguy cơ lớn nhất xảy ra tai nạn đường sắt hiện vẫn tập trung ở các lối đi tự mở. Bởi trên các tuyến đường sắt còn nhiều lối đi tự mở được xếp vào nguy cơ cao xảy ra tai nạn, như tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có các điểm: Km43+265, Km43+626, Km56+100, Km57+913 và 112 điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt, hay tại địa bàn tỉnh Phú Thọ có 10 lối đi tự mở có mức độ nguy hiểm tương tự.
"Theo quy định, thẩm quyền, trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo đảm ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở thuộc địa phương, song công tác này chưa được quan tâm thỏa đáng. Như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trước đây có 16 lối đi tự mở qua đường sắt được địa phương bố trí người cảnh giới, bảo đảm ATGT nhưng từ năm 2022 đến nay không còn duy trì lực lượng này", đại diện Công ty CP Quản lý đường sắt Vĩnh Phú cho biết.
Về phía Công ty CP Quản lý đường sắt Hà Hải, ông Đoàn Ngọc Cường, Phó phòng Kỹ thuật – an toàn cũng cho biết, các đoạn tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đồng Đăng, Yên Viên – Lào Cai, Gia Lâm – Hải Phòng mà đơn vị quản lý bảo trì luôn trong tình trạng phức tạp về ATGT do lối đi tự mở còn quá nhiều.
"Có những "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn đường sắt tại lối đi tự mở cần phải rào lại theo quy định nhưng chúng tôi không thể làm nổi. Tại Hà Nội hay Hải Dương, có lối đi tự mở là "điểm đen" và đã được đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương rào chắn, thu hẹp lại nhưng 4-5 lần đều bị phá dỡ nên nguy cơ tai nạn khó giảm", ông Cường nói và cho biết thêm như tuyến Hà Nội – TP.HCM năm 2023 mới giảm được 1/92 lối đi tự mở.
Theo ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Nội, lối đi tự mở chiếm tỷ lệ tai nạn đường sắt cao nhất và giải pháp để giải quyết vấn đề trên là các địa phương có đường sắt đi qua cần nỗ lực đầu tư, làm đường gom để giảm, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở theo lộ trình tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
"Trường hợp chưa làm được đường gom để xóa lối đi tự mở, trách nhiệm quản lý, cảnh giới, bảo đảm ATGT đường sắt tại lối đi tự mở thuộc thẩm quyền địa phương", ông Thương cho biết thêm.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực đường sắt xảy ra 48 vụ TNGT, làm chết 34 người, bị thương 13 người; so với cùng kỳ năm trước tăng 6 vụ (14,29%), tăng 4 người chết (13,33%) và 2 người bị thương (18,18%).
Trong tháng 7 và tháng 8/2023, đơn vị quản lý đường sắt cho biết, xảy một số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại lối đi tự mở thuộc địa bàn TP.Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên… khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.