Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt

An toàn giao thông 19/04/2023 08:11

Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt và vị trí nút giao đường ngang tập trung nhiều nhất, trong khi công tác quản lý nút giao bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Tạp chí GTVT ghi nhận thực tế, phân tích và làm rõ vấn đề này qua loạt bài: "Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt".

Kỳ 1: Báo động đỏ tai nạn tại "lối đi tự mở" và "đường ngang"

Trong năm 2022 và hơn 1 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông đường sắt tại nút giao đường bộ với đường sắt tại "lối đi tự mở", "đường ngang" và có xu hướng gia tăng.

Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt- Ảnh 1.

Vụ TNGT đường sắt xảy ra ngày 28/1/2023 tại nút giao "lối đi tự mở" có người gác chắn với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km28+800 (huyện Thường Tín, Hà Nội)

Cố tình vượt cần chắn, rào chắn và lĩnh hậu quả 

Trong hơn một tháng đầu năm 2023, trên tuyến đường sắt quốc gia đoạn chặng từ Giáp Bát - Văn Điển - Phú Xuyên (Hà Nội) liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng ở các đường ngang, lối đi đường bộ qua đường sắt gây thiệt hại về người, phương tiện đường bộ, đường sắt và hư hại thiết bị, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Đáng chú ý bởi tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở vị trí nút giao có hệ thống cần chắn tự động (ngày 14/1, tại Km8+367, đầu máy tàu hỏa đâm vào ô tô bị kẹt trên đường ray; ngày 28/1 tại Km7+525), có trạm gác chắn (ngày 24/1, tại Km28+805, đoàn tàu đâm vào xe container chở thép, khiến đầu máy đường sắt bị hỏng, nhân viên gác chắn bị thương)… 

Ngoài địa bàn Hà Nội, trong khoảng thời gian trên tại Nghệ An, Phú Yên cũng xảy ra các một số vụ tai nạn giữa phương tiện đường sắt với ôtô, xe máy tại nút giao đường ngang, lối đi tự mở.

Sau các vụ tai nạn xảy tại nút giao có gác chăn thuộc địa bàn huyện Thường Tín, PV Tạp chí GTVT khảo sát thực địa hơn 20km đường sắt đoạn Giáp Bát – Thường Tín - Phú Xuyên, ghi nhận dọc tuyến này tồn tại hàng chục lối đi cắt qua đường sắt từ Quốc lộ 1 (cũ) để vào nhà dân, cửa hàng.

Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt- Ảnh 2.

Lối đi dân sinh vượt đường sắt nằm san sát trên đoạn qua huyện Thanh Trì, Hà Nội

Điển hình, khu vực xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, có đoạn cứ cách vài mét lại có một lối đi dân sinh vượt qua đường sắt, lòng đường sắt tại vị trí này có tấm bê tông hoặc lấp đá dăm. Hầu hết vị trí dân sinh vượt đường sắt này có cọc sắt gắn dòng chữ cảnh báo "Chú ý tàu hỏa" màu trắng, nhưng chỉ có một mặt (có dòng chữ) quay ra phía quốc lộ.

Một số người dân cho biết, các vị trí vượt đường sắt dân sinh này nguy hiểm nhưng người dân sống lâu năm ở đây quen với giờ giấc các đoàn tàu qua lại và luôn có "kinh nghiệm" phòng tránh tàu, chỉ lo ngại cho người nơi khác đến.

Các vị trí, điểm mở dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường sắt, song nguy cơ rủi ro, sự cố tai nạn xảy ra tại các đường ngang có người gác chắn, cần chắn tự động trên đoạn tuyến Giáp Bát – Phú Xuyên cũng không thấp. Nguyên nhân do phổ biến tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy tắc an toàn, sẵn sàng vượt qua cần chắn tự động hay rào kéo chắn có nhân viên gác chắn.

Dẫn chứng, chiều 2/2, có mặt tại nút giao đường ngang với đường sắt từ Quốc lộ 1 vào Cụm công nghiệp Nguyễn Trãi (thôn Lưu Xá, xã Quất Động, huyện Thường Tín), PV chứng kiến mặc dù hệ thống đèn, chuông báo hiệu và cần chắn tự động đã hạ xuống để cho đoàn tàu khách hướng Hà Nội – Nghệ An chạy qua, nhưng xe tải biển số 29H-131.16 và 5-6 xe máy ở hai phía vẫn cố tình chạy qua.

Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt- Ảnh 3.

Vụ tai nạn xảy ra tại nút giao "đường ngang" có hệ thổng cảnh báo và cần chắn tự động tại Km8+367 (Hà Nội) ngày 14/1/2023

Trong khi đó, phương tiện đường bộ vượt qua rào chắn tại các vị trí gác chắn có nhân viên trực gác, kéo chắn cũng diễn ra phổ biến. "Chuyện xe máy, thậm chí ô tô cố tình vượt qua rào chắn đã được kéo gần hết thường xuyên xảy ra. Không ít lần khi chúng tôi nhắc hoặc ngăn không phương tiện qua để bảo đảm an toàn chạy tàu thì bị người điều khiển phương tiện đường bộ phản ứng, thậm chí chửi bới", một nữ nhân tại Trạm gác chắn Km17+650 (vị trí đường ngang từ Quốc lộ 1 vào thị trấn Thường Tín) thuộc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh kể.

"9h14 phút, tàu LP6 qua trạm chắn Nghĩa Lợi của Công ty CP Đường sắt Hà Hải, mặc dù nhân viên đã đóng chắn nhưng người dân cứ bất chấp vượt qua đường tàu, coi thường tính mạng của chính bản thân mình. Mọi việc xảy ra chỉ trong vòng 50 giây, 2 nhân viên gác chắn đã nhanh chóng đưa người phụ nữ ra khỏi đường tàu vừa kịp tàu đến, cũng may mà tàu chạy chậm", trên mạng xã hội mới đây cũng chia sẻ một video về tình huống nguy hiểm xảy ra trong tháng 1/2023 tại một gác chắn đường sắt.

Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt- Ảnh 4.

Tình trạng phương tiện vượt rào chắn, gác chắn tự động là hiểm họa trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông tại các vị trí giao giữa đường ngang vượt đường sắt. Trong ảnh: Xe ô tô vượt cần chắn tự động đã hạ xuống tại nút giao đường ngang vượt đường sắt từ Quốc lộ 1 vào Cụm công nghiệp Nguyễn Trãi (xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội), chụp ngày 2/2/2023

Xử phạt chưa đủ răn đe

Đại diện các công ty quản lý vận hành trạm chắn có gác chắn, hệ thống cần chắn đường ngang giao với đường sắt khu vực phía Bắc cho biết, tại các vị trí gác chắn, trạm chắn đến nay đều được lắp đặt camera giám sát trực tuyến. Ghi nhận hình ảnh từ nhiều vị trí đường ngang cho thấy, tình trạng ôtô, xe máy và phương tiện đường bộ vi phạm quy tắc an toàn, biển báo giao thông khi vượt qua đường sắt diễn ra phổ biến.

"Có vị trí đường ngang trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng có hệ thống báo hiệu, cần chắn tự động và được lắp đặt biển báo hiệu cấm xe ôtô trọng tải lớn đi vào, song thường xuyên có xe vi phạm mà không bị xử lý", ông Phạm Văn Hiệp, Phó giám đốc Công ty CP thông tin tín hiệu đường sắt (quản lý hệ thống gác chắn tự động) nêu ví dụ.

"Vi phạm của phương tiện giao thông đường bộ qua các đường ngang đường sắt rất phức tạp, thường xảy ra các trường hợp phương tiện cố tình vượt đèn báo hiệu, rào chắn. Có trường hợp ôtô đâm vào gác chắn, cố vượt qua rào chắn dẫn đến tụt bánh xuống đường ray…", ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Kỹ thuật – an toàn, Công ty CP Đường sắt Hà Hải (quản lý các trạm gác chắn thủ công) cho biết.

Nhiều bất cập trong quản lý đường ngang qua đường sắt- Ảnh 5.

Từ năm 2022 đến nay, toàn quốc xảy ra 109 vụ tai nạn đường sắt tại các nút giao với "lối đi tự mở" và "đường ngang"

Tuy vậy, cũng theo các đơn vị trên, hệ thống camera ghi nhận được nhiều trường hợp phương tiện đường bộ vi phạm, song chỉ trường hợp gây ra tai nạn, sự cố dẫn đến thiệt hại mới sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera để phục vụ công tác điều tra, xử lý tai nạn hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

Chẳng hạn, như trong vụ xe ô tô đâm vào gác chắn tự động tại Km8+367 thuộc khu gian Văn Điển – Giáp Bát, xảy ra ngày 14/1/2023, sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng chức năng trích xuất hình ảnh camera để xác định vi phạm và xử phạt tài xế ô tô 11 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Trong khi đó, nhiều vi phạm của phương tiện giao thông đường bộ tại các vị trí đường ngang có cần chắn tự động, trạm gác chắn thủ công… không bị xử phạt, ngăn chặn kịp thời khiến chưa phát huy tác dụng tuyên truyền, răn đe để tác động, nâng ý thức chấp hành quy tắc an toàn khi lưu thông qua đường sắt.

Năm 2022, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí, 105 vụ xảy ra tại lối đi tự mở và đường ngang

Theo Cục Đường sắt VN, năm 2022 xảy ra 213 vụ TNGT đường sắt, làm 83 người chết và 83 người bị thương; so với năm 2021 tăng 152% số vụ, 119% người chết và 183% người bị thương.

Địa điểm xảy ra tai nạn: 99 vụ tại lối đi tự mở, 4 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động, 2 vụ tại đường ngang có người gác, 6 vụ trong ga và 88 vụ dọc đường sắt.

Trong tháng 1/2023 xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, làm 3 người chết và 1 người bị thương, trong đó 4 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, đường ngang.