Về chủ trương, chính sách của Nhà nước là tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường như Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ đã quy định việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế... Trong lĩnh vực GTVT, ngày 6/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 855/QĐ-TTg về đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT, quy định nội dung Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Về tình hình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Ngành, công tác hợp tác quốc tế về môi trường của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) đã được chú trọng phát triển từ những năm 2000. Để chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, Cục ĐTNĐVN đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm, tài chính của các quốc gia phát triển. Thời gian vừa qua, Cục đã tham gia thực hiện một số nội dung như: Dự án “Cơ sở hạ tầng nông thôn ĐTNĐ Việt Nam - Canada” 1998 - 2003, Cục ĐTNĐVN đã phối hợp với tư vấn thực hiện các gói việc về môi trường; nghiên cứu “Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý môi trường cho đội ngũ cán bộ Cục” năm 2004, do Trung tâm Đào tạo và tư vấn WES (Bỉ) hỗ trợ; Dự án “Nghiên cứu giải pháp phát triển vận tải công-ten-nơ bằng đường thủy tuyến Hà Nội - Hải Phòng”, 2006 - 2007 do Chính phủ Bỉ tài trợ, hợp phần môi trường; tham gia dự án Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố trong hoạt động giao thông ĐTNĐ, 2013 - 2014 do Chính phủ Bỉ tài trợ...
Hiện nay, Cục ĐTNĐVN đang phối hợp với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế triển khai chương trình Giao thông thủy giữa 4 nước hạ lưu sông Mê Kông, thảo luận việc chia sẻ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, triển khai dự án “Phân tích rủi ro trong vận chuyển, giao nhận và lưu trữ hàng hóa nguy hiểm trên sông Mê Kông” giai đoạn 2.
Từ năm 2010 đến nay, Cục đã duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước; thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ của Ngành. Quan hệ giữa Cục ĐTNĐVN với một số nước như Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã được thiết lập trong một số lĩnh vực hoạt động của Cục như quản lý môi trường cảng, ứng phó với BĐKH, đào tạo về môi trường.
Về đánh giá các kết quả hợp tác quốc tế về môi trường lĩnh vực ĐTNĐ, các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường thời gian qua đã đạt được một số kết quả như các dự án đã góp phần đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng GTVT thủy như Quy hoạch phát triển khu vực phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long, hai tuyến đường thuỷ phía Nam... và các dự án xây dựng công trình giao thông ĐTNĐ, chỉnh trị, nạo vét lòng sông; xác định quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông ĐTNĐ trong công tác bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư ven sông và các đối tượng tham gia giao thông...
Các hạn chế trong hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường thời gian qua, ngoài kết quả đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế của Cục còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, thể hiện trong các mặt như: Đối với cán bộ làm hợp tác quốc tế, do chính sách đãi ngộ thấp, nên không thu hút được các người có năng lực làm công tác hợp tác quốc tế. Việc triển khai các nội dung hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường như: Xây dựng đề xuất dự án, xử lý công việc, dịch tài liệu, giao tiếp với đối tác nước ngoài còn chậm tiến độ và chưa hiệu quả. Đối với cán bộ chuyên ngành môi trường, trình độ ngoại ngữ của cán bộ thuộc Cục còn hạn chế, nên cơ hội tiếp cận với người nước ngoài hoặc nghiên cứu tài liệu, công nghệ tiên tiến của quốc tế về môi trường gặp khó khăn; việc tiếp cận và thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế; việc bố trí được kinh phí để triển khai các bước tiếp theo sau khi kết thúc một số dự án...
Để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường ĐTNĐ trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề như: Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, chú trọng vào các chương trình và định hướng lớn của Đảng và Chính phủ, trong đó đặt trọng tâm vào các đề án xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các hoạt động nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về môi trường; triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế; đẩy mạnh phối hợp với các nước có liên quan về hợp tác nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông; thành lập Nhóm hỗ trợ quốc tế về môi trường, xây dựng một chương trình hợp tác giữa Cục ĐTNĐVN với cộng đồng tài trợ quốc tế tiềm năng như Canada, Bỉ, Hà Lan, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các tổ chức phi chính phủ như Ủy hội sông Mê Kông, UNESCAP; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cộng đồng quốc tế trong việc tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu với Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020, định hướng 2030; tăng cường đầu tư vào KHCN, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải.
Nếu thực hiện tốt các định hướng trên đây, có thể nâng cao hiệu quả viện trợ quốc tế cho lĩnh vực môi trường ngành ĐTNĐ Việt Nam, phù hợp với chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.