Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Tesla đã luôn bị hai nỗi ám ảnh đeo đuổi: chất lượng sản xuất nghèo nàn và thường xuyên lỡ hẹn. |
Ý kiến cho rằng Thung lũng Silicon có thể tái phát minh lĩnh vực xe hơi theo cách mà Apple tái phát minh điện thoại di động nghe có vẻ khá hấp dẫn, và xét theo một vài khía cạnh, Tesla đã làm được điều đó. Hãng xe hơi với những mẫu xe có nhiều tính năng độc đáo - hiệu năng tuyệt vời, pin bền bỉ, và giao diện điều khiển cảm ứng xuất sắc - đã lừa phỉnh một lượng lớn người hâm mộ và nhà đầu tư khi làm người ta cảm tưởng rằng tương lai của ngành công nghiệp xe hơi thực sự đã đến một cách cực kỳ chóng vánh và bất ngờ.
Nhưng theo Bloomberg, những báo cáo gần đây đã đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai "rực rỡ" đó. Sau 15 năm, ngày càng rõ ràng rằng Tesla chẳng mang đến điều gì trong lĩnh vực mà "hầu như mọi đột phá đáng giá đều diễn ra ở đây" - trích lời của nhà phân tích công nghệ Horace Dediu - đó là hệ thống sản xuất.
Thế nhưng, thay vì tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, Tesla lại tập trung cho việc sửa chữa và tái sản xuất những chiếc xe và phụ tùng kém chất lượng. Công ty đang đưa ngành sản xuất xe hơi trở về thời kỳ đen tối cách đây hàng chục năm.
Ngày trước, đây chính là cách thức hoạt động mà mọi nhà sản xuất xe hơi ở Detroit đều áp dụng. Được lèo lái bởi suy luận logic của Henry Ford, các nhà sản xuất xe hơi Mỹ liên tục tăng cường sản xuất nhằm mở rộng tối đa quy mô, sau đó sửa chữa các mẫu xe gặp lỗi bị khách hàng phàn nàn. Chính văn hóa công ty thiếu hiệu quả và thờ ơ với chất lượng này là một trong những lý do quan trọng khiến ba ông lớn xe hơi Mỹ trong thập niên 1970 và 1980 lâm vào cảnh khốn đốn.
Ngược lại, xe hơi Toyota có thể không có vẻ ngoài hào nhoáng, hầm hố, hay động cơ V8 mạnh mẽ như của đối thủ Hoa Kỳ, nhưng Hệ thống Sản xuất Toyota (TPS, hay "lean") đã thành huyền thoại lại nói không với sửa chữa, và những chiếc xe đáng tin cậy, chất lượng cao của hãng đã nhanh chóng chiếm gọn một lượng lớn thị phần của các đối thủ tại Detroit. Bằng cách loại bỏ một cách có hệ thống mọi hình thức lãnh phí trong dây chuyền sản xuất của mình, Toyota đã cho thấy việc sản xuất những chiếc xe hoàn hảo ngay từ đầu có thể mang lại tính hiệu quả về mặt vốn và chất lượng sản xuất rất lớn.
Ví dụ, Toyota tạo ra một hệ thống gọi là "andon", trong đó họ lắp một dây thừng ở phía trên mỗi công xưởng. Mọi nhân viên đều được khuyến khích kéo sợi dây thừng này mỗi khi họ phát hiện ra một lỗi, và cả công xưởng sẽ ngừng làm việc để chờ kết quả phân tích truy ngược về nguồn gốc của lỗi đó. Phương thức làm việc này phản ánh triết lý của TPS: thay vì cố gắng sửa lỗi - vốn cực kỳ đa dạng và gây ảnh hưởng đến mọi quy trình chuẩn hóa, phương thức của Toyota sẽ sửa ngay nguyên nhân gây nên lỗi. Thà ngừng mọi hoạt động sản xuất cho tới khi nguyên nhân gốc rễ của lỗi được sửa hoàn toàn, chứ không bàng quan nói với các công nhân rằng những lỗi đó sẽ được sửa sau này bởi một người nào đó khác.
Tesla có vẻ không mấy hào hứng với bài học lịch sử này. Trong cuộc họp cổ đông vào Quý 4/2017, CEO Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng TPS không phải là mô hình mà công ty của ông muốn áp dụng, ngay cả khi ông nhắc lại mục tiêu nâng cao năng suất các nhà máy của Tesla.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều báo cáo liên quan chất lượng của xe hơi Tesla Model 3 xuất hiện, Tesla đang tìm cách tăng cường hoạt động bảo dưỡng để sữa chữa những vấn đề mà Model 3 gặp phải. Như thông lệ, mỗi lần một mẫu xe mới được tung ra, Tesla lại mở rộng các đội dịch vụ lưu động của mình - vốn đến tận nhà của khách hàng để tiến hành sửa chữa phương tiện cho họ. Dịch vụ này hiện đã có 230 xe lưu động, giúp Tesla nâng cao chỉ số hài lòng của khách hàng thông qua dịch vụ cá nhân hóa của hãng, nhưng nó cũng cho thấy công ty hờ hững ra sao trong việc làm mọi thứ hoàn hảo ngay từ đầu. Nếu lịch sử lặp lại, Tesla sẽ thu hồi hoạt động sửa chữa lưu động kém hiệu quả này một khi doanh số của Model 3 tăng cao, và khách hàng lại sẽ phải tự thân lái xe đến các trung tâm bảo hành vốn đã và đang tiếp nhận sửa chữa một lượng lớn thiết bị cả trước và sau khi chúng được chuyển đến.
Sự ngạo mạn lẫn thiện ý của Musk trong việc ném bỏ tính chính thống của ngành công nghiệp xe hơi rõ ràng đã tạo được tiếng vang trong công chúng. Và nếu mục tiêu của Tesla chỉ là xây dựng một thương hiệu cao cấp, thì các màn hình cảm ứng khổng lồ, hệ thống media có thể kết nối YouTube, và thiết kế cửa hình cánh chim có lẽ là quá đủ.
Nhưng Tesla lại đang theo đuổi chính sách hạ giá bán lẻ và tăng số lượng sản phẩm, đồng thời hướng đến sản xuất đại trà những chiếc xe hiện đại của mình. Rõ ràng hãng đang tỏ ra cực kỳ mâu thuẫn khi mà thương hiệu cao cấp và sản xuất đại trà không bao giờ đi cùng nhau, và thứ mà Tesla đang hướng đến sẽ phá hỏng thương hiệu mạnh mẽ của chính mình. TPS nhấn mạnh vào vai trò nền tảng của văn hóa trong sản xuất sản phẩm chất lượng cao, và để thay đổi văn hóa cần một thời gian rất dài, Tesla có thể sẽ phải nỗ lực hàng thập kỷ để có thể giúp Detroit đạt được những tiêu chuẩn chất lượng có sức cạnh tranh cao.
Sự thành công của Thung lũng Silicon trong nhiều thập kỷ qua trên tất cả mọi mặt, từ smartphone đến phần mềm, có vẻ đã làm lóa mắt Tesla, khiến họ không nhận ra được tầm quan trọng và khó khăn của sản xuất; cũng như sức mạnh văn hóa và người tiêu dùng bùng nổ trong thập niên 1950 và 1960 đã làm lóa mắt Detroit, khiến họ không nhận ra mối đe dọa đến từ dây chuyền sản xuất xuất sắc về mọi mặt của Toyota
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.