Người dân đổ xăng E5 trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Kỳ vọng giá xăng E5 ở mức thấp để tạo sự hấp dẫn với người tiêu dùng đang là thử thách cho cả nhà quản lý và sản xuất.
Giá liên tục tăng do độc quyền?
Thông tin về việc điều hành giá xăng dầu do liên bộ Tài chính - Công thương công bố trong các kỳ điều hành gần đây cho thấy giá ethanol đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 đã tăng 4 lần trong khoảng 3 tháng qua.
Nếu nửa đầu năm 2017 giá ethanol dao động trong khoảng 13.700 - 13.800 đồng/lít thì từ tháng 10-2017 đã liên tục tăng, vượt qua mốc 14.200 đồng/lít. Đến kỳ điều chỉnh đầu năm 2018, giá ethanol đã tăng tiếp thêm trên 100 đồng/lít.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết giá nguyên liệu ethanol để pha chế xăng E5 đã tăng trên 100 đồng/lít.
Tuy nhiên, do tỉ lệ cồn ethanol để sản xuất ra xăng E5 chỉ chiếm 5% nên mức tăng giá này chưa ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất xăng E5.
Ông Thắng cho biết thêm để đảm bảo nguồn cung, Petrolimex kết hợp nhập khẩu ethanol từ nước ngoài và giá ethanol nhập khẩu khá ổn định.
Hiện tại VN chỉ có Công ty Tùng Lâm cung cấp ethanol để pha chế, làm xăng E5. Theo ông Trần Minh Hà - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), doanh nghiệp này cũng đang mua nguyên liệu ethanol chủ yếu từ Công ty Tùng Lâm.
Do giá ethanol đang tăng nên Saigon Petro đã tìm hiểu thị trường nhập khẩu để chủ động kế hoạch, việc nhập khẩu cũng khá dễ dàng.
Đặc biệt, ông Hà cho biết hiện nay thuế ethanol nhập khẩu là 17%, cộng thêm các chi phí khác (như vận chuyển, bảo hiểm... - PV) thì giá nhập ethanol về chỉ tương đương giá bán của Tùng Lâm, thậm chí còn rẻ hơn một chút...
Nguyên liệu tăng, nhiều khâu trung gian
Trao đổi với PV về lý do tăng giá ethanol, ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, cho biết nguyên nhân chính là vì giá sắn (khoai mì - nguyên liệu duy nhất để sản xuất ethanol ở Việt Nam) liên tục tăng.
Do mùa thu hoạch sắn vào đầu năm và do chỉ trồng được 1 vụ, nên thông thường từ tháng 5 trở đi giá sắn sẽ tăng, cộng thêm chi phí hao hụt, bảo quản, kho bãi, đội giá qua các khâu trung gian, nguyên liệu khan hiếm vào cuối năm... đã làm tăng giá.
"Giá nguyên liệu sắn đã tăng khoảng 30%, cộng thêm đội giá ở khâu trung gian, trong khi 75% giá thành của cồn ethanol là sắn. Do vậy, nếu giá sắn tăng 1.000 đồng thì giá cồn phải tăng tương ứng là 3.000 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tăng giá ethanol quá cao vì doanh nghiệp xăng dầu không chịu được, nên trong quá trình sản xuất cồn phải tận thu nguyên liệu, bớt lãi để giữ giá", ông Chỉnh nói.
Ông Chỉnh giải thích quá trình lưu thông sản phẩm sắn khô ở Việt Nam qua 3-4 khâu trung gian (do trồng rải rác, doanh nghiệp phải qua nhiều cấp đại lý để thu gom - PV), nên chi phí trung gian có khi gần bằng với giá thành sản xuất.
Điều này dẫn tới doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu nếu không có cơ chế để nâng cao năng suất sắn và giảm khâu trung gian.
Theo một số doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, lượng sắn khô sản xuất trong nước mỗi năm là 4 - 5 triệu tấn, chủ yếu để xuất khẩu, làm thức ăn chăn nuôi và dùng làm nguyên liệu sản xuất ethanol.
Nếu hai nhà máy ethanol Bình Phước và Dung Quất đi vào hoạt động, lượng sắn tiêu thụ khoảng 600.000 tấn/năm, nên nguồn nguyên liệu trong nước vẫn đảm bảo. Vấn đề là giá sắn và sự minh bạch trong giá thành ethanol.
Giá ethanol trong giá cơ sở xăng E5 (trong các kỳ điều hành của Bộ Công thương)Nguồn: Bộ Công thương - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Nên giảm thuế nhập khẩu ethanol
Theo đại diện một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện mức tăng giá ethanol chưa tác động nhiều đến giá xăng E5 do nguyên liệu này chỉ chiếm tỉ lệ 5% nên nếu tăng 1.000 đồng/lít ethanol, giá xăng E5 chỉ tăng 30 đồng/lít.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung, tránh hiện tượng độc quyền và ổn định giá ethanol, thuế nhập khẩu cần giảm để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu.
Trả lời PV, một đại diện Bộ Công thương cho biết đã góp ý với Bộ Tài chính về việc giảm thuế nhập khẩu ethanol và thuế này đã được giảm từ mức 20% trước đây về 17%.
Điều này vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng cũng khuyến khích việc tiêu thụ ethanol sản xuất trong nước.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng mức thuế này cần phải giảm hơn nữa, vì ethanol giúp bảo vệ môi trường và đang cần khuyến khích dùng xăng E5.
Nếu ethanol cứ tăng tiếp thì giá xăng E5 sẽ phải tăng, gây lực cản đối với người tiêu dùng. Vị đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng nên tính toán để giảm tiếp thuế nhập khẩu ethanol.
Sẽ sớm có thêm nguồn cung ứng ethanol Theo Bộ Công thương, nguồn ethanol trong nước để pha chế xăng E5 hiện được cung cấp chủ yếu bởi 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm). Dự kiến trong tháng 1-2018 Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Bình Phước (công suất 100 triệu lít/năm) sẽ hoạt động trở lại và trong quý 1-2018 Nhà máy nhiên liệu sinh học bio - ethanol Dung Quất (công suất 100 triệu lít/năm) cũng hoạt động. Khi đó, sẽ không còn tình trạng chỉ còn một nhà cung cấp ethanol như hiện nay. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.