EU hoãn trừng phạt, muốn xích lại gần hơn với Nga

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 27/02/2018 16:18

EU ngày 26/2 đã tuyên bố hoãn gia hạn trừng phạt Nga trong khi Moscow cũng tỏ rõ thiện chí sẵn sàng cải thiện quan hệ với khối này.

16f8fj9i_qirr

Tổng thống Nga Putin đang "chìa tay" ra với EU?. Ảnh: Reuters

Hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov thông báo, EU đã hoãn gia hạn lệnh trừng phạt các cá nhân và công ty Nga do một số nước thành viên phản đối tự động gia hạn các biện pháp trừng phạt.

Theo vị quan chức này, cần thiết phải triệu tập phiên họp cấp bộ trưởng để gia hạn các biện pháp trừng phạt của EU, tuy nhiên tiến trình này bị kéo dài là do một số nước thành viên chưa hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết.

Mặc dù tuyên bố của châu Âu được cho là xuất phát từ vướng mắc thủ tục tại các quốc gia thành viên, nhưng dẫu sao những trì hoãn của khối này vẫn được xem là tích cực đối với Nga, làm dịu lại những căng thẳng giữa hai bên liên quan tới vấn đề trừng phạt.

Cùng với đó, Nga cũng đã chủ động bày tỏ thiện chí làm “sống lại” mối quan hệ với EU. Trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng 2 nước Nga và Bồ Đào Nha diễn ra ngày hôm qua (26/2) tại Moscow, hai bên nhất trí rằng khôi phục quan hệ hợp tác giữa Nga và EU sẽ góp phần đáp ứng lợi ích của toàn châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Nga ngỏ ý sẵn sàng khôi phục tất cả các kênh đối thoại, hợp tác, những dự án cùng có lợi, vốn bị đóng băng sau mùa Xuân năm 2014, thời điểm Nga bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt với cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ngoại trưởng Nga đồng thời cho rằng, ý thức được thực trạng quan hệ không mấy “xuôi chèo mát mái” giữa hai bên hiện nay, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã bày tỏ mong muốn khắc phục tình hình. Điển hình là Đức, khi mới đây quốc gia này đã  ủng hộ việc nới lỏng trừng phạt Nga.

Tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra tại Đức, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Sigmar Gabriel cho biết, ông ủng hộ nới lỏng một số lệnh trừng phạt chống Nga, nếu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine với sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Theo ông Gabriel, việc đòi hỏi thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk về khủng hoảng Ukraine trong khi vẫn áp đặt trừng phạt Nga là “không thực tế”: “Tất nhiên là giữa chúng ta vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm. Tuy nhiên Nga là một láng giềng lớn của châu Âu, và đôi khi chúng ta đã quên mất điều đó. Nếu chúng ta muốn sự ổn định trên lục địa của chúng ta thì chúng ta cần có mối quan hệ tốt với nước này”.

Các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu nhằm vào Nga không chỉ gây ra những tổn thất cho nền kinh tế Nga mà không ít các quốc gia thành viên của Hiệp hội này cũng “điêu đứng” trước những tác động tiêu cực từ các biện pháp đáp trả.

Một thực tế không thể phủ nhận, trong bất kỳ một cuộc chiến nào, dưới hình thức nào, dù ít dù nhiều thì cả hai bên đều phải hứng chịu những tổn thất nhất định. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia châu Âu vẫn luôn có xu hướng hàn gắn quan hệ với Nga, nhằm tránh những tổn thất nặng nề từ việc đáp trả trừng phạt lẫn nhau.

Ý kiến của bạn

Bình luận