Đối với những nền kinh tế phát triển, Euromonitor dự đoán mức tăng trưởng trong khoảng 2-4,7% năm 2017. |
Eurozone và Anh
Trong số những dự báo của Euromonitor, nền kinh tế đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có lẽ thu hút được sự chú ý nhất với tốc độ tăng trưởng 1,7-1,8% trong năm 2017-2018. Sau nhiều năm có thành tích kém, Euromonitor cho rằng Eurozone sẽ có mức tăng trưởng 2% trong nửa đầu năm 2017 trước khi đạt mức tăng trưởng 1,8% cả năm nay.
Những rủi ro về địa chính trị đã suy giảm phần nào cùng với sự thoái trào của chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc bầu cử gần đây đã khiến nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường này hơn. Điển hình là chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến nhà đầu tư yên tâm hơn. Hàng loạt các cuộc thăm dò sau đó cũng cho thấy tư tưởng cực hữu bảo hộ đã đạt đỉnh và đang trên đà thoái trào.
Thêm vào đó, khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng cùng những số liệu tích cực của thị trường lao động đã khiến Euromonitor nâng mức dự báo kinh tế cho khu vực này.
Nói đến Châu Âu thì không thể không nhắc đến Anh. Quá trình đàm phán rời Liên minh Châu Âu (EU) của nước này đã được khởi động từ tháng 6/2017. Chính phủ Anh mong muốn hoàn thành cuộc đàm phán này vào cuối năm 2017 để có thể thảo luận các vấn đề về thương mại tự do.
Mặc dù vậy, sự bất đồng quan điểm giữa các nước và tương lai mờ mịt của Anh khiến Euromonitor dự đoán tăng trưởng nước này sẽ chỉ đạt 1,7% trong quý II năm nay, thấp hơn mức 2% của quý I. Dự đoán cả năm 2017, Anh sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% và con số này thậm chí giảm xuống 1,2% vào năm 2018.
Mỹ
Trong khi Châu Âu đang trở thành tâm điểm của các chuyên gia nhờ thành thích tăng trưởng tốt thì Mỹ lại đang có dấu hiệu chững lại. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhiều khó khăn khi triển khai các chương trình kinh tế như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử cùng những tranh cãi xung quanh các động thái của Nhà Trắng khiến giới đầu tư hoài nghi về hiệu quả của gói kích thích kinh tế mà nhà lãnh đạo này đã cam kết.
Tiêu biểu nhất là việc Nghị viện Mỹ từ chối thay thế Đạo luật chăm sóc sức khỏe từ thời Cựu tổng thống Obama, hay còn gọi là Obamacare, một động thái được cho là thất bại với Tổng thống Trump vào tháng 7 vừa qua. Sự cản trở từ Nghị viện này khiến nhà đầu tư lo ngại những chính sách khác của lãnh đạo Nhà Trắng như cắt giảm thuế cũng sẽ bị tắc lại tại Nghị viện, qua đó làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mỹ.
Hơn nữa, quan điểm bảo hộ ngành sản xuất Mỹ hiện vẫn chưa cho thấy tác động tích cực rõ rệt nào với nền kinh tế như những gì Tổng thống Trump đã tuyên bố.
Bởi vậy, Euromonitor giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2017-2018 đối với Mỹ. Trong dài hạn, tăng trưởng bình quân của Mỹ được dự đoán ở mức 1,8%.
Nhật Bản
Báo cáo của Euromonitor cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản nhờ đồng Yên yếu cùng thị trường tiêu dùng, đầu tư khả quan vượt dự đoán đã khiến hãng nâng mức dự báo của nền kinh tế này lên 1,4% năm 2017 và 1% năm 2018, cao hơn mức 1,2% và 0,9% tương ứng trước đó.
Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong vài quý vừa qua đã tăng trưởng liên tiếp và đạt 1,6% trong quý I/2017. Đồng Yên yếu trong khi nhu cầu về xe hơi cũng như các thiết bị điện tử ở Châu Á và Mỹ khiến ngành sản xuất của Nhật tăng trưởng tốt. Mảng bán lẻ của nước này cũng có dấu hiệu tích cực khi người tiêu dùng lấy lại niềm tin vào nền kinh tế Nhật.
Dẫu vậy, nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ như giữ lãi suất thấp hay nới lỏng chính sách tiền tệ để tránh nguy cơ giảm phát, chỉ số tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,4% vào tháng 5/2017 so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu đạt lạm phát 2% của chính quyền Tokyo luôn bị dời thời hạn chót và Euromonitor dự đoán tỷ lệ lạm phát tại Nhật chỉ tăng 0,4% năm 2017 và 0,7% năm 2018.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.