Máy bay do thám KJ-600 của Trung Quốc sẽ có khả năng phát hiện các tiêm kích tàng hình của Mỹ như F-22 và F-35. Ảnh: SCMP |
Truyền thông Trung Quốc ngày 22/1 lần đầu tiên xác nhận nước này đang phát triển một máy bay cảnh báo sớm trên không trang bị cho tàu sân bay với tên gọi KJ-600.
Thông tin trên được báo chí Trung Quốc đưa ra khi năm vừa qua Mỹ đã cho triển khai nhiều chiến đấu cơ tàng hình F-35 tới các căn cứ tại Nhật Bản cũng như một số địa điểm khác ở Thái Bình Dương, bộc lộ thách thức với các hệ thống phòng không của Trung Quốc trong khu vực.
Giới quan sát quân sự Trung Quốc nhận định, KJ-600 sẽ được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) tiên tiến, có khả năng phát hiện các dòng máy bay tàng hình của Mỹ như F-22 và F-35.
Chuyên gia quân sự Li Jie ở Bắc Kinh cho biết, chiếc máy bay do thám mới của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy trên không.
"AESA có thể phát hiện được các máy bay chiến đấu tàng hình từ khoảng cách rất xa", ông Li nhận xét. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, KJ-600 sẽ giúp Trung Quốc lấp đầy khoảng cách vũ khí với Mỹ và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các tàu sân bay.
Theo ông Li, KJ-600 nhiều khả năng sẽ được biên chế cho chiếc tàu sân bay thứ 3 hiện đang được Trung Quốc đóng tại Thượng Hải và cũng sẽ tương thích với hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) tiên tiến của nó.
EMALS có thể phóng các máy bay phản lực nhanh hơn và hiệu quả hơn kiểu cất cánh nhảy cầu (ski-jump) mà Trung Quốc sử dụng cho 2 tàu sân bay đầu tiên.
Năm 2017, Mỹ đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tới các căn cứ tại Nhật Bản
Năm 2017, Eastern Arsenal - trang web chuyên về quân sự có trụ sở ở Mỹ đưa tin, KJ-600 đang được Tập đoàn chế tạo máy bay Xi’an phát triển. KJ-600 nặng khoảng 25-30 tấn, hai động cơ và trang bị một radar AESA cỡ lớn trên thân.
Từ phân tích ảnh chụp KJ-600, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng nó rất giống với E-2 Hawkeye, loại máy bay cảnh báo sớm trên không trang bị cho tàu sân bay Mỹ.
"Ưu điểm lớn nhất của KJ-600 là nó được trang bị radar và hệ thống thông tin tinh vi hơn, cho phép nó có khả năng theo dõi nhiều dạng tín hiệu, thậm chí là phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình ở một góc quan sát nhất định", chuyên gia Zhou Chenming nhận xét.
Hiện tại, nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào các trạm radar do thám đặt trên tàu mặt nước, do vậy tầm hoạt động của chúng bị hạn chế bởi đường cong Trái Đất.
Theo nhà nghiên cứu Collin Koh của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, việc Trung Quốc phát triển KJ-600 cho thấy Bắc Kinh muốn đưa các tàu sân bay của họ hoạt động ra xa bờ hơn.
"Nếu Trung Quốc thiết kế tàu sân bay hoạt động ở gần các vùng biển nội địa hơn, thì họ sẽ sử dụng sự trợ giúp của các phương tiện cảnh báo sớm đặt trên bờ" - Koh nói. "Nhưng khi phát triển các máy bay cảnh báo sớm, nghĩa là họ sẽ hướng tới các chiến dịch xa hơn trên biển".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.