FastGo ra mắt thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam từ giữa năm 2018. |
Trong văn bản trả lời Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng về đề nghị hướng dẫn liên quan tới ứng dụng gọi xe FastGo, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, ứng dụng này thuộc nhóm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng và chịu sự điều chỉnh Quyết định 24/2016. Tuy nhiên, đến nay Bộ chưa nhận được đề xuất của Công ty cổ phần FastGo Việt Nam có ứng dụng gọi xe FastGo. Do đó, phần mềm gọi xe FastGo không thuộc đối tượng tham gia thí điểm theo Quyết định 24/2016.
Nếu FastGo cung cấp dịch vụ gọi xe cho đơn vị vận tải taxi, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng thông báo tới doanh nghiệp không thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách bằng ôtô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) trên địa bàn. Cùng đó, FastGo cũng không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và sự phối hợp của Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tuất – CEO FastGo khẳng định, tại Đà Nẵng, FastGo không vi phạm luật. Ông cho biết mình chưa nhận được văn bản trả lời Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, ông Tuất cũng giải thích thêm, FastGo không cung cấp ứng dụng cho lái xe cá nhân tại Đà Nẵng, hãng chỉ cung cấp ứng dụng cho lái xe thuộc các hợp tác xã vận tải. "FastGo đã gửi thông tin, đề án xin phép thực hiện thí điểm 24 nhưng Bộ Giao thông Vận tải chưa trả lời", ông Tuất nói.
Vì vậy, theo ông Tuất, FastGo chưa xác định là một đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, cũng không phải một đơn vị cung cấp hợp tác xã theo kiểu hợp tác xã mà chỉ là một phần mềm mang tính chất quảng cáo, kết nối tài xế với khách hàng. Ông Tuất cho biết, FastGo chờ đến khi Nghị định 86 mới có hiệu lực thì đơn vị mới xác định mô hình kinh doanh chính xác để đăng ký.
Ứng dụng gọi xe FastGo ra mắt thị trường Hà Nội và TP HCM giữa năm nay. Theo số liệu mà FastGo công bố, hiện có 30.000 taxi và xe kinh doanh đăng ký tham gia, hơn 100.000 cuộc gọi xe được thực hiện, gần 150.000 khách hàng đăng ký và cài ứng dụng FastGo, 40.000 khách hàng đã có ít nhất một chuyến đi với FastGo.
Tuy nhiên, sau nửa năm hoạt động, việc đăng ký hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử (ứng dụng FastGo) cũng được cho là chưa hoàn thành. Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, FastGo mới chỉ thông báo đến Cục Thương mại điện tử về việc có tồn tại website fastgo.com.vn nhằm quảng cáo và bán các sản phẩm. Còn đăng ký hoạt động sàn giao dịch điện tử (ứng dụng FastGo) thì doanh nghiệp này chưa gửi hồ sơ lên Cục.
"FastGo chưa đăng ký hoạt động sàn thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Do vậy, việc FastGo thu hút tài xế cũng như hoạt động như một sàn thương mại về vận tải là trái pháp luật", vị này nói, đồng thời nhấn mạnh, muốn Bộ Công Thương cấp phép cho hoạt động sàn thương mại điện tử thì FastGo phải được Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đề án thí điểm ứng dụng công nghệ trong vận tải hàng hoá, hành khách theo Quyết định 24/2016.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết FastGo cũng đã gửi đề xuất lên Bộ Công Thương nhưng chưa được chấp thuận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.