Bộ giáp này được thiết kế nhằm hỗ trợ tối đa hai bộ phận hay chịu tổn thương nhất là vai và lưng của người mặc |
Theo khảo sát của Ford, đến năm 2020 thị trường lao động tại Châu Âu ở độ tuổi từ 60 trở lên sẽ chiếm 25%. Khảo sát này cũng chỉ rõ, do đặc thù công việc những lao động trong ngành sản xuất ô tô phải thực hiện lặp đi lặp lại những động tác và thường xuyên cầm, nắm những vật chi tiết có khối lượng tương đối lớn (các chi tiết, bộ phận của xe) và thực hiện những thao tác đòi hỏi độ chính xác cao nên phần lớn người lao động lớn tuổi sẽ có những chứng bệnh về xương khớp, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống.
Trên khắp châu Âu, các chứng bệnh về rối loạn cơ xương khớp chiếm tới 61% trong tổng số các bệnh liên quan đến bệnh nghề nghiệp.
Để giải quyết vấn đề trên hãng xe của Mỹ, Ford đã tiên phong trong việc thử nghiệm công nghệ mới nhằm hỗ trợ những người công nhân trong dây chuyền lắp ráp mà cụ thể là trang bị bộ áo giáp nhằm nâng cao khả năng di chuyển đồ vật nặng, giảm những vấn đề về bệnh xương khớp hay gặp phải.
Bộ giáp này được lấy ý tưởng từ nhân vật người sắt Tony Stark trong series phim “Iron Man-Người Sắt” của Mỹ được làm từ sợi titanium và cacbon nhẹ, bộ giáp thông minh này sẽ phát huy tác dụng rõ rệt khi người công nhân thực hiện các động tác nhấc, di chuyển hoặc mang theo vật gì nặng hơn 3kg, hoặc giữ ở những tư thế khó khăn bắt buộc để thực hiện những thao tác lắp ráp.
Bộ giáp này được thiết kế nhằm hỗ trợ tối đa hai bộ phận hay chịu tổn thương nhất là vai và lưng của người mặc, chuyển trọng lượng sang hông, do đó góp phần giảm sự xuất hiện của thương tích, chấn thương và hạn chế bệnh nghề nghiệp của những công nhân.
Ông Dale Wishnousky, Phó chủ tịch, Bộ phận sản xuất Ford of Europe, cho biết: "Làm việc trên dây chuyền lắp ráp ngoài việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng còn là những thách thức về thể chất, sức khoẻ. Bộ trang phục của Exoskeleton có thể giống như một cái gì đó trong khoa học viễn tưởng nhưng thực sự có thể giúp giảm bớt áp lực, căng thẳng cho nhân viên của chúng tôi và làm cho công việc dễ dàng hơn."
Ford đang thử nghiệm tích hợp công nghệ này vào quá trình sản xuất lần đầu tiên tại các nhà máy sản xuất của hãng ở Valencia, Tây Ban Nha. Nhà máy này là nơi sản xuất lắp ráp các mẫu xe Ford cho thị trường Châu Âu như Ford Galaxy, Ford Kuga, Ford Mondeo, Ford S-MAX và Transit Connect là đầu tiên tích hợp công nghệ này vào quá trình sản xuất.
Trong chương trình thử nghiệm, các nhà quản lý sản xuất sẽ chọn ra 200 công nhân ở tất cả các khâu trong nhà máy tham gia thử nghiệm và cho nhận xét, chiếc áo này có thực sự cần thiết cho vị trí của họ hay không. Sau đó, 100 nhân viên được chọn sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà thiết kế thiết bị để thêm bớt những tính năng cần thiết cho mỗi khâu riêng biệt. Chương trình này được sự ủng hộ rất lớn từ những người công nhân khi hơn 20 nhân viên trong số 100 người được chọn sẽ đề xuất trang bị cho họ.
Anh Ramón Navarrete, 34 tuổi, người lắp ráp nội thất, cho biết: “Công việc hàng ngày của tôi có thể giống như đang tập luyện tại phòng tập thể dục và bạn thực sự cần phải nhận được sự trợ giúp phù hợp để giải quyết một số nhiệm vụ. Bộ áo giáp mới này rất hữu ích với công việc của tôi, nó đã tạo nên sự khác biệt lớn giúp tôi cảm thấy thoải mái, ít áp lực hơn trong công việc”.
Đối với Ford, đây là một phần trong kế hoạch đầu tư của công ty vào xu thế cách mạng ngành công nghiệp 4.0, một thuật ngữ để mô tả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm tự động hoá, trao đổi dữ liệu và công nghệ sản xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.