Gã đồng tính giả giọng hàng loạt quan chức để lừa doanh nhân

Nhật ký cảnh sát 11/05/2017 14:31

Với "biệt tài" giả giọng, Phương mạo danh trợ lý bí thư tỉnh ủy, GĐ CA tỉnh... gây ra hàng loạt vụ lừa đảo mà công an chưa thể thống kê xuể.


gia-giong-quan-chuc-lua-dao-7590-1494303422
Trịnh Duy Phương và đồng phạm.

Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã bắt Trịnh Duy Phương (Phương "Pê đê", 27 tuổi) - kẻ mạo danh nhiều vị lãnh đạo, người có chức trách của các tỉnh thành từ Khánh Hòa đến Cà Mau để gây ra hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo một trinh sát cục C50, lúc bị bắt Phương tỏ ra hết sức bình tĩnh, chỉ im lặng không khai nhận điều gì khiến họ chột dạ nghĩ có thể đã bắt sai người. Tuy nhiên, qua hình dáng và thông tin cá nhân trùng khớp, cùng các chứng cứ, Phương đã nhận tội. Ngay sau đó, Phương được bàn giao cho Công an tỉnh Đồng Nai, phục vụ công tác điều tra.

Theo nhà chức trách, Phương là người đồng tính, năm 2010 từng thụ án 6 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Khi được tự do, Phương ăn chơi lêu lổng và lang bạt khắp nơi. Từ năm 2015, Phương bắt đầu hoạt động lừa đảo dưới thủ đoạn giả danh các lãnh đạo cấp cao, các chức sắc tôn giáo, nghệ sĩ nổi tiếng...

Theo cơ quan điều tra, tại tỉnh Đồng Nai, Phương được xác định đã thực hiện 3 vụ gọi điện thoại giả danh lãnh đạo tỉnh và công chức. Cụ thể, ngày 5/1/2017, Phương gọi điện vào số điện thoại của anh Thanh, chủ một nhà hàng lớn tại Biên Hòa, tự xưng là trợ lý của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, để đặt tiệc tại đây. Phương còn yêu cầu anh Thanh mang 3 triệu đồng đi đặt hoa cho bữa tiệc. 

Cũng với thủ đoạn trên, ngày 22/1, Phương gọi điện cho anh Lân, chủ một doanh nghiệp xe vận tải ở Vĩnh Long, tự nhận là Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long. Phương nói đang đưa người thân điều trị tại bệnh viện Tâm thần Biên Hòa và cần gấp 10 triệu đồng. Tin lời, anh Lân nhờ người quen đưa tiền cho Phương.

Hơn nửa tháng sau, cũng với chức danh Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Phương gọi điện cho một cửa hàng hỏi mua chiếc iPhone7 Plus. Phương tiếp tục gọi điện cho giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở tỉnh Đồng Tháp tự nhận là Chủ tịch tỉnh này, yêu cầu chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản của cửa hàng điện thoại. Vị giám đốc này không chỉ tin lời mà còn chuyển trên 30 triệu đồng. Chiều cùng ngày, Phương đến lấy điện thoại và nhận thêm 8 triệu đồng.

Gần đây nhất, Phương mạo danh một cán bộ cấp cao đặt tiệc lớn ở một nhà hàng nổi tiếng tại miền Tây với lý do tiếp đón lãnh đạo TP HCM xuống công tác. Lúc nhà hàng đang chuẩn bị tiệc, hắn gọi lại cho biết sẽ "cử người đến giám sát" vì buổi gặp gỡ toàn nhân vật VIP.

Trong vai "cháu lãnh đạo", Phương đến hoạch họe, yêu cầu nhà hàng nhiều vấn đề. Lấy lý do cần hoa trang trí buổi tiệc, anh ta gợi ý chủ nhà hàng ứng trước vài chục triệu đồng để đặt hoa. Chủ doanh nghiệp muốn chiều lòng khách nên không ngần ngại đưa đáp ứng và sau đó mới phát hiện bị lừa.

Theo điều tra, để thực hiện trót lọt những vụ lừa đảo, mỗi ngày Phương thực hiện hàng trăm cuộc điện thoại. Để tạo sự tin tưởng, Phương tìm hiểu kỹ nhân thân, tên tuổi, cách ăn nói, các mối quan hệ của các lãnh đạo cấp cao tại các tỉnh thành trước khi gọi điện đến các ngân hàng, công ty, chủ cơ sở kinh doanh, nhà hàng. Thậm chí, Phương còn giả danh các nghệ sĩ, sư thầy để lừa trụ trì các chùa nhiều tỉnh thành khi quyên góp tiền từ thiện. Mỗi trường hợp, anh ta lấy được 10-30 triệu đồng.

Tránh bị bại lộ, thường xuyên thay đổi nơi ở, chủ yếu là sống ở các nhà nghỉ, khách sạn.

Theo một lãnh đạo cục C50, Phương có biệt tài giả giọng, cả nam lẫn nữ, khi điều tra họ tưởng rằng có nhiều đối tượng lừa đảo. Hơn nữa, các nạn nhân đều cả tin, có tâm lý thấy "vinh dự" khi được lãnh đạo nhờ vả nên không ngần ngại chuyển tiền.

C50 vẫn chưa xác định được chính xác Phương đã lừa đảo bao nhiêu vụ, số tiền thiệt hại bao nhiêu, do vậy đã yêu cầu công an các địa phương thống kê số nạn nhân và số tiền thiệt hại để có biện pháp giải quyết.

Ý kiến của bạn

Bình luận