Ga Gôi: Sáng mãi những con người bất tử

Tác giả: Hoàng Đình Hùng

saosaosaosaosao
11/09/2015 15:38

Ga Gôi và tôi trong một chiều mưa tầm tã, những chuyến tàu rời ga kéo hồi còi dài thả vào khoảng không bao la nghe sao hun hút một nỗi buồn rưng rức, mênh mang. Tiếng vọng từ những con tàu hay tiếng vọng từ những linh hồn liệt sĩ và những người bị thương giờ đã mất của một thời khói lửa chiến tranh cứ dội về day dứt khôn nguôi - Một thời bi tráng Ga Gôi.

Ga Gôi Sáng mãi những con người bất tử
Ga Gôi - Sáng mãi những con người bất tử

Trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam, những cái tên ga Lưu Xá, Hoàng Mai, núi Nấp, núi Nhồi, ga Gôi, hang Hỏa tiễn hay những cung đường gòong Hà Tĩnh, Quảng Bình… Gắn liền với những chiến công, những hy sinh, lòng dũng cảm quên mình, tình đồng chí đồng đội của lực lượng thanh niên xung phong (LLTNXP), cán bộ công nhân viên ngành Đường sắt, dân quân địa phương đảm bảo thông suốt cho các chuyến tàu chở hàng hóa, vũ khí đạn dược và những đoàn quân chi viện cho các chiến trường miền Nam. Họ đã bất chấp hiểm nguy lao vào khói lửa, đạn nổ, bom rơi để cứu hàng, cứu tàu với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Sau đợt rải thảm của máy bay Mỹ, những tiếng bom vừa dứt, vào khoảng 17h ngày 20/8/1966, LLTNXP C895, cán bộ công nhân viên đường sắt, cùng dân quân xã Tam Thanh đã quên mình lao vào khói lửa, bom rơi để cứu hàng cứu tàu. Trong trận này, LLTNXP đã hy sinh 23 người, dân quân địa phương có 2 người, Bí thư chi đoàn thanh niên đường sắt cung đường Hà Thanh Đỗ Lệnh Minh và một số anh chị em TNXP đã hy sinh ngay tại chỗ, hơn hai trăm người bị nhiễm độc nặng.

Cách đây mấy năm, một bia tưởng niệm do Đoàn Thanh niên Đường sắt Việt Nam dựng lên trong sân ga có ghi “Nơi đây ngày 20/8/1966 cán bộ chiến sĩ C895 TNXP cùng cán bộ công nhân viên đường sắt khu vực ga núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay Mỹ. Nhiều đồng chí đã hy sinh, hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”.

Tôi tìm đến nhà cụ Đỗ Công Chính ở thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản - Nam Định). Trong trận máy bay Mỹ oanh tạc đoàn tàu hàng ở ga Gôi ngày 20/8/1966, cụ Đỗ Công Chính khi ấy là tổ trưởng cứu thương của dân quân xã Tam Thanh, nay đã ở tuổi ngoài 80 đi lại chậm chạp do tuổi già và một phần di chứng nhiễm độc nặng trong trận đó. Cụ xúc động kể lại:

Những năm đầu đánh Mỹ, ga Gôi là một trong những khu tập kết hàng hóa để chuyển vào chiến trường nên máy bay Mỹ hầu như ngày nào cũng quần thảo, ném bom đánh phá ác liệt. Nhưng có một ngày tôi không bao giờ quên được, vào chiều 20/8/1966, máy bay Mỹ thả bom, bắn tên lửa Rocket vào đoàn tàu hàng đang chuẩn bị rời ga đi về phía Nam. Đoàn tàu bị trúng đạn bốc cháy dữ dội. Lệnh báo động khẩn cấp, tiếng kêu thét gọi nhau lao vào ga cứu tàu. Lúc này, LLTNXP C895 thường trực đã có mặt tại ga cùng với cán bộ công nhân viên đường sắt, dân quân chúng tôi cũng có mặt kịp thời, dập lửa, tháo từng toa tàu chưa bén cháy và đẩy những toa đã được dập tắt lửa ra ngoài khu vực an toàn. Gạo, hàng hóa, đồ hộp vãi ra tung tóe, nhìn thấy mà đau xót, nó là công sức của nhân dân chắt chiu gửi ra tiền tuyến. Lúc ấy sao mà mọi người chúng tôi khỏe thế! Những kiện hàng nặng đến 50, 60kg mà anh chị em đặt trên vai, cứ thế họ khom mình băng qua những đám lửa, những vùng khói đen mù mịt đưa hàng ra khỏi ga.

Lúc ấy, phía trên đầu tàu có một toa hàng bốc cháy, khói màu vàng, xanh bung lên ngùn ngụt, bao phủ cả một vùng rộng lớn, mùi khói nồng nặc, khó chịu, xộc vào người thấy rát mũi, buốt họng và lồng ngực nóng ran. Mọi người cố quên đi cái cảm giác ấy, vẫn lao vào phá cửa toa, chui vào bên trong bốc các kiện hàng. Ai cũng nghĩ đây là toa thuốc đặc biệt cần phải cứu bằng được (sau này mới biết đó là thuốc trừ sâu phục vụ cho nông nghiệp). Người thì dập lửa, người thì chuyển hàng đến nơi an toàn. Sau hơn một giờ sau đám cháy mới được dập tắt, ngay lúc ấy đã có vài người ngất đi và hy sinh ngay tại chỗ. Rồi tiếp theo đó hàng trăm người có mặt tại đó cũng bị nhiễm độc, dần dần ngã vật ra ngất xỉu. Máu mồm, máu mũi ộc ra, tay chân co giật, phần lớn là anh chị em TNXP C895. Chúng tôi cùng lực lượng y tá tập trung hô hấp nhân tạo, trực tiếp hút đờm rãi, máu trong miệng và mũi mong sao anh chị em tỉnh lại. Bản thân tôi khi ấy đang còn khỏe, vừa cáng thương, vừa cấp cứu. Từ ga đến làng Côi Sơn, Phú Thứ, người còn thấy cố được thì cứ cố chạy đi, chạy lại bao nhiêu chuyến mới đưa hết được anh chị em trúng độc về các làng và trạm cứu thương đặt ở thôn Dư Duệ. Bà con các làng trên hối hả chặt cây chuối hột vắt lấy nước, giã rau muống, lá rau lang, rau ngót, nấu cháo đậu xanh, nước đậu đen, nước chanh bón vào miệng cho những người bị nhiễm độc. Anh em nằm la liệt, kiệt sức chờ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Ngay tối hôm ấy và tiếp theo ngày hôm sau nữa số người bị nhiễm độc tăng lên rất nhiều. Đã có 23 anh chị em TNXP hy sinh, hàng trăm người bị nhiễm độc. 8h tối ngày hôm đó tôi bị choáng, máu từ miệng, mũi ứa ra, ngực đau buốt dữ dội, thấy khó thở và ngất đi, trưa ngày hôm sau khi tỉnh lại, thấy nhà tôi đang ngồi bên nắn tay, chân cho tôi và khóc.

Chiến tranh đã lùi xa đã gần 50 năm nhưng chiến công, sự hy sinh và lòng dũng cảm quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các anh chị em TNXP C895, cán bộ, công nhân viên đường sắt và dân quân xã Tam Thanh là một chứng tích, một tượng đài lịch sử trong lịch sử hào hùng đau thương của dân tộc. Cụ Đỗ Công Chính kể với tôi rằng, nhờ các nhà báo quân đội và các nhà báo khác mà cách đây vài ba năm C895, chị Mùi đã được nhà nước truy phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Nhiều người đã được hưởng chế độ thương tật và một nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ga Gôi đã được xây dựng.

Cụ Chính cho biết những người dân quân địa phương tham gia cứu hàng, cứu tàu trong trận ấy phần lớn đã mất vì ốm đau bệnh tật. Cụ bồi hồi nhắc tới các đồng chí chủ tịch, bí thư xã như ông Tiện, ông Nhung… cùng anh em dân quân thường xuyên bám trụ ở khu vực ga, quên ăn, quên ngủ cùng với LLTNXP C895 có mặt kịp thời trong các trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Cụ bà Nguyễn Thị Nhàn nói: "Các anh chị em TNXP họ còn trẻ lắm, vui và tốt tính. Họ ăn, nghỉ thường trực dọc tuyến đường gần ga trong các lều bạt và những căn hầm chữ A. Nhà tôi gần ga, ông nhà tôi tham gia dân quân nên anh chị em thường vào nhà chơi uống nước." - Bà nhắc tới các anh chị hồi ấy như ông Qúy, ông Mai, ông Minh, chị Minh và nhiều người bà còn nhớ hình dáng nhưng đã quên tên.

"Mươi mười năm về trước, thỉnh thoảng những người TNXP hồi ấy có việc đi qua Gôi, họ có ghé vào thăm chúng tôi. Nhưng đã lâu rồi không thấy ai qua lại nữa, chắc là ốm đau hay đã mất. Ông bà buồn lắm khi được biết một số chị em bị nhiễm độc phải sống nương tựa cửa chùa. Một số đông thì con cái bị nhiễm độc dị tật… đời sống hiện tại của họ gặp rất nhiều khó khăn."

Gần 7h tối, tiếng còi tàu báo hiệu qua ga dồn dập nghe như thổn thức một nỗi niềm, một cảm xúc buồn mà lặng lẽ đang dâng đầy trong căn nhà tràn ngập mùi hương trầm, càng làm cho ông bà và tôi thêm trầm lặng. Những giọt nước mắt trắng đục lăn trên khuôn mặt phúc hậu của ông bà. Họ đang nhớ những người đã mất, hay họ thương xót cho những người bị nhiễm độc trận ấy - những chiến sĩ vẻ vang ga Gôi giờ đang sống trong sự bào mòn, chết dần trong những căn bệnh hiểm nghèo mà chưa được hưởng quyền lợi, chính sách của nhà nước.

Còn gần một năm nữa ngày 20/8/2016 khúc tráng ca bi hùng và bất tử ga Gôi đã đi qua nửa thế kỷ. Thời gian và những nỗ lực tri ân của cộng đồng như dòng sông mang phù sa tươi mát xoa dịu những vết thương chiến tranh còn hằn sâu trong nỗi đau của dân tộc. Lịch sử vinh quang, đẫm máu của dân tộc Việt Nam ngàn năm sau vẫn còn mãi mãi. Lòng biết ơn sâu sắc tới những người có công với đất nước sẽ càng tôn vinh thêm, xây đắp thêm niềm tự hào về lịch sử dân tộc như một bài ca không bao giờ quên.                                                                        

Ý kiến của bạn

Bình luận