Gần 10.000 người Mỹ bị ung thư vì thảm họa khủng bố 11/9

Tác giả: genk

saosaosaosaosao
Xã hội 17/08/2018 15:42

Chương trình y tế liên bang World Trade Center, Mỹ cho biết gần 10.000 người mắc các bệnh ung thư do ảnh hưởng từ vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

may-bay-dam-vao-thap-doi

Khói bốc lên sau khi máy bay đâm vào tòa tháp đôi. (Ảnh: NASA).

New York Post ngày 11/8 dẫn số liệu của World Trade Center cho biết, 9.795 người mắc các bệnh ung thư có liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Những người này bao gồm nhân viên cứu hộ và ứng phó tại hiện trường, cư dân, sinh viên và những người làm việc tại khu vực hạ Manhattan khi tòa tháp đôi cao 110 tầng đổ sập. Trong số đó, 420 người đã chết.

“Thảm họa 11/9 vẫn đang giết chết mọi người” – John Feal, luật sư của một nạn nhân vụ khủng bố cho biết.

Hơn 11.000 nhân viên cứu hỏa của cơ quan phòng cháy chữa cháy thành phố New York đã liên tục tham gia cứu hộ và khắc phục hậu quả sau vụ nổ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người làm công tác cứu hộ tại hiện trường sau khi tòa nhà sập có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp, ung thư da và ung thư bàng quang vô cùng cao so với tỷ lệ trung bình của dân số. Những bệnh ung thư khác xuất hiện ở những đối tượng khác bị khói bụi của vụ nổ ảnh hưởng bao gồm ung thư vú, ung thư hạch không Hodgkin, bệnh bạch cầu và các rối loạn tế bào máu.

Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí y tế New England 1 năm sau thảm họa đề cập đến “bệnh ho World Trade Center”, được mô tả là cơn ho liên tục xuất hiện sau khi tiếp xúc với hiện trường vụ khủng bố.

Dù vậy, một vấn đề lớn thách thức các nhà điều tra là cứ bốn người Mỹ thì có một người phát triển dấu hiệu ung thư ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, nên rất khó phân biệt cụ thể những trường hợp có liên quan đến ngày 11/9. Bên cạnh đó, các tháp bị tấn công được xây dựng trong khoảng năm 1968 – 1973, khi một số vật liệu xây dựng bị cấm vẫn còn được sử dụng.

Theo Sputnik, sau khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới bị đâm, 91.000 lít nhiên liệu máy bay phá hủy phần trên của tháp trong một ngọn lửa khoảng 1.000 độ C. Sau khi tháp đổ, lửa âm ỉ thêm trong đống đổ nát tiếp tục 4 tháng, cho đến ngày 19/12. Những ngọn lửa này đã đốt cháy hàng loạt vật liệu độc hại với con người, bao gồm chì trong dây cáp và PCB trong máy biến áp.

Viện quốc gia về an toàn lao động của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (NIOSH) Mỹ năm 2011 cho biết vẫn chưa thể đề xuất đưa ung thư hoặc một loại ung thư vào danh sách các bệnh liên quan đến thảm họa khủng bố ngày 11/9. Quyết định đó là rất quan trọng để những người bị ảnh hưởng được cung cấp sự hỗ trợ và dịch vụ y tế phù hợp theo đạo luật y tế và bồi thường James Zadroga 11/9.

Ý kiến của bạn

Bình luận