Gần 19 tỷ đồng tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 15/05/2020 11:32

Việc tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ trên sông Sài Gòn sẽ được tiến hành trong khoảng 2 tháng với chi phí 18,9 tỷ đồng.


IMG-3855
Cầu sắt Bình Lợi cũ sẽ được phá dỡ và được bàn giao cho Tp.Hồ Chí Minh bảo tồn

Theo Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết: tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu sắt Bình Lợi cũ đến cảng Bến Súc (Bình Dương) theo hợp đồng BOT với tổng mức chi phí là 18,9 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Lô, thời gian thực hiện trong vòng 2 tháng.

Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án 7, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi sớm triển khai các thủ tục quản lý, tháo dỡ và bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ.

Cụ thể, đối với các danh mục tài sản thuộc cầu đường sắt Bình Lợi cũ được giữ lại để bảo tồn (nhịp số 1, số 2 cầu đường sắt cũ và 1 tháp canh phía quận Thủ Đức, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì cùng đại diện UBND Tp.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án 7, Nhà đầu tư, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi và các bên liên quan khẩn trương lập danh mục tài sản chi tiết, kiểm kê, xác định giá trị và có văn bản đề xuất chuyển giao cho UBND Tp.Hồ Chí Minh tiếp nhận tài sản, thực hiện bảo tồn.

UBND Tp. Hồ Chí Minh căn cứ pháp luật về bảo tồn, có ý kiến đề nghị được tiếp nhận theo danh mục tài sản, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính, Bộ GTVT để thực hiện các thủ tục về điều chuyển tài sản theo quy định pháp luật.

Đối với các danh mục tài sản thuộc Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được tháo dỡ, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi thực hiện việc tháo dỡ tài sản có sự giám sát của Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý dự án 7. Các bên thực hiện kiểm kê tài sản theo danh mục, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi tổ chức bảo quản toàn bộ tài sản đã tháo dỡ, chờ quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Cục Đường sắt Việt Nam được giao chủ trì việc xử lý tài sản sau khi tháo dỡ, tổ chức đánh giá và đề xuất phương án xử lý tài sản theo quy định pháp luật, báo cáo Bộ GTVT.

Ý kiến của bạn

Bình luận