Gần 20 năm đấu tranh bền bỉ, cương quyết giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Xã hội 18/03/2023 09:58

Ngày 8/12/1994 đã đi vào lịch sử trong ngành Hàng không Việt Nam nói chung và của ngành Quản lý bay nói riêng. Đó là mốc son cực kỳ quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, an ninh quốc phòng và ngoại giao.

Đặt mục tiêu giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn FIR Hồ Chí Minh

Theo Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam, Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, trước năm 1975 gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị không vận chung khu vực Trung Đông và Đông Nam Á tại Roma năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở Biển Đông.

Gần 20 năm đấu tranh bền bỉ, cương quyết giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh

 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (trái) phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Tổ chức ICAO và tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh năm 1994 - Ảnh: VATM

Tháng 4/1975, đứng trước sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời, gồm: Thiết lập các đường bay giải trợ trên biển Đông; Phân chia phần công hải trên biển Đông thuộc FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm lâm thời, giao ba trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc, Singapore và Hồng Kông điều hành; phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977, Nhà nước ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai năm 1983 (RAN2) họp tại Singapore, vì lợi ích kinh tế, một số nước đã yêu cầu ICAO xóa bỏ vùng trách nhiệm tạm thời của ICAO phân chia trên biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh và chính thức giao các quốc gia quản lý. Tuy nhiên, ta đã đấu tranh giữ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời do ICAO xác lập, để ta có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn cho việc đấu tranh giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh.

Ngày 01/12/1987, Tổng cục Hàng không dân dụng có Tờ trình số 573/TCHK báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về quá trình đấu tranh và những nhiệm vụ cấp thiết để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh.

Gần 20 năm đấu tranh bền bỉ, cương quyết giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh

 - Ảnh 2.

Đài Kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng trước năm 1975 - Ảnh: VATM

Ngày 04/01/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 05-CT về "Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh". Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Tổng cục Hàng không dân dụng về công tác tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh. Chấp hành Chỉ thị 05, Nghị quyết Đảng ủy Tổng cục Hàng không năm 1989 đặt nhiệm vụ giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trong giai đoạn này.

Ngày 09/4/1988, Tổng cục Hàng không dân dụng trình Hội đồng Bộ trưởng Chương trình giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là kiện toàn Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đủ điều kiện để tiếp nhận quản lý FIR Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị cho việc kiện toàn ACC Hà Nội.

Mục tiêu cụ thể bao gồm: Nhanh chóng sửa chữa, khôi phục và đưa vào khai thác có hiệu quả hạ tầng cơ sở, trang thiết bị hiện có; Bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cần thiết theo yêu cầu quản lý FIR trên 6 lĩnh vực mà ICAO đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO một cách an toàn và hữu hiệu, tập trung chủ yếu vào công tác quản lý bay, dẫn đường và chỉ huy bay, gồm thông tin, radar, vệ tinh, đất đối không tầm xa và khí tượng; Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đủ số nhân viên có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật và anh ngữ đủ sức điều hành FIR theo tiêu chuẩn ICAO; Chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức ngành quản lý bay. Biên soạn và áp dụng các quy tắc khai thác không lưu, thông tin, khí tượng theo các khuyến cáo của ICAO.

Dấu mốc lịch sử trong ngành Hàng không Việt Nam và Quản lý bay

Gần 20 năm đấu tranh bền bỉ, cương quyết giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh

 - Ảnh 3.

Đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị từ năm 1988 đến 1993, Quản lý bay Việt Nam đã kiện toàn, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát không lưu tiếp cận tại Đà Nẵng; Khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh; Lắp đặt 5 trạm radar giám sát hàng không hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Chua, Cà Mau... để quản lý FIR Hồ Chí Minh; Trang bị xong và đưa vào khai thác 03 đài dẫn đường DVOR/DME Tân Sơn Nhất, Phan Thiết, Phù Cát.

Tại Hội nghị RAN3 diễn ra tại Băng Cốc năm 1993, đoàn Việt Nam đã tuyên bố 6 lĩnh vực ICAO yêu cầu Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ và đạt chất lượng cao. Trước tinh thần đấu tranh kiên trì và mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, vừa tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế của Việt Nam, cuối cùng Hội nghị RAN-3 đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn ngày 24/11/1993: "Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO".

Tiếp sau Hội nghị RAN-3, ngành HKDD Việt Nam tiếp tục tập trung chuẩn bị mọi mặt để chính thức tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.

Qua đợt kiểm tra đánh giá cuối cùng tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh vào tháng 9/1994, ICAO đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng để tiếp nhận quản lý điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.

Ngày 08/12/1994 đã đi vào lịch sử trong ngành Hàng không Việt Nam nói chung và của ngành Quản lý bay nói riêng. Đó là mốc son cực kỳ quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, an ninh quốc phòng và ngoại giao.

Ngày 07/12/1994 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Công ước Chicago về hàng không dân dụng (HKDD) quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO và tiếp nhận quyền quản lý và điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.

Đúng 0h quốc tế ngày 08/12/1994, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh chính thức điều hành, kiểm soát, cung cấp các dịch vụ không lưu cho toàn bộ hoạt động bay dân dụng trong phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.

Như vậy, sau 18 năm đấu tranh bền bỉ, khôn khéo và cương quyết, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện của Bộ Chính trị và Chính phủ trên phương diện ngoại giao; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không; đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay vững về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ, công nhân viên; ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, thống nhất của các thành viên trong Đoàn tham dự Hội nghị RAN-3 và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự công nhận của các hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay đi, đến thường lệ hoặc quá cảnh qua Việt Nam, ngành HKDD Việt Nam nói chung và Quản lý bay Việt Nam nói riêng đã đấu tranh thắng lợi giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.

Ý kiến của bạn

Bình luận