"Chú lái tàu" Nguyễn Cảnh Dương với 7 lần nhận được danh hiệu "Kiện tướng lái tàu". |
Nghề là nghiệp!
“Xịch, xịch, xịch
Một đoàn tàu nhỏ tí xíu bước mau mau
Người đi đầu là chú lái tàu…”
Những câu hát trong bài “Chú lái tàu” đã gắn bó với tuổi thơ của bao đứa trẻ và cũng không ngoại lệ với “chú lái tàu” Nguyễn Cảnh Dương. Những lời hát ấy còn in sâu trong tâm chí anh tới tận bây giờ sau bao nhiêu năm ròng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm trong ngành đường sắt, tuổi thơ anh Dương gắn liền với mỗi toa tàu, đường ray và “hữu xạ tự nhiên hương” nó lại trở thành cái nghề của anh sau này.
“Hồi bé đứa trẻ nào mà chả thích chú lái tàu trong bài hát. Bố tôi làm trong ngành đường sắt, lúc bé tôi cũng hay được bố cho lên tàu, vào ga chơi, tôi thích lắm, ấn tượng lắm với các chú lái tàu. Đến tuổi thi đại học, nhìn chúng bạn đi thi và tôi quyết định đi làm nghề lái tàu mà không do dự. Khi quyết định như vậy tôi cũng được gia đình ủng hộ cho đi học và bây giờ đã trở thành chú lái tàu được 32 năm. Chỉ vài năm nữa chắc thành ông lái tàu mất thôi”, anh Dương hóm hỉnh.
Theo học cái nghề này từ năm 1982 tại trường Công nhân kỹ thuật vận tải Đường sắt I tại Mê Linh, “chú lái tàu” Nguyễn Cảnh Dương luôn ý thức trách nhiệm không ngừng phấn đấu học tập các lớp đàn anh đi trước. Đến năm 1985, anh được phân công công tác tại Xí nghiệp đầu máy Vinh. Sau nhiều năm thay đổi chỗ làm, từ năm 1991 đến nay, anh công tác tại Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, được giao nhiệm vụ lái đầu máy Đổi mới D19E chuyên kéo tàu khách Thống Nhất.
“Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp phải những điều khiến mình bực tức, phải khiến mình suy tư mất ngủ. Nhưng mọi thứ đó đều hoàn toàn bị lãng quên khi tôi lên tàu, ngồi vào buồng lái. Khi ngồi trên đó tôi cảm thấy mình được là chính mình, hoàn toàn tập chung cho công việc”, anh Dương tâm sự.
Sau 32 năm trong nghề, anh Dương đánh giá lái tàu là một nghề thường xuyên phải xa nhà, làm việc có tính độc lập trong một môi trường rất khắc nghiệt, đòi hỏi người công nhân lái tàu trước hết phải có sức khoẻ tốt, có trình độ chuyên môn tay nghề cao, có tính kỷ luật, đồng thời phải hiểu sâu về quy trình quy phạm, quy trình tác nghiệp đầu máy, luật đường sắt và các văn bản liên quan đến công tác chạy tàu, nắm bắt những kỹ thuật tiên tiến, phương tiện hiện đại để kịp thời xử lý mọi tình huống trên đường có thể xảy ra. Đưa đoàn tàu tới đích "An toàn, đúng giờ là hạnh phúc của người công nhân lái tàu”.
Tất cả vì sự an toàn
Không giống như những nghề nghiệp khác, lái tàu là một nghề đặc trưng và chỉ có ai ngồi trên buồn lái mới có thể hiểu thấu được sự nhọc nhằn đằng sau mỗi chuyến đi. Theo “chú lái tàu” Nguyễn Cảnh Dương, sự chia sẻ của gia đình là nhân tố vô cùng quan trọng để người lái tàu có thể vững tâm điều khiển những chuyến tàu an toàn.
“Trước đây, mỗi chuyến đi phải mất cả tuần, giờ hiện đại hơn, chỉ mất 2 ngày nhưng vẫn thường xuyên phải xa gia đình đặc biệt là những ngày lễ, tết. Đôi lúc cũng suy nghĩ nhiều lắm, mình không giúp gì được cho gia đình nhưng đặc thù công việc như vậy gia đình phải chấp nhận thôi. Điều này cũng khiến tôi nhớ mãi năm đầu tiên đi tàu không được ăn tết cùng gia đình. Nhưng rồi cũng quen”, anh Dương chia sẻ.
Thường xuyên phải xa gia đình chỉ là một nỗi niềm rất nhỏ trong những gian nan mà nghề lái tàu gặp phải. Đối với anh Dương cũng như bao đồng nghiệp khác, nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất là khi thấy người sắp chết mà không cứu được, bất lực hoàn toàn nhìn người ta bị tàu cán. Cũng từng trải qua trong 32 năm lái tàu, anh Dương chia sẻ mình nhìn thấy họ, mình làm hết tất cả những thao tác đã được học, được tích lũy từ kinh nghiệm để báo hiệu cũng như dừng đoàn tàu, đã làm hết sức mà không được, tai nạn vẫn xảy ra. “Khi mới vào nghề, gặp trường hợp như vậy tôi thực sự rất sợ, tay chân run không làm được gì và không ngủ được nhiều ngày sau đó. Phải mất một thời gian mới có thể trấn tĩnh được. Đến bây giờ, khi đi qua những điểm đó tôi vẫn nhớ như in những gì đã xảy ra trong quá khứ. Quả thật là rất khó để quên đi, thực sự ám ảnh”, anh Dương tâm sự.
Anh Dương kiểm tra khám máy khi xuống ban. |
Có thể thấy rằng, khi đã chọn nghề lái tàu đồng nghĩa với việc họ phải sẵn sàng cho mọi chuyện có thể xảy ra. Trong thời buổi hiện nay, mật độ tham gia giao thông đông đúc đặc biệt là sự gia tăng của các đường ngang dân sinh khiến cho những người lái tàu càng thêm căng thẳng. Có không ít trường hợp những người lái tàu phải bỏ việc vì ám ảnh, có những người bị sang chấn tâm lý, phải điều trị tâm thần thậm chí là đi tù sau những vụ tai nạn mà họ không hề mong muốn. Điều đáng nói, những đau thương đó đều có thể ngăn chặn được nếu mỗi người tham gia giao thông tự ý thức, tự giác chấp hành luật giao thông, chấp hành tín hiệu.
Mặc dù trải qua nhiều sóng gió, gian khổ nhưng những người lái tàu nói chung và “chú lái tàu” Nguyễn Cảnh Dương nói riêng đều luôn phấn đấu, cố gắng hết mình để có từng chuyến tàu an toàn, tiết kiệm. Để làm được điều đó, theo anh Dương, người lái tàu phải nắm vững tình hình đường xá của tuyến đường mình phụ trách, công lệnh tốc độ, luôn chấp hành quy trình, quy phạm, nội quy của ngành, của xí nghiệp, làm tốt chế độ kiểm tra khám máy khi lên ban và khi xuống ban, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý kể cả công việc riêng, gia đình để khi lên ban làm nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất và hơn hết là không uống rượu bia khi làm việc.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của bản thân, “chú lái tàu” Nguyễn Cảnh Dương luôn giữ an toàn, không để xảy ra tai nạn chủ quan, hạn chế thấp nhất tai nạn khách quan. Anh Dương đã có 832.291km an toàn và nhiều lần xử lý hãm tàu kịp thời, dừng tránh tai nạn trên đường sắt. Trước những kết quả đạt được, anh đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tặng 7 lần danh hiệu “Kiện tướng An toàn chạy tàu” trong các năm 1997, 2001, 2006, 2009, 2011, 2013 và 2017.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.