Những ngày công tác cuối cùng trong lực lượng CSGT trước khi nghỉ hưu,Trung tá Phạm Văn Tuyến vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc được giao |
Nghe kể về Trung tá Phạm Văn Tuyến thì nhiều, nhưng được gặp chỉ vẻn vẹn đôi lần, thế nhưng ấn tượng đọng lại với tôi sau mỗi lần gặp anh là khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, một con người luôn hết mình vì công việc đúng như tinh thần “thép” của người chiến sĩ CSGT. Nhiều người nói rằng, dường như anh sinh ra là để giúp người, sinh ra là để làm nghề CSGT.
Người thương binh CSGT giữa thời bình
CSGT trở thành thương binh trong thời bình không nhiều, trong số đó có Trung tá Phạm Văn Tuyến. Trước thềm năm mới 2018, tôi tìm gặp anh để trao đổi thông tin về một số vấn đề giao thông tồn tại trên địa bàn Đội CSGT số 14 quản lý. Với giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng, anh đã cởi mở trao đổi, cung cấp thông tin nhiệt tình. Cuộc trò chuyện liên tục bị đứt quãng khi anh nhăn nhó, giơ cánh tay phải lên xoa xoa, nắn nắn. Thấy tôi tỏ vẻ tò mò, anh Tuyến cười hiền từ: “Ơ, thế cậu không biết tôi là thương binh trong thời bình à?”. Tưởng anh Tuyến nói đùa, nhưng hóa ra là thật.
Chuyện về anh thật cảm động. Đó là vào một chiều cuối năm 2015, Trung tá Phạm Văn Tuyến chỉ huy tổ công tác làm nhiệm vụ tại đầu đường Pháp Vân thì phát hiện nam thanh niên có biểu hiện “ngáo đá” đang nhặt những mảnh gạch vỡ rồi tấn công vào người đi đường. Nhiều người dân đứng chờ xe khách ở khu vực trên đã hoảng sợ bỏ chạy. Một số người đi đường phải né người tránh gạch rất dễ gây tai nạn.
Trước sự việc trên, Trung tá Phạm Văn Tuyến đã hô lớn, yêu cầu đối tượng dừng hành vi vi phạm lại. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, đối tượng tiếp tục có những hành động gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nhận thấy hành động nguy hiểm, Trung tá Tuyến không ngần ngại áp sát đối tượng. Bất ngờ, nam thanh niên này dùng nửa viên gạch nhằm thẳng mặt Trung tá Tuyến mà ném. Bằng phản xạ nghề nghiệp, Trung tá Tuyến kịp giơ tay lên đỡ, viên gạch găm thẳng vào cẳng tay khiến phần xương bên trong bị gãy. Trong lúc cánh tay bị gãy lủng lẳng, anh vẫn chỉ huy tổ công tác khống chế đối tượng đến khi bị ngất trên đường đi cấp cứu.
Ngay khi vào viện, trước lúc vào phòng mổ, Trung tá Tuyến vẫn gắng hỏi đồng nghiệp rằng “còn ai bị thương không”, “các đồng chí CSGT đã kịp dọn dẹp gạch đá để tránh gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông chưa...?".
Hồi tưởng lại giây phút sinh tử ấy, Trung tá Tuyến bảo: “Nếu mình không can ngăn kịp thời thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì với người đi đường. Nếu nửa viên gạch mà ném thẳng vào đầu có lẽ không phải là gãy tay như mình mà sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Mình là cảnh sát nhân dân thì phải bảo vệ nhân dân...”.
Trung tá Tuyến tâm sự, những khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi, cánh tay của anh như có “kiến bò” bên trong. Hiện tại, trong cánh tay phải của anh còn in hằn vết nẹp sắt. Sau 30 năm công tác, trưởng thành trong lực lượng CSGT, có vui, có buồn nhưng có lẽ điều mà Trung tá Phạm Văn Tuyến luôn canh cánh trong lòng là làm sao giữ được “Cuộc sống bình yên trong nhân dân”.
Chính vì vậy, trong ngần ấy năm gắn bó với ngành, không ít lần Trung tá Tuyến bất chấp hiểm nguy để cứu người. Chắc hẳn giờ đồng đội vẫn còn nhớ câu chuyện anh đã cứu một thanh niên thoát khỏi tử thần khi đi xe máy chở nước ngọt bị “kẹt” lại đường ray khi đoàn tàu Bắc - Nam đang lao tới. Lúc đó, đoàn tàu cách đường ngang Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ chừng 02km. Chứng kiến người chở xe hàng gặp nạn trên đường ray trong khi không được ai cứu giúp, ngay lập tức anh lao đến rồi nhanh chóng kéo người thanh niên và chiếc xe máy ra khỏi đường tàu, giải cứu người thanh niên thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Rồi chuyện anh cứu cô gái có ý định nhảy cầu Thanh Trì tự tử, chuyện giúp người tàn tật qua đường, giúp người phụ nữ gặp nạn lúc chiếc xe máy bất ngờ bốc cháy… - những hành động mà theo như chia sẻ của Trung tá Phạm Văn Tuyến là niềm vui nho nhỏ trong công việc hằng ngày của anh.
“Món nợ” đời day dứt
Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương ở tay lại khiến Trung tá Phạm Văn Tuyến đau buốt |
Còn vài tháng nữa, Trung tá Phạm Văn Tuyến sẽ nghỉ hưu theo chế độ nhưng anh luôn trăn trở với đồng đội, đặc biệt là thế hệ trẻ đang làm nhiệm vụ CSGT. Anh tâm sự: “Tôi mong muốn họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn là người chiến sỹ trên mặt trận giao thông, luôn có những hành động, việc làm có ý nghĩa để hình ảnh người CSGT TP. Hà Nội luôn đẹp và gần gũi trong mắt người dân”.
Với Trung tá Tuyến, anh cho rằng mình còn “mang một món nợ mà đến bây giờ vẫn còn day dứt”. "Món nợ" mà người chiến sĩ CSGT nhắc đến là số tiền hơn 30 triệu đồng do chính tay anh nhặt được trong một lần làm nhiệm vụ trong thời gian đang công tác tại địa bàn huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Khi nhặt được số tiền trên, Trung tá Tuyến đã mang đến Công an huyện Gia Lâm để nhờ đăng tin người mất tài sản nhưng vẫn chưa thể trả lại người mất.
Qua thời gian, Trung tá Tuyến chuyển công tác đến nhiều đơn vị trên địa bàn TP. Hà Nội. Mỗi lần nhớ đến “món nợ”, ông lại nhấc điện thoại gọi qua Công an huyện Gia Lâm nhưng câu trả lời vẫn là “chưa có ai đến nhận”. Trung tá Tuyến bảo: “Thời điểm đó hơn 30 triệu đồng có giá trị rất lớn. Với người nghèo thì đó là một tài sản cả đời. Chưa tìm được người bị mất, chưa trả lại được số tài sản trên mình cứ “áy náy” mãi”.
Với những hành động, nghĩa cử cao đẹp, Trung tá Phạm Văn Tuyến mãi là hình ảnh người chiến sỹ CSGT gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì dân vì nước. Những thành tích, danh hiệu như: Chiến sỹ thi đua, Chiến sỹ vì an ninh tổ quốc… như một sự tri ân và ghi nhận cho nỗ lực không ngừng của người thương binh CSGT giữa thời bình
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.