Gấp rút đẩy nhanh GPMB dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 03/11/2022 20:04

Lãnh đạo Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà để tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB cho dự án cao tốc thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang (Dự án).


Ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi kiểm tra hiện trường Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang và làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà cùng lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị xã nơi có dự án đi qua. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hoà

Mặc dù hiện nay công tác GPMB đã được địa phương rất tích cực triển khai, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Đặc biệt công tác phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư của địa phương còn chậm do còn vướng mắc về thủ tục phê duyệt giá đất, giá cây trồng…ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân cho công tác GPMB. 
Theo báo cáo của Ban QLDA 7, chủ đầu tư dự án, hiện nay nguồn vốn cho công tác GPMB đã cấp nhưng chưa được địa phương giải ngân. Trong 4 huyện, thị xã khu vực tuyến đi qua, tiến độ công tác GPMB qua địa bàn huyện Vạn Ninh thực hiện rất chậm (đo đạc đạt 90%, kiểm kê đạt 59%, xác minh nguồn gốc đất 38%, lập và trình đơn giá đất 89% (08/09 xã)). Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục chỉ đạo huyện tăng cường nhân sự, quyết liệt tập trung đẩy nhanh thực hiện các công tác trên để đáp ứng yêu cầu tiến độ, khẩn trương giải ngân vốn đã cấp cho công tác GPMB. 

Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA 7 chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án

Ban QLDA 7 cũng kiến nghị UBND tỉnh cần ưu tiên GPMB trước các vị trí thuận lợi (đất nông nghiệp, đất công, đất khu vực dân cư thưa thớt, đất rừng do các tổ chức quản lý…), đặc biệt ưu tiên cho các gói thầu sẽ dự kiến khởi công. Các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB cần tổng hợp chi tiết về số lượng, vị trí, phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn vướng mắc báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa để xem xét thống nhất phương án thiết kế di dời đảm bảo sự đồng bộ trong giải pháp xử lý trên toàn bộ dự án. 

Đặc biệt, Ban QLDA 7 kiến nghị địa phương sớm đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu đất, bãi đổ thải để có thể giao cho nhà thầu khai thác sớm sau khi khởi công. Đối với các vướng mắc liên quan đến thủ tục, Ban QLDA 7 đề nghị UBND tỉnh sớm làm việc với Bộ Tài nguyên môi trường để hướng dẫn các thủ tục về mỏ đất và bãi đổ thải. UBND tỉnh Khánh Hoà cần ban hành khung giá thỏa thuận (giá thuê đất 3 năm, giá đền bù vật nuôi, cây trồng trên đất…) để nhà thầu có cơ sở thỏa thuận với chủ sở hữu quyền sử dụng đất khi đăng ký vào khai thác làm vật liệu và đổ thải. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết: Tổng diện tích giải phóng mặt bằng cho toàn dự án khoảng 614,26 ha. Trong đó huyện Vạn Ninh 254 ha, huyện Ninh Hòa 199,3 ha, huyện Diên Khánh 107,06 ha và huyện Khánh Vĩnh là 53,9 ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 4.126 trường hợp, riêng huyện Vạn Ninh là địa phương có chiều dài tuyến đi qua dài nhất, phải thực hiện khối lượng công tác GPMB, tái định cư, di dời hạ tầng nhiều nhất. 

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các khối lượng công việc đã triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu chung về tiến độ và bị chậm so với các địa phương khác. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh tập trung toàn bộ hệ thống chính trị, các cá nhân, đơn vị liên quan, huy động toàn bộ lực lượng, bổ sung nhân sự, tăng thời gian làm việc để khẩn trương thực hiện đáp ứng các yêu cầu về bàn giao mặt bằng cho dự án thành phần. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà

Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, hiện nay các sở, ngành đã thẩm định xong gíá đất, giá cây trồng, dự kiến tỉnh sẽ phê duyệt trước ngày 7/11/2022, các địa phương sẽ phê duyệt phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bắt đầu chi trả từ 10/11/2022 và cam kết đảm bảo bàn giao 70% diện tích GPMB cho gói thầu khởi công đáp ứng tiến độ yêu cầu. UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung cao độ để thực hiện, đảm bảo tiến độ giải ngân. 
Trước những khó khăn tại dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cảm ơn sự quan tâm phối hợp của địa phương và ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, tổ chức triển khai công tác GPMB. Tuy nhiên, tiến độ phê duyệt và giải ngân đến nay còn chưa đáp ứng yêu cầu. 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh các thủ tục triển khai để bàn giao mặt bằng cho dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, ưu tiên bàn giao phạm vi các gói thầu khởi công trong tháng 11/2022, các đoạn còn lại trong quý I/2023. 
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Ban QLDA 7 tiếp tục phối hợp với địa phương giải quyết các tồn tại khó khăn trong công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, kịp thời báo cáo Bộ GTVT xử lý nếu vượt thẩm quyền. Ban QLDA 7 cùng với các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch thực hiện, kế hoạch giải ngân để tổ chức triển khai, đáp ứng yêu cầu.

Đối với các vướng mắc liên quan đến mỏ vật liệu, bãi đổ thải, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ TN&MT để sớm có hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đồng thời đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ tối đa các thủ tục cấp phép, khai thác mỏ trên địa bàn, tránh tình trạng thiếu hụt như dự án giai đoạn 1. Đối với các vướng mắc về di dời hạ tầng kỹ thuật, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm giao Cục quản lý đầu tư xây dựng tổng hợp, tham mưu để Bộ có hướng dẫn các địa phương thực hiện, đảm bảo thuận lợi và đồng bộ các dự án.
Ý kiến của bạn

Bình luận