Gấp rút GPMB để kịp khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cuối năm nay

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 10/11/2022 13:48

Hiện nay việc GPMB của tuyến cao tốc này đang được 5 địa phương có dự án đi qua gấp rút thực hiện, tuy nhiên TP. Cần Thơ và tỉnh Cà Mau hiện bàn giao rất chậm.


Ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc về tình hình triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cùng đại diện 5 địa phương có dự án đi qua gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. 

Gấp rút GPMB để kịp khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cuối năm nay - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm việc tại tỉnh Hậu Giang

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km, tại khu vực ĐBSCL có 2 dự án thành phần. 

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 12 phải khởi công 12 dự án thành phần, hiện Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án của Bộ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo đúng kế hoạch. 

Gấp rút GPMB để kịp khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cuối năm nay - Ảnh 2.

Đại diện tỉnh Hậu Giang báo cáo về tình hình GPMB tại dự án

Về tình hình thực hiện dự án, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết: Hiện nay việc phân chia gói thầu xây lắp đã được Bộ GTVT phê duyệt cho 2 dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Trong đó dự án Cần Thơ – Hậu Giang gồm 1 gói thầu và dự án Hậu Giang – Cà Mau gồm 3 gói thầu. Đối với việc lập thiết kế kỹ thuật tại gói thầu khởi công hiện nay Ban đang thẩm định phê duyệt. Các gói thầu còn lại sẽ phê duyệt trong tháng 11/2022. 
Gấp rút GPMB để kịp khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cuối năm nay - Ảnh 3.

Thứ trưởng khảo sát khu vực dự kiến khởi công dự án

Ông Thi chia sẻ thêm, hiện nay tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa phận Cần Thơ không đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ. Ban cũng đã nhiều lần đề nghị địa phương khẩn trương phê duyệt phương án GPMB và chi trả trong tháng 11/2022. 

Đối với tỉnh Cà Mau, do đặc thù khu vực địa chất rất yếu, cần nhiều thời gian xử lý, do đó đề nghị tỉnh phấn đấu bàn giao mặt bằng phần còn lại của tuyến chính trước 31/01/2023. Hiện nay Ban QLDA Mỹ Thuận đang đốc thúc các địa phương phải đảm bảo tiến độ giao mặt bằng tối thiểu 70% trước 20/11/2022. 

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, vướng mắc hiện nay là người dân có sự so sánh mức giá đền bù, từ đó gây khó khăn cho công tác phê duyệt phương án bồi thường. Riêng đối với tuyến nối, do địa phương mới nhận bàn giao mốc GPMB vào tháng 7 nên công tác triển khai các thủ tục còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tuyến nối đi qua khu vực đô thị, rất nhiều hạ tầng điện nước. 

Trước việc chậm tiến độ mặt bằng, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, địa phương sẽ quyết tâm tối đa để thực hiện dự án. Các quy trình kiểm đếm bồi thường tại tỉnh sẽ rút ngắn hết mức. Địa phương cũng cam kết hoàn thành theo các mốc tiến độ trong yêu cầu của Bộ GTVT. 

Ông Nguyễn Thế Minh (Cục Quản lý Đầu tư và Xây dựng, Bộ GTVT) cho biết: Hiện các địa phương đã rất quyết liệt trong GPMB. Tính tổng thể mặt bằng đi qua 5 địa phương đều đạt hơn 70%, tuy nhiên chỉ có 2 địa phương chưa đáp ứng. Việc này quyết định rất lớn đến tiến độ giải ngân của dự án và hiện một số tỉnh làm rất tốt phải bổ sung thêm vốn. Số vốn còn lại được giao nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện hết. 

Ông Minh nhận định, hiện 30% mặt bằng còn lại nằm ở các vị trí khó khăn, trong khi đó địa hình toàn tuyến là nền đất yếu, do đó các địa phương cần bàn giao số mặt bằng còn lại sớm nhất để có thể thực hiện dự án một cách đồng bộ, đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, chất lượng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm phối hợp của tỉnh và ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, tổ chức triển khai công tác GPMB.

Trước chia sẻ của hai địa phương chậm tiến độ mặt bằng nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, vai trò GPMB tại hai dự án khu vực ĐBSCL là rất quan trọng. “Địa phương phải có cách làm khác vì đã cam kết tiến độ mặt bằng. Do đó, tôi rất mong muốn các tỉnh cố gắng. Đặc biệt là Thành phố Cần Thơ, phạm vi trên tuyến chính rất nhỏ, thế nhưng là một Thành phố trực thuộc Trung ương mà việc bàn giao mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng đến uy tín địa phương về sau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

"Bộ GTVT rất mong hai địa phương tập trung quyết liệt hơn để đến 20/11, tối thiểu đạt mốc 70% mặt bằng cho dự án. Chúng ta cố gắng bám sát theo kế hoạch của Chỉnh phủ. Đồng thời lưu ý đến di dời các đường điện, hạ tầng kỹ trên địa bàn vì có liên quan đến các doanh nghiệp, các Bộ ngành khác. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương như Hậu Giang đang có đường điện 500kv phải ưu tiên di dời. Đồng thời các tỉnh phải lưu ý nếu phải di dờ sang vị trí mới cần tiến hành GPMB, các bên phải lên phương án kỹ lưỡng, tránh bị động về sau", Thứ trưởng cho biết.

"Thực tế khu vực ĐBSCL là nơi có địa chất rất yếu, do đó trong quá trình thi công, Bộ GTVT phải tính toán thời gian gia tải theo nền đất của từng địa phương. Việc đẩy nhanh GPMB sẽ giúp cho dự án sớm thực hiện, bảo đảm thời gian gia tải, đáp ứng yêu cầu chất lượng của dự án”, Thứ trưởng nói và lưu ý đến các việc như tái định cư, lập dự án, GPMB…. mất nhiều thời gian. Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận và các tỉnh phải đẩy nhanh công tác này để có nơi cho người dân di chuyển đến và hoàn trả mặt bằng cho dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận