Góp phần làm trong sạch đội ngũ hơn
Xung quanh việc Ông Trần Văn Tư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo chí, người dân ghi hình cán bộ CSGT vi phạm Luật giao thông để có biện pháp xử lý, Đất Việt đã có một cuộc khảo sát đối với các cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ trực tiếp tại các tuyến đường, khu vực nội, ngoại thành tại 1 số tỉnh, thành trong cả nước. Theo ghi nhận ban đầu, đa số các ý kiến đều khẳng định không hề e ngại trước việc bị người dân ghi hình, chụp ảnh khi đang thực hiện tuần tra, kiểm soát.
Thiếu tá Nguyễn Duy Phương - Trạm trưởng Trạm CSGT Thăng Bình (phòng CSGT Quảng Nam) khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc người dân thực hiện nhiệm vụ giám sát lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ.
“Thật tình chưa có quy định nào cấm người dân quay phim, ghi hình CSGT cả. Người dân có quyền làm những việc như vậy theo đúng quyền công dân trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Việc này theo tôi là hoàn toàn bình thường. Chúng ta cứ chiếu theo luật thôi, không hề e ngại gì cả. CSGT nào sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Người dân có quyền giám sát việc làm không chỉ của CSGT mà với tất cả các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước khác”, Thiếu tá Nguyễn Duy Phương cho hay.
Cán bộ, chiến sĩ CSGT cho rằng việc người dân giám sát CSGT xử lý vi phạm sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ hơn. |
Trạm trưởng Trạm CSGT Thăng Bình cũng khẳng định trong quá trình nhiều năm làm nhiệm vụ công tác, tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường nội, ngoại thị trong tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ cá nhân anh nhận được phản ánh bằng những hình ảnh, video của người dân gửi tới.
“Bất kể việc gì cũng vậy khi có người giám sát hoặc có sự xem xét, theo dõi của nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền thì việc đó sẽ tốt lên. Việc người dân ghi hình CSGT vi phạm xử lý cũng vậy. Mục đích ở đây là tích cực để cho công việc tốt lên. Lực lượng CSGT cũng sẽ tự ý thức được thêm trách nhiệm và vai trò của mình khi thực thi công vụ”, thiếu tá Phương chia sẻ thêm.
Theo lời Thiếu tá Phương thì cán bộ chiến sĩ làm việc tại trạm CSGT Thăng Bình luôn được quan tâm và thường xuyên được bồi dưỡng thêm các kỹ năng ứng xử, hành xử với người vi phạm.
“Được sử chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, đơn vị chúng tôi luôn tiến hành làm thường xuyên, liên tục. Trong các buổi sinh hoạt đầu giờ, hàng tuần thì đều nhắc nhở cán bộ chiến sĩ việc nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân và chấn chỉnh thái độ, tác phong làm việc.”, Thiếu tá Phương nhấn mạnh.
CSGT luôn sẵn sàng
Cũng trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Quang Thuận, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát, CSGT công an tỉnh Hà Giang khẳng định lực lượng CSGT luôn sẵn sàng và không hề có tâm lý e ngại trước việc này.
“Chúng tôi luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý những người vi phạm giao thông. Ngoài CSGT ra thì hiện nay còn có thêm mấy lực lượng chức năng nữa như cảnh sát cơ động, cảnh sát 113 cũng có chức năng đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, các tuyến đường nội thành nội thị.
Việc ghi hình, quay phim CSGT khi làm nhiệm vụ là một cách làm hay, chúng tôi luôn sẵn sàng”, Thiếu tá Thuận nêu quan điểm.
Theo Phó đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát, CSGT tỉnh Hà Giang thì hiện nay cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị đều thực hiện và chấp hành tốt điều lệ ngành, thể hiện thái độ thân thiện đối với người tham gia giao thông.
“Tuy nhiên vẫn có một bộ phận người dân chống đối lại lực lượng thi hành công vụ gây ra những tai nạn nghiêm trọng. Trước tình trạng này, Đội cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ chiến sĩ luôn đề phòng cảnh giác trên tuyến cũng như các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh việc tuyên truyền nhắc nhở cũng phải sử dụng linh hoạt vũ khí cũng như thiết bị hỗ trợ để vừa bảo vệ tính mạng bản thân vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Một chiến sĩ CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Trần Duy Hưng – Cầu Giấy khi nghe đến đề xuất trên cũng khẳng định việc này hoàn toàn đúng luật nhưng người dân phải tự chịu trách nhiệm việc phát tán các hình ảnh, thông tin.
“Không ai cấm người dân ghi hình, chụp ảnh, quay phim việc xử phạt, tuần tra, kiểm soát người vi phạm của CSGT. Nhưng về nguyên tắc người dân phải nộp cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý nếu có hiện tượng CSGT vị phạm, không được tự đăng tải cũng như chia sẻ trên mạng xã hội các nội dung đó. Nhiều trường hợp lợi dụng việc này để phục vụ mục đích cá nhân cũng đã bị xử lý nghiêm khắc”, chiến sĩ CSGT Hà Nội nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.