Theo Nghị quyết về biểu thuế môi trường xăng dầu vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng một lít lên mức trần 4.000 đồng; dầu diesel tăng thêm 500 đồng mỗi lít, lên 2.000 đồng. Các mặt hàng dầu khác như dầu madut, dầu nhờn... tăng 900 đồng lên trần 2.000 đồng mỗi lít. Riêng dầu hỏa tăng 300 lên 1.000 đồng một lít.
Như vậy sau gần 4 năm giữ mức thuế môi trường với xăng 3.000 đồng mỗi lít, mặt hàng này sẽ chịu thêm 1.000 đồng.
So với kế hoạch trước đây, thời điểm áp dụng tăng thuế môi trường lên các mặt hàng lùi lại sang đầu năm 2019 để “không tác động tới chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018”.
Tính toán của Chính phủ cho thấy, với dự kiến chỉ tiêu CPI năm 2019 khoảng 4-5% thì việc tăng thuế môi trường sẽ tác động không lớn tới chỉ số giá tiêu dùng cả năm sau, chỉ ở mức 0,07 – 0,09%.
Biểu thuế bảo vệ môi trường với một số hàng hoá xăng, dầu
Đơn vị tính: VND
Hàng hoá | Mức hiện hành | Mức tăng từ 1/1/2019 |
Xăng (trừ ethanol) | 3.000 | 4.000 |
Dầu diesel | 1.500 | 2.000 |
Dầu hoả | 300 | 1.000 |
Dầu madut | 900 | 2.000 |
Dầu nhờn | 900 | 2.000 |
Mỡ nhờn | 900 | 2.000 |
Lập luận này đưa ra trên cơ sở phân tích, xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và quyền số chỉ chiếm 4% mặt hàng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác như lương thực, thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng.
Với các lĩnh vực, ngành hàng dự báo chịu ảnh hưởng nhiều từ giá nhiên liệu như vận tải, điện... Chính phủ tính toán mức tác động từ tăng thuế lần này không nhiều. Cụ thể, giá cước vận tải tăng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng; trong khi điện, sản xuất kính, gốm... cơ bản không tác động.
Thời điểm tăng thuế từ 1/1/2019 cũng được Chính phủ khẳng định “đảm bảo tính khả thi” và chỉ tác động tới CPI bình quân năm 2019 ở mức thấp. "Do chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả các tháng trong năm, thuế môi trường tăng từ đầu năm không ảnh hưởng nhiều tới quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cả năm", báo cáo đánh giá tác động Chính phủ nêu.
Dù vậy, chia sẻ với VnExpress, nhiều chuyên gia không khỏi băn khoăn khi thuế môi trường với xăng lên kịch khung 4.000 đồng mỗi lít từ 1/1/2019.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu chia sẻ, chắc chắn giá cơ sở xăng dầu (mức giá được nhà điều hành tính toán giá bán lẻ trong nước) sẽ tăng tương ứng, đẩy giá bán lẻ lên cao. Khoản tăng giá này chưa gồm phần thuế giá trị gia tăng của thuế môi trường mới và thuế giá trị gia tăng toàn bộ các loại thuế, phí...
Theo ông, hiện một lít xăng phải gánh trên mình nhiều loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, thuế môi trường... So với các mặt hàng khác, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu vẫn chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường, khoảng 95%. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tại Việt Nam đang khá cao so với các nước, nên nếu tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến giá xăng tăng, đồng nghĩa chi phí doanh nghiệp bị đội lên. Đây cũng là đầu vào của các mặt hàng nên sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân.
Không ít chuyen gia lo tăng thuế môi trường từ 1/1/2019 sẽ tác động tới CPI ngay những tháng đầu năm. Đây là dịp cận Tết nguyên đán, giá cả hàng hóa theo kỳ vọng sẽ ‘té nước theo mưa’ tăng giá. Ngoài ra, theo quy luật giá xăng dầu thế giới thường bắt đầu chu kỳ tăng từ tháng 10 năm trước tới tháng 5 năm sau, do dịp này các nước châu Âu, Mỹ vào mùa đông sẽ sử dụng nhiều nhiên liệu..., gây ít nhiều khăn cho việc bình ổn giá hàng hóa trên thị trường.
Tuy nhiên, trong báo cáo tác động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, do xăng dầu là mặt hàng sử dụng công cụ bình ổn giá, trường hợp việc tăng thuế này tác động lớn đến tăng giá có thể sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong thời điểm cần thiết. Nếu giá thế giới tăng trong Quý I năm sau, nhà điều hành có thể trích Quỹ bình ổn giá 50% và điều chỉnh tăng giá 50% trong các kỳ điều hành thời gian này.
Còn Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng vật tư chiến lược đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng... nên việc tăng thuế sẽ tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào mọi ngành. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thu nhập của người Việt chỉ ở mức trung bình thấp thì điều này càng bất hợp lý.
"Tôi cho rằng không nên dùng thuế, phí để tăng thu mà nhiều nước thường hạ thuế, phí để ổn định nền kinh tế và khuyến khích sản xuất. Vì thế cơ quan quản lý muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng bằng việc tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phát triển tốt, bền vững. Bởi ngân sách một quốc gia có sự đóng góp của nhiều loại thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt....", ông nói.
Không dưới 2 lần trong năm nay, đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính đưa ra với lý do “Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh, nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách”. Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã không được cơ quan thường trực Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 7 do lo ngại tác động tới mặt bằng giá, ổn định kinh tế vĩ mô; cũng như đánh giá tác động của cơ quan quản lý chưa đầy đủ.
Tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 vừa kết thúc, một lần nữa đề xuất này được đưa vào, bổ sung trong ngày họp cuối cùng, sau khi Chính phủ hoàn tất báo cáo đánh giá tác động bổ sung và gửi tới các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cách đó 2 ngày.
Thống kê của Chính phủ cũng cho thấy, chi ngân sách Nhà nước để bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế bảo vệ môi trường thu được. Giai đoạn 2012 – 2017 tổng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường khoảng 158.008 tỷ đồng, trong khi số thu thuế môi trường chỉ 150.810 tỷ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.