Cụ thể, sở GTVT phải yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước, đặc biệt là các chi phí cấu thành giá cước. Đặc biệt, sở GTVT phải phối hợp với sở tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị rút giấy phép.
Giá xăng dầu giảm sâu, cước vận tải đứng yên
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước vận tải, do giá cước vẫn án binh bất động dù giá xăng dầu liên tục giảm và hiện đứng ở mức thấp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết từ giữa tháng 9 đến nay, giá xăng dầu giảm mạnh, trong đó giá dầu diesel đã được điều chỉnh giảm sâu với 1.250 đồng/lít vào ngày 18-12, trong khi giá cước vận tải vẫn không giảm.
Vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM trưa 22/12. Người kinh doanh kêu trời vì doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước (Ảnh: Quang Định) |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với ngày 1/7/2015, giá xăng hiện nay (18/12) đã giảm 20,8%, giúp giá thành xe chạy xăng giảm từ 5,2-7,3% tùy mức độ tiêu hao nhiên liệu của xe. Tương tự, giá dầu diesel 0,05S cùng thời điểm này giảm 25,5%, giúp xe chạy dầu giảm 8,9-11,5% chi phí giá thành.
Trong khi đó, nếu so với cách nay ba tháng (18/9), giá xăng hiện đã giảm 8,6%, giúp giá thành vận tải của xe chạy bằng xăng giảm 2,2-3%, còn giá dầu diesel 0,05S giảm 13,7% với mức giá thành vận tải giảm tương ứng là 4,8-6,2%.
Ông Tuấn cho rằng đây là cơ sở để Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo sở GTVT các địa phương chủ trì, phối hợp với sở tài chính và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý giá cước vận tải, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá cả trên thị trường nói chung.
Trước mắt, sở GTVT các địa phương yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai, rà soát đánh giá lại giá cước. Theo đó, với tỉ lệ giá xăng dầu giảm như vậy, mức độ giảm giá cước vận tải thời gian tới như thế nào để đảm bảo công bằng với người tiêu dùng.
Mạnh tay với doanh nghiệp chây ì giảm cước
“Nếu doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước, cơ quan quản lý vận tải không chỉ xử phạt hành chính mà còn rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, để biết chính xác giá cước vận tải giảm bao nhiêu là phù hợp, cần phải đánh giá tổng thể, gồm các chi phí cấu thành nên giá cước vận tải là lương, điện, nước sạch... Tuy nhiên theo ông Tuấn, nhiên liệu chiếm 30-40% giá thành cước vận tải, nên giá nhiên liệu giảm sâu mà giá cước vận tải đứng yên là không chấp nhận được.
Nhiều hành khách đi taxi than phiền giá xăng dầu giảm nhưng tiền cước đi xe không giảm (Ảnh Hữu Khoa) |
Trong khi đó, ông Phan Thế Ruệ - nguyên thứ trưởng Bộ Công thương - cho rằng khi giá dầu xuống thấp, nền kinh tế và người tiêu dùng phải được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong suốt hai năm nay, chuyện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải chây ì hoặc giảm giá cước vận tải không tương xứng vẫn cứ diễn ra. Đặc biệt là hầu hết doanh nghiệp taxi không chịu giảm giá cước.
“Giá xăng đã giảm sâu suốt hai tháng nay nhưng giá taxi không nhúc nhích là điều rất bất hợp lý” - ông Ruệ nhấn mạnh. Theo ông Ruệ, nhiều ý kiến đánh giá khi giá dầu thô giảm, VN có lợi 60% và không có lợi là 40%. Nhưng nếu Nhà nước không điều hành tốt, cơ quan quản lý không giám sát chặt chẽ thì nền kinh tế, người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi đủ 60% trong khi vẫn phải gánh đủ 40% thiệt hại.
Theo ông Ruệ, đây là câu chuyện của Nhà nước. Cơ quan quản lý cần phải kiên quyết hơn, giám sát chặt chẽ hơn trong quản lý giá, nhất là khi giá cước vận tải chiếm phần không nhỏ trong giá thành của hàng hóa. “Nếu doanh nghiệp nào chây ì không giảm giá cước vận tải phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu, Nhà nước cần phải đình chỉ hoạt động, ngưng cấp phép mở tuyến…” - ông Ruệ đề nghị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.