Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên 4/9. |
Giá dầu giảm mạnh khi các gói thuế quan mới của Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9 làm tăng nỗi lo về khả năng suy thoái toàn cầu - một yếu tố tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu thô trên thế giới.
Mỹ và Trung Quốc đều nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau, với hàng rào thuế quan của Bắc Kinh cũng đánh vào mặt hàng dầu thô của Mỹ.
Hãng Bloomberg hôm 2/9 đưa tin rằng mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những tiến triển trong thương mại, nhưng không bên nào đồng ý các điều khoản để chính thức tái khởi động các cuộc đàm phán và ngày mà các quan chức Trung Quốc có chuyến thăm tới Mỹ vẫn chưa được định ra.
Reuters đưa tin rằng mức thuế 5% đối với dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ghi nhận lần đầu tiên nhiên liệu bị nhắm mục tiêu trong cuộc xung đột thương mại kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,16 USD, tương đương 2,1%, xuống còn 53,94 USD. Trong phiên này, có thời điểm giá mặt hàng dầu này đã rớt còn 52,84 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 9/8.
Trong khi đó, giá dầu Brent sụt 40 xu Mỹ, tương đương 0,7%, còn 58,26 USD/thùng. Giá dầu Brent có thời điểm được giao dịch ở mức 57,23 USD / thùng, chạm mức đáy kể từ ngày 9/8.
Bên cạnh đó, giá dầu tiếp tục suy yếu trong phiên sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy hoạt động của ngành chế tạo nước này trong tháng 8/2019 đã sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua. Trước đó, hoạt động của ngành chế tạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8/2019 cũng giảm tháng thứ 7 liên tiếp.
Chuyên gia John Kilduff cộng tác với Again Capital tại New York nhận định rằng sự suy giảm này tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu đã giảm khoảng 20% so với mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay (đạt được hồi tháng 4/2019) do những quan ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, song ông vẫn cảnh báo rằng Washington sẽ "cứng rắn hơn" trong đàm phán nếu Bắc Kinh kéo dài đàm phán cho đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố nước này kiên quyết phản đối cuộc chiến thương mại do không có lợi cho Bắc Kinh, Mỹ và cả thế giới. Ông Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố trên khi gặp Thượng nghị sĩ Mỹ Steve Daines - đồng chủ tịch Nhóm chuyên viên Mỹ-Trung của Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ David Perdue. Ông Lưu Hạc cho hay, Trung Quốc hy vọng hai bên tìm được điểm chung trong khi gác lại bất đồng và có thể giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Về phía nguồn cung, xuất khẩu dầu mở của Venezuela giảm trong tháng 8 xuống mức thấp nhất vào năm 2019 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo các báo cáo nội bộ và dữ liệu Refinitiv Eikon.
Trong khi đó, dự liệu công bố hôm 2/9 cho thấy sản lượng dầu của Nga trong tháng 8 đã tăng lên 11,294 triệu thùng dầu/ngày đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.