Ảnh minh họa. |
Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng Tám tăng 38 cent, tương đương 0,8%, lên 46,40 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trong phiên là 46,92 USD/thùng.
Tương tự, giá dầu Brent giao tháng Chín tăng 42 cent, tương đương 0,9%, lên 48,84 USD/thùng.
Tờ Financial Times đưa tin Saudi Arabia đang cân nhắc giảm xuất khẩu 1 triệu thùng dầu/ngày. Một tổ chức nghiên cứu dầu cho rằng động thái này sẽ bù đắp được tác động từ việc Libya và Nigeria tăng sản lượng.
“Đây chính là điều OPEC đang tìm kiếm, giảm xuất khẩu nhằm đẩy thị trường lên”, theo Bill Baruch, chiến lược gia trưởng tại iiTRADER.
Các nước tham gia thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC vẫn lo ngại về việc sản lượng từ hai nước thành viên Libya và Nigeria, vốn được miễn tham gia thỏa thuận này, cũng như Mỹ tăng khai thác sẽ làm tác động của các nỗ lực của khối nhằm tái cân bằng thị trường dầu mỏ.
OPEC dự kiến sẽ có cuộc họp với các nước sản xuất dầu lớn tại Moscow ngày 24/7 tới.
Trong khi đó, Ecuador quyết định sẽ không tiếp tục tuân thủ trần sản lượng do OPEC áp đặt, do nước này đang chịu áp lực ngân sách. Ecuador ban đầu đồng ý giảm sản lượng 26.000 thùng/ngày. Trong tháng Năm, sản lượng của nước này là 528.000 thùng/ngày, tương đương 1,6% sản lượng của toàn khối.
Động thái của Ecuador làm tăng khả năng các nước thành viên OPEC khác sẽ không tuân thủ thỏa thuận trong bối cảnh nguồn cung từ Mỹ, Nigeria và Libya liên tục tăng.
Hôm thứ Hai, giá dầu giảm khoảng 1% sau 5 phiên tăng liên tục, sau khi chính phủ Mỹ cho rằng sản lượng dầu đá phiến của nước này sẽ tăng thêm 113.000 thùng/ngày trong tháng Tám lên mức 5,585 triệu thùng/ngày.
Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư tại Công ty quản lý quỹ Bancorp (Mỹ), cho rằng chưa có tín hiệu cho thấy Mỹ giảm khai thác dù giá dầu WTI đang ở dưới ngưỡng 50 USD/thùng trong 3 tháng qua.
Giá dầu hôm thứ Ba tăng còn một phần do đồng đô la Mỹ giảm giá sau khi Thượng viện Mỹ chưa chấp thuận bỏ phiếu thông qua dự thảo luật cải các y tế thay thế Obamacare.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.