Theo tin từ Reuters, cuộc không kích nói trên nhằm vào lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Cách đây ít hôm, phiến quân Houthi đã giành quyền kiểm soát Chính phủ Yemen và khiến Tổng thống nước này phải chạy khỏi thủ đô, đẩy quốc gia nằm ở phía Nam của bán đảo Arab tiến sát bờ vực của một cuộc nội chiến.
Bất ổn gia tăng ở Yemen những ngày gần đây đã làm dấy lên lo ngại về an ninh đối với hoạt động vận chuyển dầu từ khu vực Trung Đông.
Sáng nay, giá dầu bật tăng mạnh khi giới đầu tư cho rằng cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm vào Yemen là một dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát tại khu vực giàu dầu lửa nhất thế giới.
Trong phiên giao dịch buổi sáng, giá dầu thô Brent giao sau có thời điểm lên mức 59,71 USD/thùng, tăng khoảng 6% so với đóng cửa phiên liền trước. Sau đó, giá dầu Brent giảm xuống ngưỡng 58,84 USD/thùng vào lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam, nhưng vẫn cao hơn 2,36 USD/thùng so với chốt phiên đêm qua tại thị trường London.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau lúc hơn 10h tăng 2,19 USD/thùng, lên mức 51,4 USD/thùng.
“Đang xảy ra một cuộc đối đầu lớn giữa Iran và Saudi Arabia, giữa người Hồi giáo dòng Sunni và những người dòng Shi’ite, ở Syria và Iraq. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy rủi ro địa chính trị ở Trung Đông đã trở thành một căn bệnh kinh niên”, nhà quản trị rủi ro Tony Nunan thuộc công ty Mitsubishi Corp. của Nhật Bản nhận xét.
Giá dầu tăng mạnh nhưng các nhà nhập khẩu dầu từ Trung Đông tại khu vực châu Á chưa hề tỏ ra lo ngại.
“Saudi Arabia và các nước khác tiến hành không kích không có nghĩa là nguồn cung sẽ đột ngột bị thắt chặt”, nhà môi giới năng lượng Masaki Suematsu thuộc công ty Newedge Japan ở Tokyo phát biểu.
Tuy vậy, ông Suematsu cũng thận trọng nói rằng, cuộc xung đột có thể vượt ra khỏi các cuộc không kích đang được tiến hành.
Giới chức Hàn Quốc, một nước nhập khẩu dầu lớn của châu Á, nói rằng, những vấn đề hiện nay đang xảy ra gần Biển Đỏ, trong khi vùng biển này không phải là tuyến đường mà nguồn dầu từ vùng Vịnh được vận chuyển sang châu Á.
Tuy vậy, các nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq phải vận chuyển dầu qua bờ biển của Yemen, qua vịnh Aden để tới Biển Đỏ và kênh đào Suez rồi đưa sang châu Âu.
Vịnh Aden nhỏ hẹp, chỉ rộng chưa đầy 40 km nằm giữa Yemen và Djibouti được coi là một “nút cổ chai” đối với nguồn cung dầu toàn cầu.
Tuy tăng mạnh sáng nay, giá dầu hiện vẫn đang thấp hơn khoảng 50% so với tháng 6 năm ngoái, thời điểm mà giá bắt đầu giảm do sản lượng dầu thế giới tăng mạnh kết hợp với nhu cầu tiêu thụ suy giảm, đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Theo vneconomy
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.