Gia Lai: Bất cập việc một giáo viên đứng lớp 68 tiết/tuần

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
06/09/2018 15:18

Vụ việc khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi trong công tác điều chuyển, bố trí giáo viên giảng dạy tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Nhiều giáo viên tại huyện này phản ánh công tác điều chuyển có quá nhiều bất cập, không thỏa đáng.

Theo phản ánh của Thầy Nguyễn Duy Tân, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (xã biên giới Ia O), hiện nhà trường thiếu 8 giáo viên trong năm học mới 2018 – 2019 của các môn. Toán, Anh Văn, Tin Học và Thể Dục, trước tình hình thực tế, nhà trường đã đệ đơn xin phòng GD – ĐT bổ sung giáo viên để đảm bảo cho công tác giảng dạy  tại trường. Tuy nhiên, thay vì số giáo viên đề nghị, nhà trường lại phải nhận 4 giáo viên các môn Lịch sử, Ngữ văn và 2 giáo viên Hóa - Sinh. Việc bổ sung "chéo ngoe" này khiến nhà trường rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở trong việc bố trí các công việc kiêm nhiệm cho số giáo viên phải nhận thừa, hợp thức hóa cho đủ số tiết/tuần theo quy định để nhận lương.

Với tình thế này, hiện nhà trường đang gặp chồng chất khó khăn trong công tác bố trí việc đứng lớp một số môn. Đặc biệt cấp bách nhất ở bộ môn Toán, hiện nhà trường chỉ có 2 giáo viên, trong khi một giáo viên đã nghỉ sinh, do đó, giáo viên còn lại phải kiêm tất cả các giờ toán cho 17 lớp học với tổng số tiết giáo viên này phải dạy lên đến con 68 tiết/tuần. Bên cạnh đó, ở bộ môn Tin học 36 tiết/tuần, Anh Văn 36 tiết/tuần, Thể dục 36 tiết/tuần cũng chỉ duy nhất 1 giáo viên đảm nhiệm.

34
Thầy Phạm Văn Đại-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai nêu quan điểm tại buổi họp ngày 4/9

“Nhà trường đang tìm mọi cách để đảm bảo cho công tác giảng dạy, việc 68 tiết/ tuần của môn toán là không thể kham nổi, việc bố trí một số công tác khác cho các giáo viên nhà trường phải nhận không đúng đề xuất cũng rất khó khăn…” - thầy Tân chia sẻ.

Cũng trong tình cảnh thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học, đơn vị Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ia Chía) vừa phải nhận thêm 2 giáo viên bộ môn Hóa – Sinh trong khi trường không có nhu cầu, khiến nhà trường lúng túng trong việc xắp xếp bố trí công tác giảng dạy cũng như phụ trách kiêm nhiệm một số việc khác để đảm bảo đủ 19 tiết/tuần theo đúng quy định. Trong khi đó, nhà trường đang cần bổ sung giáo viên các bộ môn khác để đảm bảo công tác giảng dạy theo đúng quy định, bởi thực tế nhà trường có 13 lớp học nhưng chỉ có 12 giáo viên.

Bên cạnh những bất cập trong công tác bố trí giáo viên, đảm bảo đúng chuyên môn giảng dạy theo quy định, việc điều chuyển giáo viên tại huyện này cũng dấy lên nhiều nghi ngại.

Cụ thể, trường hợp cô Trần Thị Tâm (phường Yên Thế, TP. PleiKu) có hoàn cảnh rất khó khăn khi chồng là bộ đội nên thường xuyên công tác xa nhà. Ở nhà chỉ mình cô chăm sóc cho 2 con nhỏ, trong đó có 1 cháu 6 tuổi bị dị tật bẩm sinh (bị bại não, chậm phát triển tinh thần và thể chất, không đi đứng, tự sinh hoạt được). Trước đó, cô Tâm có 15 năm công tác thì có tới 9 năm dạy học tại các trường vùng khó khăn. Từ năm 2013, cô được chuyển về dạy tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Sao) gần nhà nhưng giờ lại phải chuyển đến Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ia Tô), cách nhà gần 40km. “Tôi không biết có thể tiếp tục giảng dạy được hay không. Nếu đi dạy thì con nhỏ ở nhà không ai chăm sóc, nếu nghỉ dạy thì cuộc sống chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.” – cô Tâm chia sẻ.

Trước nhiều vấn đề, sáng ngày 4/9, Huyện ủy Ia Grai, đã họp để làm rõ các nội dung trong việc điều chuyển giáo viên, công tác bố trí giảng dạy tại một số trường còn bất cập về thời lượng tiết học và số lượng giáo viên.

Tại buổi họp, ông Phạm Văn Đại-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cho biết, việc điều động giáo viên ở các trường dư thừa giáo viên đến các vùng thiếu là thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện. Những giáo viên trong diện điều động là những người có điểm theo quy chế thấp hơn các giáo viên khác.

Việc các trường thiếu giáo viên môn này nhưng điều động giáo viên môn khác tới là do các trường xin giáo viên không thể tuyệt đối chính xác. Việc điều động phụ thuộc vào số giáo viên dư thừa. “Đúng là lúc đầu các trường không xin giáo viên môn đó, nhưng đặc thù trong giáo dục là các giáo viên kiêm nhiệm các môn khác nên có thể sắp sếp được.” – ông Đại nói và cho biết nhiều môn không có giáo viên nhưng các giáo viên vẫn có thể kiêm nhiệm tốt như giáo dục công dân...

Trước vấn đề, ông Dương Mal Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho rằng, sở dĩ giáo viên phản đối việc luân chuyển là do mức hỗ trợ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đã hết nên ảnh hưởng đến thu nhập. Hơn nữa đặc thù của huyện Ia Grai giáp TP Pleiku, các giáo viên đa số ở TP Pleiku nên chuyển đi công tác tại các xã biên giới nên rất khó khăn.

“Việc chấm điểm theo quy chế đã được phổ biến tới các giáo viên tại các trường. Nếu các giáo viên trong diện bị điều động có đơn, có phản ánh cho rằng việc hội đồng nhà trường làm sai quy chế thì sẽ cho thanh tra lại. Nếu sai đến mức cần phải thu hồi quyết định thì sẽ thu hồi quyết định điều động để kiểm tra lại cho đàng hoàng” - ông Tiếp nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận