Gia Lai: Câu lạc bộ cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Chư Prông

Tác giả: TRỌNG HÙNG

saosaosaosaosao
Doanh nhân 25/07/2016 05:47

Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã phát huy được truyền thống, ý chí vươn lên, vượt khó, trở thành những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

1 (5)
Cựu chiến binh Nguyễn Tá Tuệ (áo xanh) chỉ cho dân cách thu hái tiêu hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến năng suất niên vụ sau.

Làm giàu từ vốn sức trẻ

Với vốn liếng ban đầu là sức trẻ và sự nhanh nhạy với thời cuộc, trong những năm qua các “Cựu chiến binh Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi huyện Chư Prông” tỉnh Gia Lai, đã phát huy ý chí vươn lên, vượt khó, biến những vùng đất hoang sơ do bom đạn tàn phá thành những rẫy cà phê, tiêu, cao su xanh ngút ngàn, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, giúp đỡ hàng trăm hộ dân người đồng bào địa phương vượt khó vươn lên ổn định trong cuộc sống.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Tá Tuệ, chi hội viên thôn Bản Tân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Tại đây, ông Tuệ cho biết, nhà ông hiện có 5ha cà phê, 5 sào tiêu, tổng thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm. “Thực tế là tôi vào đây sống từ 28 năm trước với hành trang mang theo chỉ là sức khỏe. Hồi ấy khu vực này toàn núi rừng, đất đai bị bom đạn giày xéo, nhà cửa lèo tèo vài ba căn. Để tồn tại, chúng tôi đi chặt tre về dựng túp lều ở, hàng ngày đi phát rẫy trồng sắn, bắp…  Cách đây 10 năm, nghe cây cà phê, tiêu cho hiệu quả kinh tế, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng. Thấy hiệu quả, tôi mạnh dạn vay vốn mua thêm đất để đầu tư, kết quả mới phất lên như bây giờ”, ông Tuệ hồ hởi nói.

Nhờ sự nhanh nhạy trong làm ăn, đến nay đời sống kinh tế của gia đình ông ngày càng ổn định, vươn lên làm giàu một cách chính đáng thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Điều đáng quý là ông Nguyễn Tá Tuệ luôn giữ phẩm chất của một cựu chiến binh, trọn nghĩa tình đồng đội, không chỉ làm giàu cho chính mình, ông Tuệ luôn cởi mở chỉ dẫn, giúp đỡ nhiều gia đình trong thôn, nhiều hội viên còn khó khăn về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong lao động sản xuất, để mọi người cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

“Mùa nào việc ấy, ông Tuệ xuống tận rẫy chỉ bảo chúng tôi quy cách chăm sóc, thu hái từng loại cây, đặc biệt là cách chăm sóc cây hồ tiêu cũng như cách hái tiêu để không bị ảnh hưởng tới năng suất niên vụ sau” - một nông dân sau khi được ông Tuệ chỉ dẫn kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc tiêu chia sẻ.

Thu nhập hàng “tỷ đồng” từ mô hình kinh tế nuôi, trồng

Đó là mô hình của cựu chiến binh Phạm Hữu Đường, 69 tuổi, chi hội viên thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn. Ông Đường vốn là thương binh hạng 3, vào Ia Phìn sống khoảng 20 năm nay. Dù là thương binh nhưng ông khiến nhiều người lành lặn phải ganh tị khi sở hữu 5ha cà phê, 2 sào tiêu, 1ha cao su, 1 ha mắc ca và trang trại 30 con heo rừng. Tổng thu nhập hàng năm khoảng 1,3 tỷ đồng. “Nói thật là hồi mới vào chả có cái gì mà ăn, bụng đói cồn cào không chịu nổi. Đất thì nhiều nhưng chỉ trồng mì, bắp, thu nhập không cao. Để thoát nghèo, tôi vác ba lô sang tỉnh bạn để học mô hình làm kinh tế. Thấy cây tiêu, cà phê có giá trị cao, tôi mạnh dạn mua giống về trồng, tiến hành mở trang trại heo rừng thì cuộc sống mới đổi đời như bây giờ”, ông Đường hồi tưởng. Hiện nhà ông Đường đang giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương. Nhiều nông hộ cũng được ông cung cấp miễn phí các giống tiêu, mắc ca về trồng.

2 (1)
Cựu chiến binh Phạm Hữu Đường (áo trắng) chỉ dân cách trồng tiêu

Trao đổi với PV, ông Mai Khắc Tuấn, Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông hồ hởi cho biết: Hội Câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi có tới 55 hội viên tham gia. Trong đó hộ thấp nhất thu nhập cũng ngót nghét 500 triệu đồng/năm, 27 hộ thu nhập trên 1 tỷ. Cá biệt, có 7 hộ thu nhập từ 3 đến 5 tỷ đồng. Các hộ có thu nhập khủng như hộ ông Nguyễn Văn Gác (xã Ia Phìn) 5 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng) 3 tỷ đồng/năm…

“Điểm chung của các hội viên đều là đi lên số 0, nhiều hộ từng rơi vào cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, do biết cách làm ăn, cũng như nhanh nhạy nắm bắt thị trường, qua đó, biết đầu tư vào các cây trồng chủ lực nên giờ đã có người trở thành tỷ phú” - Ông Tuấn nói.

Phát huy nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”

Theo ông Mai Khắc Tuấn, điều rất đáng trân trọng là các tỷ phú vốn là cựu chiến binh họ rất tích cực giúp dân và đồng đội. Ngoài việc hỗ trợ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nhiều người cũng hay làm từ thiện. Như cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác bỏ tiền xây dựng 3 trạm biến áp để phục vụ sản xuất, đồng thời cho 30 hộ dân dân tộc thiểu số ở làng Grang 2 (xã Ia Phìn) sử dụng miễn phí; mỗi Tết hỗ trợ các hộ dân làng Grang 2 một tấn gạo và 100kg thực phẩm (thịt heo); cho 50 hộ trong xã mua phân bón trả chậm không lấy lãi; hỗ trợ 15 triệu sửa chữa hội trường thôn. Cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng) bỏ tiền túi xây dựng 500m đường bê tông liên thôn; cho 7 hộ dân mượn 700 triệu đồng không lấy lãi; năm 2014 bỏ gần 150 triệu đồng để kéo điện cho 3 hộ nghèo sử dụng. Nhiều người được các cựu chiến binh giúp đỡ đã phất lên nhanh chóng.

Ý kiến của bạn

Bình luận