Các chủ phương tiện thực hiện nghiêm việc tải trọng hàng hóa khi vận chuyển |
Thông tin tại Hội nghị tuyên truyền pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện trong vụ mùa thua hoạch nông sản năm 2016 vừa được tổ chức tại tỉnh Gia Lai, tính đến thời điểm hiện tại đã có 500 doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, tham gia các nội dung ký cam kết trong công tác kiểm soát tải trọng. Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng hàng hóa, Sở GTVT đã phối hợp với lực lượng chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo sát thực, từng thời điểm trên các tuyến huyện có nhiều nguồn nông sản. Qua đó, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo TTATGT và kiểm soát tải trọng xe, xây dựng và triển khai kế hoạch liên ngành về việc phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng; tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền các quy định về TTATGT; chỉ đạo cán bộ xuống từng gia đình, cá nhân có xe kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, bến bãi, kho hàng để vận động ký kết và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về vận tải hàng hóa trên đường bộ bằng ô tô trong công tác kiểm soát tải trọng
Ông Đoàn Đức Mạnh - Phó Chánh TTGT (Sở GTVT Gia Lai) cho biết, trước đây công tác tuyên truyền cũng như sự phối hợp giữa ngành chức năng với lực lượng CSGT trong việc dừng xe để kiểm tra đôi lúc còn khó khăn vì còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất, qua đó chủ phương tiện chống đối, phản ứng do chưa nắm rõ những quy định của pháp luật trong vận tải hàng hóa, thậm chí có tài xế còn phóng xe bỏ chạy. Sau khi sự phối hợp trong công tác tuần tra kiểm soát được đồng bộ, công tác tuyên truyền thiết thực đến từng doanh nghiệp, từng cá nhân các tài xế, việc dừng phương tiện để kiểm tra thuận lợi hơn rất nhiều, bởi khi thấy cả lực lượng thanh tra và CSGT thì các tài xế không dám bỏ chạy. Nếu có, chúng tôi cũng đủ điều kiện về người và phương tiện để đuổi theo xử lý.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý được nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (KTTTXLĐ), lực lượng chức năng đã dừng và kiểm tra được 4.512 lượt phương tiện, phát hiện 377 phương tiện vi phạm, tiến hành lập 608 biên bản vi phạm hành chính đối với 71 tổ chức và 537 cá nhân với tổng số tiền xử phạt trên 3,1 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 160 trường hợp, hạ tải 1.102,35 tấn hàng hóa; số tiền xử phạt nộp Kho bạc nhà nước trên 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT tại trạm cân số 55, qua công tác tuần tra kiểm soát đã phát hiện và xử phạt 249 trường hợp quá tải, 31 trường hợp quá khổ, 01 trường hợp vi phạm tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe, 96 vi phạm khác, 231 trường hợp vi phạm liên quan đến giao thông đường bộ.
Cũng theo ông Mạnh, với sự xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng, công tác kiểm tra gắt gao cũng như tuyên truyền đến tận nơi đã góp phần làm chuyển biến nhiều về nhận thức và hành động của các doanh nghiệp, lái xe trong thực hiện vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng. “Hiện nay, đối với các trường hợp vi phạm tải trọng hầu hết đều là xe cá nhân, hoạt động nhỏ lẻ. Đối với các doanh nghiệp vận tải lớn cơ bản họ đều chấp hành tốt các quy định về tải trọng ngay tại các bến bãi, hầu như các doanh nghiệp đều chủ động và thực hiện cân tải trọng đối với các xe ra, vào bến. Do đó, rất ít trường hợp xe của doanh nghiệp vi phạm quá tải trọng”, ông Mạnh chia sẻ.
Mặc dù trong công tác phối hợp, tuyên truyền đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên qua thực tế kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng xe còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Thượng tá Lê Văn Châu - Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện tại, khó nhất đối với lực lượng chức năng trong tuần tra kiểm soát tải trọng là chưa có kho, bãi, xe cẩu chuyên dụng để hạ tải nên đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng chỉ có thể yêu cầu lái xe bố trí phương tiện sang tải, chứ không thể tiến hành hạ tải tại chỗ. Do trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động khó di chuyển nên việc đặt trạm cân tại chỗ giúp lái xe dễ dàng phát hiện, từ đó có hành vì né tránh bằng cách đi vào tuyến đường khác, vị trí trạm cân lưu động chỉ đảm bảo thuận lợi cho kiểm tra tải trọng xe thuận chiều, còn chiều ngược lại thì gặp nhiều khó khăn; phương tiện phục vụ việc tuần tra, kiểm soát còn thiếu. Trước những khó khăn trên, chúng tôi mong muốn cấp trên sớm có giải pháp khắc phục để lực lượng chức năng có điều kiện thuận lợi thực hiện tốt công tác tải trọng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, hiện nay phương tiện quá tải trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt về số lượng và mức độ vi phạm. Các phương tiện còn vi phạm hiện nay chủ yếu là do sự chủ quan của các lái xe và mức quá tải thấp, rất ít phương tiện vi phạm quá tải lớn.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối kết hợp giữa Sở GTVT, các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm soát được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên các tuyến đường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.