Trong đó, quyết tâm ngăn chặn nạn đuối nước ở học sinh, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng bể bơi và đẩy mạnh công tác dạy bơi cho học sinh tại trường học...
Theo ngành quan chức năng tỉnh Gia Lai, các trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, nhưng đa phần rơi vào vùng nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu giám sát, quản lý của gia đình, môi trường sống từ gia đình đến cộng đồng tiểm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em như có nhiều ao hồ, hố đào, khu vực sông suối… không có biển báo cảnh báo, rào chắn. Ngoài ra, phần lớn trẻ em hiện nay không biết bơi do việc dạy bơi cho trẻ chưa được đưa vào chương trình dạy học chính khóa vì số lượng hồ bơi, bể bơi trong và ngoài nhà trường còn rất hạn chế.
Đẩy mạnh công tác dạy bơi cho học sinh ngay tại trường học |
Trước đó, thống kê từ năm 2015, toàn tỉnh Gia Lai có 63 trẻ em bị tử vong do đuối nước, năm 2016 có 51 trẻ, năm 2017 có 42 trẻ, năm 2018 có 73 trẻ tử vong. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận hơn chục ca đuối nước, chủ yếu là trẻ em. Đáng báo động là chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6 đến ngày 23/3/2019), toàn tỉnh ghi nhận 6 ca đuối nước trẻ em, riêng trong ngày 14/4/2019, tại huyện Krông Pa, một lúc có đến 3 đứa trẻ tử vong vì đuối nước. Mới đây nhất là vụ xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 1/6/2019, cháu Ksor Đẳng (SN 2015, trú làng Dọch Quế, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị chết đuối khi cùng mẹ đi tắm tại hồ Ia Kot ở làng địa phương.
Trước thực trạng nhức nhối này, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành đề án tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn giai đoạn 2017-2020. Theo ông Phan Văn Căn-Chánh văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo Gia Lai, những cái chết thương tâm từ tai nạn đuối nước là nỗi đau của không chỉ người thân nạn nhân, mà còn là nỗi lo lắng của toàn xã hội. Bởi vậy, trong thời gian qua, để hạn chế thấp nhất tình hình tai nạn đuối nước ở lứa tuổi học sinh, các trường học đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn trong khả năng, điều kiện hiện có. Chẳng hạn, trong chương trình dạy học hằng năm, nội dung phòng chống đuối được giáo viên bộ môn thể dục đưa vào dạy tích hợp, nhất là vào thời điểm học sinh sắp kết thúc năm học, sắp nghỉ hè. Ngoài ra, công tác này cũng được nhà trường tuyên truyền sâu rộng trong tập thể phụ huynh, cảnh báo về nguy cơ tai nạn đuối nước để tất cả mọi người cảnh giác, phòng tránh. “Đề án tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, ngành ngành Giáo dục Đào tạo Gia Lai cũng như các trường học trên địa bàn thực hiện việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh và tiến tới thực hiện phổ cập bơi cho trẻ em trên toàn địa bàn tỉnh Gia Lai”, ông Căn nói.
Ngăn chặn nạn đuối nước ở học sinh bằng cách dạy kỹ năng bơi ngay tại trường |
Trường tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin) là một trong 2 đơn vị trường học trên địa bàn huyện Chư Pah được chọn đầu tư xây dựng bể bơi, Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu phấn khởi cho biết, một bể bơi để dạy bơi cho các em học sinh là nỗi khát khao không chỉ của cán bộ, giáo viên nhà trường, mà còn là niềm mong mỏi của người dân, phụ huynh học sinh nơi đây. Theo bà Thu, với điều kiện của một vùng cao, giáo viên, học sinh miền núi không chỉ sống, sinh hoạt trong vùng sông núi, ao hồ hiểm trở, mà còn phải đối diện với những hiểm nguy từ các hiện tượng thiên tai cực đoan liên tục xảy ra nên thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, gây ra nhiều tai nạn thương tâm, những cái chết oan ức. Chính vì vậy, khi trường được đầu tư xây dựng bể bơi, tiến tới dạy bơi, phổ cập bơi, đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh tỏ ra vô cùng phấn khởi. "Sau khi được trang bị hồ bơi thì trường đã khẩn trương tổ chức hoạt động dạy bơi cho con em học sinh. Song song với việc dạy bơi, các thầy cô giáo còn tích cực lồng ghép đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh", bà Thu chia sẻ.
Ghi nhận, thời gian qua, cùng với nguồn kinh phí của địa phương, ngành Giáo dục Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trường học cũng như huy động các nguồn lực khác, công tác đầu tư xây dựng bể bơi, dạy bơi cho học sinh toàn tỉnh đã được đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 36 hồ bơi, trong đó có 12 bể bơi được xây dựng từ nguồn vốn của nhà nước, 24 bể bơi của tư nhân. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Gia Lai đến năm 2020 là mỗi địa phương phải có ít nhất 2 hồ bơi. Song điều đáng mừng là đến thời điểm này, có địa phương đã xây dựng được 3 bể bơi. “Hiện nay, công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh ngày càng được các trường học nhìn nhận nghiêm túc và tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả. Ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Gia Lai cũng đã xây dựng được lực lượng giáo viên dạy bơi ở các đơn vị trường học, sẵn sàng tổ chức dạy bơi cho học sinh khi các trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng bể bơi. Tuy nhiên, để ngăn chặn được hiểm họa tai nạn đuối nước đối với trẻ em thì ngoài sự nỗ lực của nhà trường và gia đình học sinh, còn cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy bơi trong và ngoài nhà trường từ chính quyền địa phương”, Chánh văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo Gia Lai chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.