Gia Lai: Huyện Phú Thiện kiên cố hóa công trình thủy lợi

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao

Những năm qua huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây mới, sửa chữa và nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng trong huyện, qua đó hạn chế tình trạng lãng phí đất sản xuất do thiếu nguồn nước tưới.

 

2
Mùa màng năng xuất nhờ kiên cố hóa các công trình thủy lợi tại huyện Phú Thiện

Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp trạm bơm với tổng kinh phí 650 triệu đồng; đầu tư 1,2 tỷ đồng để xây dựng 1,2 km kênh mương bằng bê tông, phục vụ tưới cho 50 ha lúa tại cánh đồng, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp của địa phương một cách bền vững và hiệu quả.

Từ khi công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, với nguồn nước tưới đảm bảo, việc sản xuất của nông dân trên cánh đồng này ổn định và thuận lợi hơn, năng suất lúa tăng cao. 

Ông Trần Văn Tân, thôn Tam Hiệp, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện cho biết, trước đây nông dân rất vất vả trong sản xuất vì phải chờ để lấy nước hoặc phụ thuộc vào nước trời. Từ ngày các công trình thủy lợi được nâng cấp và đưa vào sử dụng, nguồn nước tưới ổn định góp phần nâng cao năng suất lúa từ 7-8 tạ/sào/vụ lên 10 tạ/sào/vụ.

Theo ông Bùi Trọng Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện - đơn vị đang quản lý 1 trạm bơm và hơn 6km kênh mương, để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong những năm gần đây Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp trạm bơm, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để phục vụ nguồn nước tưới cho xã viên và nhân dân ở địa phương. Trước đây trạm bơm tại xã hoạt động bằng than thì mỗi ha người dân và xã viên đóng góp số lượng lúa nhiều, nay nâng cấp thành trạm bơm điện thì đóng góp ít hơn. Nguồn nước luôn luôn đảm bảo để việc sản xuất ổn định.

Cùng với khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư trên lĩnh vực thủy lợi, thủy nông, huyện Phú Thiện đã huy động nguồn vốn từ các chương trình và thực hiện tốt phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nhất là công trình thủy lợi phục vụ yêu cầu sản xuất ở địa phương. Ngoài đại công trình thủy lợi Ayun Hạ, huyện Phú Thiện hiện còn có 13 công trình thủy lợi do các xã, thị trấn quản lý với tổng chiều dài kênh mương 176km, trong đó có 12 hợp tác xã trong huyện hoạt động trên lĩnh vực thủy lợi, dịch vụ thủy nông. Việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi ở huyện Phú Thiện được thực hiện một cách hợp lý, rộng khắp, đặc biệt là khai thác tốt nguồn nước từ Công trình thủy lợi Ayun Hạ.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai hiệu quả các dự án, chương trình giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất đai hợp lý, thay đổi nếp nghĩ cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên bức tranh nông nghiệp của địa phương mang nhiều gam màu tươi sáng. Nhiều vùng đất không còn bị hoang hóa, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng tăng cao. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng tăng nhanh, trong những năm trở lại đây bình quân hơn 23 nghìn ha/năm, tổng sản lượng quy ra thóc hơn 90.000 tấn, huyện trở thành trung tâm vựa lúa Ayun Hạ với hơn 6.000ha. Qua đó công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn trong huyện ngày càng khởi sắc.

1
Những dòng kênh mương chở đầy con nước tới đồng ruộng

Ông Bùi Trọng Thành,Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện chia sẻ, bên cạnh những kết quả thì việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi ở huyện Phú Thiện cũng gặp một số khó khăn nhất định. Thứ nhất nguồn lực đầu tư để kiên cố hóa kênh mương còn hạn chế. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện chiếm hơn 60%, đời sống của nhiều gia đình còn khó khăn nên việc huy động nhân dân đóng góp để xây dựng công trình thủy lợi đang gặp nhiều trở ngại. Do vậy, huyện mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm để huyện có thêm nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi để đáp ứng, phục vụ nhu cầu sản xuất.

Với lĩnh vực mũi nhọn là nông nghiệp nên huyện Phú Thiện tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi để đánh thức tiềm năng còn tiềm ẩn của nhiều vùng đất, đặc biệt là phục vụ đắc lực cho việc tái cơ cấu, tạo những bước đột phá mới trong ngành nông nghiệp mà trọng tâm là đảm bảo nguồn nước tưới để triển khai mô hình cánh đồng lúa và cánh đồng mía kiểu mẫu lớn, từ đó sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện một cách nhanh và bền vững.

Ý kiến của bạn

Bình luận