Kéo giảm TNGT, ngăn chặn nạn trộm cắp, đua xe trái phép
Có dịp đến các thôn, làng xã Ia Phang, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được đi trên những con đường bê tông chắc chắn, sạch sẽ. Ban đêm điện sáng trưng. Phương tiện giao thông đi lại nề nếp, trật tự. Tuyệt nhiên không có cảnh xe máy chạy nhanh, vượt ẩu. Có thời điểm, xuất hiện xe công nông đi lại, người đi đường cũng chậm rãi nhường đường. Học sinh đi xe đạp từng hàng ngay ngắn vào ra ngõ, đến trường.
Thấy ánh mắt chúng tôi như muốn hỏi điều gì, ông Trần Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ia Phang giọng sang sảng: Từ ngày có mô hình "ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh" diện mạo làng quê, thôn làng thay đổi hẳn. Khung cảnh thôn, làng xã Ia Phang bây giờ như ở thị trấn. Điện sáng cả đêm. Trộm cắp giảm hẳn, còn TNGT chưa xảy ra vụ nào gây chết người.
Ông Hoàng cho hay, năm 2020, xã Ia Phang bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình "ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh" do Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pưh phát động. Đến nay, tất cả 9/9 thôn của xã đã áp dụng mô hình này, với 18 tuyến/16Km/352 bóng đèn chiếu sáng/256 camera được lắp đặt trên dọc các tuyến đường thôn từ Hòa Thuận đến Hòa Sơn.
"Trước năm 2019, trung bình 1 năm, địa bàn xã Ia Phang có 4-5 người chết, 8-9 người bị thương vì TNGT; 10-11 vụ trộm cắp. Nhưng sau hơn 2 năm có mô hình, tình hình TNGT ở địa phương giảm trên cả 3 tiêu chí, về số vụ TNGT, người chết, người bị thương đều giảm rõ rệt. Đặc biệt, trong năm 2022 và đầu năm 2023, trên địa bàn chưa có người chết vì TNGT, chỉ xảy ra những vụ TNGT va quyệt nhỏ", ông Hoàng phấn khởi.
Ông Lê Quang Vang, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, trước đây tình trạng bắt trộm chó là vấn đề "nóng" của địa phương. Kẻ trộm không chỉ bắt chó ban ngày, mà còn vào cả ban đêm, trở thành nỗi bất an của người dân địa phương. Rồi đến tình trạng con em người đồng bào dân tộc thiểu số dàn hàng ngang đua xe, đánh võng, lạng lách trên các tuyến đường trong thôn, làng khiến phụ huynh hết sức lo lắng, chính quyền địa phương cũng hết sức trăn trở. Tuy nhiên, từ khi đường sá được thắp sáng xuyên đêm, hệ thống camera lắp đặt tại các nút giao thông, ngã ba, ngã tư thì tình trạng này không còn, TNGT giảm hẳn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hiệp - Trưởng phòng Kinh tế-hạ tầng, Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT huyện Chư Pưh, để góp phần đảm bảo TTATGT, thời gian qua, trên địa bàn huyện thực hiện xây dựng và duy trì nhiều mô hình như: Con đường tự quản, Cổng trường Xanh, sạnh, đẹp – an toàn, nhưng nổi trội và được nhân rộng nhất là mô hình "ánh sáng, camera, kết hợp tiếng kẻng an ninh".
Sau gần 3 năm triển khai, đến nay mô hình "ánh sáng, camera, kết hợp tiếng kẻng an ninh" đạt kết quả tích cực, góp phần kéo giảm TNGT, đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện nói chung và địa bàn các xã nói riêng. Đặc biệt, nhờ mô hình mà huyện Chư Pưh từ một địa phương có tỷ lệ số vụ TNGT nhiều nhất nhì tỉnh Gia Lai trong những năm trước, nay đã trở thành một trong những huyện có tình hình TNGT xảy ra thấp.
Nhân rộng mô hình, góp sức kéo giảm TNGT
Lý giải vì sao mô hình "ánh sáng, camera, kết hợp tiếng kẻng an ninh" mang lại hiệu quả, ông Hiệp cho rằng do mô hình có đề án được xây dựng bài bản, với con người cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, tổ chức triển khai nghiêm túc, khoa học và thực hiện đầy tinh thần trách nhiệm. Minh chứng cho điều đó là mô hình ngày càng được nhân rộng, người dân đồng tình, hưởng ứng, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để lắp đặt, vận hành, bảo trì.
Cha đẻ mô hình "ánh sáng, camera, kết hợp tiếng kẻng an ninh" - ông Chu Xuân Toàn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pưh cho hay, khi đời sống người dân nâng cao, phương tiện giao thông gia tăng, bên cạnh những mặt tích cực, cuộc sống sẽ nảy sinh những vấn đề về ANTT, TTATGT, khiến người dân bất an, chính quyền lo lắng. Trăn trở trước những điều ấy, năm 2019 tôi đã nghĩ ra mô hình "ánh sáng và tiếng kẻng an ninh", sau hoàn thiện thành mô hình "ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh".
Từ ngày triển khai thí điểm tại địa bàn thôn Tao Lẵh (xã Ia Ròng), đến nay đã có 37/74 thôn, làng trên địa bàn huyện Chư Pưh áp dụng mô hình, với hơn 3.000 bóng đèn, 700 camera, tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Sắp đến sẽ tiếp tục triển khai, nhân rông đến các thôn, làng trên đia bàn và mục tiêu đến năm 2027, mô hình sẽ phủ song 100% thôn, làng huyện Chư Pưh.
"Ánh sáng để ta thấy rõ; camera giúp ta phân biệt kẻ gian, người ngay; tiếng kẻng huy động dân làng cùng chung sức, đồng lòng giúp đỡ nhau làm việc tốt, hoặc loại bỏ cái xấu. Mô hình ra đời, nhân rộng với mong muốn giúp người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật, định hướng ý nghĩ, hành động hướng đến những điều tích cực và cùng nhau chung sức xây dựng làng quê giàu đẹp, yên bình", ông Toàn bày tỏ.
Theo ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai, hiện nay ở Gia Lai, tình hình TNGT xảy ra ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lớn, số vụ TNGT liên quan đến con em, người dân người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ còn cao. Vì thế, làm thế nào để ngăn ngừa, kéo giảm TNGT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung là vấn đề hết sức bức thiết, đầy trăn trở của cả hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai.
"Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT mang lại hiệu quả tích cực. Với mô hình "ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh" ngày càng được nhân rộng tại các thôn, làng huyện Chư Pưh có thể xem là một cách làm hay nhằm kéo giảm TNGT, đảm bảo TTATGT, ANTT. Từ những kết quả mang lại, Ban ATGT khuyến khích các địa phương trong toàn tỉnh Gia Lai nhân rộng, triển khai áp dụng phù hợp với các điều kiện đặc thù của mình", ông Dũng nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.