Gia Lai: Nhiều dấu hiệu bất thường ở dự án xây dựng chợ Ia Le

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Xã hội 30/12/2021 08:46

Chợ Ia Le xây dựng 5 năm không xong nhưng chính quyền địa phương đã vội vã tổ chức bán đấu giá khu đất quanh chợ.


Tiểu thương cầu cứu

Thời gian qua, hàng trăm tiểu thương chợ Ia Le (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) liên tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng về nhiều dấu hiệu bất thường trong việc xây dựng chợ mới Ia Le.

20211222_103547
Hàng trăm tiểu thương buôn bán ở chợ Ia Le bức xúc bởi việc chậm trễ thi công dự án chợ

Theo bà con tiểu thương, chợ Ia Le được hình thành từ những năm 1990 khi người dân nhiều tỉnh thành đến xã Ia Le lập nghiệp. Nơi đây vốn là khu đất hoang được bà con cải tạo lại, dựng chợ để buôn bán, trao đổi hàng hoá. Đến năm 1995, UBND xã Ia Le ký hợp đồng cho người dân thuê đất buôn bán. Kể từ đó, chợ ngày càng phát triển, quy mô lên đến hơn 150 gian hàng.

Năm 2017, UBND xã Ia Le thông báo đến tiểu thương việc xây dựng chợ mới. Chính quyền yêu cầu người dân tự tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cùng lời hứa sẽ hoàn thành chợ trong 2 năm. UBND xã cam kết các tiểu thương sẽ được ưu tiên đấu giá ki-ốt khi hoàn thành chợ mới.

“Họ thông báo và yêu cầu chúng tôi di dời đến chợ tạm cách chợ cũ khoảng 4 km. Nhiều tiểu thương chưa kịp di dời thì đã bị rào chợ”, tiểu thương Bùi Thị S. chia sẻ.

Theo bà S., quyết định xây dựng chợ các tiểu thương không được trưng cầu ý kiến. Mô hình chợ cũng không được các tiểu thương thông qua. “Chúng tôi phải chuyển đến buôn bán tại 1 chợ tạm cách đó khoảng 4km. Đây là khu đất trống nên đường vào rất khó khăn. Mùa mưa đường trơn trượt, nhão nhoét còn mùa nắng thì bụi bay mù trời", bà S. phân trần.

20211222_103346
Nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ tạm lo âu trước nhiều vấn đề tiềm ẩn rủi ro

Do là chợ tạm nên bà con tiểu thương xây dựng tạm bợ, chỉ có gỗ và phông bạt. Cả chợ không có một trụ phòng cháy chữa cháy nào nên bà con rất lo lắng”, tiểu thường Hoàng Thị H. bức xúc.

Các tiểu thương chợ Ia Le cho hay, vì tin tưởng cam kết của chính quyền sẽ hoàn thành chợ mới trong 2 năm nên việc buôn bán luôn tạm bợ và đã kéo dài đến năm thứ 5. Đặc biệt, các tiểu thương đăng rất bức xúc khi chợ mới được xây dựng theo mô hình chợ lồng. Chợ có 2 tầng, phức tạp. 

“Mô hình này không phù hợp với chợ cấp xã nên chúng tôi kiến nghị chính quyền nghiên cứu lại quy mô, hình thức chợ. Mong khi chợ hoàn thành thì chính quyền tạo điều kiện cho các tiểu thương đấu giá ki-ốt với giá cả ưu đãi vì tình hình kinh tế khó khăn”, đơn cứu xét của bà con tiểu thương bày tỏ.

Chính quyền nói gì?

Đặc biệt, các tiểu thương bày tỏ thắc mắc khi việc xây dựng chợ chưa hoàn thành nhưng chính quyền huyện Chư Pưh đã tổ chức đấu giá đất quy hoạch xung quanh chợ với mục đích đất ở lâu dài.

Theo đó, các tiểu thương cho rằng, việc đấu giá khi chợ chưa hoàn thành khiến họ không đủ tiềm lực kinh tế để tham gia đấu giá. Những người đấu giá thành công đến từ các địa phương khác và cố tình đẩy giá đất lên cao để trục lợi.

20211222_111936
Tại buổi làm việc với PV, lãnh đạo xã Ia Le bình thản cho rằng, giấy tờ liên quan đến dự án chợ (có vốn đầu tư nhiều tỷ đồng) bị thất lạc do lâu năm

Liên quan đến phản ánh của các tiểu thương, ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh) cho biết, kế hoạch xây dựng chợ là chủ trương của UBND huyện. Ông Việt cho rằng, những phản ánh của người dân chưa đúng bản chất. 

“Chúng tôi đã có thông báo di dời từ năm 2017 đến các tiểu thương. Phương án xây dựng chợ cũng đã có họp bà con để lấy ý kiến về mô hình”, ông Việt cho biết.

Tuy nhiên, ông Việt không đưa ra được biên bản họp dân, thông báo di dời chợ như khẳng định và cho biết lý do là “lâu quá nên thất lạc”. Ngoài ra, ông Việt cho hay, chính quyền xã không liên quan đến việc tổ chức đấu giá đất xung quanh chợ mà do UBND huyện Chư Puh.

Ông Việt cho hay, đơn cứu xét của người dân đã được UBND huyện tiếp nhận và chính quyền xã trong thời gian tới sẽ tổ chức đối thoại với các tiểu thương.

Ý kiến của bạn

Bình luận