Tưởng rằng tình thế khan hiếm nguồn cung bán dẫn do đại dịch Covid-19 khiến các hãng xe rơi vào thế khó. Thế nhưng Ford, General Motors (GM) và nhiều hãng xe vẫn thu về những khoản lợi nhuận lớn. Vì thế, ngay cả khi cuộc khủng hoảng chip hạ nhiệt, nguồn cung xe vẫn tiếp tục khan hiếm và giá bán duy trì ở mức cao.
Cox Automotive cho biết, số tiền mà người dân Mỹ hiện đang phải trả góp trung bình hàng tháng khi mua xe ô tô đang tăng lên mức kỷ lục 777 USD, gần gấp đôi so với cuối năm 2019. Số tiền này gần bằng 1/6 thu nhập sau thuế trung bình của các hộ gia đình Mỹ. Ngay cả thanh khoản cho những chiếc xe đã qua sử dụng cũng tăng trung bình lên tới 544 USD một tháng.
Không chỉ tại Mỹ, nơi lạm phát là một vấn đề nhức nhối, mà cú sốc ô tô tăng giá còn đang lan rộng đến châu Âu. Ở châu lục này, giá cũng đang ở mức kỷ lục. Trong khi đó tại Nhật Bản, giá ô tô đã qua sử dụng tăng vọt vào năm ngoái. Tại Trung Quốc, chiến dịch đẩy mạnh sử dụng xe điện đồng nghĩa với việc người tiêu dùng cũng phải trả nhiều tiền hơn khi mua ô tô.
Vì sao giá xe ô tô lại tăng cao ở nhiều thị trường lớn như vậy? Theo Bloomberg, gốc rễ của vấn đề nằm ở "câu thần chú mới" của các nhà sản xuất ô tô: sản xuất ít hàng hơn và tăng giá bán. Đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng thiếu chip bán dẫn xảy ra trên toàn cầu, quá trình sản xuất ô tô bị tê liệt, xe khan hiếm, giá tăng, người mua xe phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí cả năm mới có xe. Tưởng rằng tình thế này khiến các hãng xe gặp khó. Nhưng Ford, General Motors và các đối thủ nước ngoài của họ lại thu được lợi nhuận lớn nhờ tình huống trên. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng chip có dấu hiệu giảm bớt, họ vẫn cam kết tiếp tục khan hàng, duy trì sản xuất trong tầm kiểm soát, và giá xe không có dấu hiệu hạ nhiệt so với khi khan hiếm nguồn cung chip.
Giá xe điện đang đắt hơn khoảng 25% so với xe xăng nên việc chuyển sang sử dụng xe điện càng khiến cuộc khủng hoảng giá thậm chí còn tồi tệ hơn. Thêm vào đó, lãi suất tăng vọt, những chiếc ô tô mới đang nhanh chóng trở thành phương tiện dành cho những người giàu có.
Giá trung bình cho một chiếc xe mới ở Mỹ đã tăng lên gần 50.000 USD, tăng 30% kể từ năm 2019, theo JPMorgan. Mặc dù giá đã giảm phần nào trong những tuần gần đây khi sản xuất phục hồi, nhưng mức giảm không đủ để hầu hết người tiêu dùng thoải mái mua một chiếc ô tô mới. Trong khi đó, giá trung bình của một chiếc ô tô đã qua sử dụng hiện ở mức khoảng 27.000 USD, theo dữ liệu của Cox.
Các nhà sản xuất đang thu được lợi ích từ việc bán ít xe hơn nhưng đắt hơn. Năm ngoái, các hãng xe bán được khoảng 13 triệu xe tại Mỹ, giảm 8% so với năm 2021 và thấp nhất trong một thập kỷ. Nhưng lợi nhuận gộp của Ford đã tăng 4,4% vào năm 2022 so với một năm trước đó, trong khi thu nhập đã điều chỉnh của GM tăng khoảng 200 triệu USD lên 14,5 tỷ USD. Lợi nhuận một số nhà sản xuất dự kiến sẽ thu hẹp trong năm nay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu.
Trong khi đó, tại châu Âu, giá ô tô mới đang ở mức cao nhất mọi thời đại và vẫn tiếp tục tăng, theo dữ liệu từ ING Research. Tình trạng thiếu xe đẩy giá xe đã qua sử dụng tại Nhật Bản tăng cao trong năm ngoái. Suy thoái kinh tế của Trung Quốc kìm hãm giá cả, nhưng người dân các thành phố lớn lại gặp khó khăn khi đăng ký xe xăng do chính quyền thúc đẩy xe điện, loại xe có giá đắt hơn.
Sau khi hưởng lợi từ việc khan hiếm chất bán dẫn vừa qua, các nhà sản xuất ô tô đã học được cách kinh doanh mới: kiểm soát sản xuất để đảm bảo số xe tồn kho thấp. Đây là một thay đổi lớn so với mô hình kinh doanh của ngành sản xuất ô tô trong nhiều thập kỷ. Đó là vận hành các nhà máy hết công suất và sau đó sử dụng chiết khấu sâu để bán hàng. Tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô thường lưu kho từ 60 đến 100 ngày. Ngày nay, các nhà sản xuất đang nhắm mục tiêu lưu kho khoảng một nửa thời gian đó để giảm chi phí và giữ giá xe cao.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại mức tồn kho như trước đây", Giám đốc điều hành GM, bà Mary Barra, nói với các nhà đầu tư vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley, cho biết ông không muốn trả hàng tỷ USD cho hàng tồn kho hoặc giảm giá và triển khai các ưu đãi khác để giảm tải. Toyota và Nissan cũng tuyên bố sẽ thực hiện chiến lược tương tự.
Những người muốn mua ô tô mới với mức giá bình dân hầu như có khá ít lựa chọn. Và các mẫu xe rẻ hơn khan hiếm có nghĩa là nhiều xe mới đang được những người tiêu dùng giàu có sở hữu. Theo công ty tư vấn AlixPartners, các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 150.000 USD chiếm gần 30% thị trường, tăng từ 22% vào năm 2016.
Xu hướng của thị trường ô tô là ngày càng có nhiều người giàu mua xe hơn. Những thành phần dưới của thị trường đã bị loại bỏ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.