Giá ôtô đắt đỏ khiến người Singapore cố dùng xe thật nhiều

Doanh nghiệp 23/01/2019 12:00

Để bù lại việc mua xe quá tốn kém, người Singapore đang tận dụng tối đa những chiếc ôtô mà họ sắm được.


 

Giá ôtô đắt đỏ khiến người Singapore cố dùng xe th
Ôtô trên đường phố tại Singapore. Ảnh: CNN

Chi phí sở hữu ôtô ở Singapore hiện là một trong những nơi đắt nhất trên thế giới. Tại đây, người mua xe mới phải tham gia đấu thầu để có Giấy phép sử dụng ôtô (Certificate of Entitlement - COE,) được tổ chức hai lần mỗi tháng.

Phí COE cho một chiếc xe nhỏ là 25.920 đôla Singapore (khoảng 19.000 USD) và có thể dao động tùy theo cung cầu. Năm ngoái, chính phủ Singapore cho biết sẽ "đóng băng" số lượng phương tiện trên đường nên phí COE lại còn tăng lên. Chưa hết, người mua xe phải tốn thêm phí đăng kí bổ sung (ARF).

Các biện pháp nghiêm ngặt để giải quyết tắc nghẽn giao thông ở Singapore đã được nhiều quốc gia nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu cụ thể nào đánh giá hiệu quả của chi phí mua xe đến tắc nghẽn giao thông.

Gần đây, một nghiên cứu của Trường Kinh doanh - Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang công bố trên tạp chí Khoa học Quản lý Quốc tế cho biết, giá xe hơi tăng có hậu quả khôn lường trong việc kích thích những người tài xế. Nói cách khác, những người mua xe cho rằng vì đã trả rất nhiều tiền để sở hữu nên họ sử dụng nó tối đa.

Để đánh giá tác động của chi phí sở hữu xe đối với việc sử dụng, nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 8.264 chiếc xe của một thương hiệu cụ thể, được bán tại Singapore từ năm 2000 đến 2013. Khi mỗi chiếc xe được bảo dưỡng, họ theo dõi số km đã đi và phân tích nó với chi phí sở hữu và tình trạng tắc nghẽn.

Kết quả, nhóm nghiên cứu thấy rằng mọi người lái xe nhiều hơn khi họ mua chiếc xe hơi với giá cao hơn, bởi chi phí COE và ARF tăng. Ngay cả những người lái xe lâu năm và giàu có, kết quả cũng như thế.

Giáo sư Ivan Png của Trường Kinh doanh - Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói rằng, phát hiện này cũng giúp nhóm nghiên cứu hiểu sâu hơn về các tình huống khác mà người tiêu dùng và doanh nghiệp cảm thấy cần phải bảo vệ hoặc tối đa hóa khoản đầu tư của họ bằng mọi giá.

Ví dụ, nếu một người bỏ tiền ra đánh bạc mà bắt đầu thua thì họ có rời đi hay tiếp tục chơi? Theo nghiên cứu, hầu hết có khả năng sẽ ở lại và tin rằng thật lãng phí nếu bỏ đi, mặc dù việc ở lại có thể sẽ tốn tiền hơn.

Hiện tượng này cũng có thể trở thành một vấn đề cho các doanh nghiệp. Đôi khi nó còn được gọi là "Sự sụp đổ Concorde", liên quan đến câu chuyên chính phủ Anh và Pháp từng cố tài trợ phát triển máy bay Concorde ngay cả sự thật là dòng máy bay này không còn giá trị kinh tế.

Hay như câu chuyện cựu CEO General Electric - Jeff Immelt từng bị chỉ trích vì ở lại vị trí lãnh đạo quá lâu, đến 16 năm nhưng hiệu suất giảm dần. "Các CEO cần phải tự hỏi liệu họ có còn đạt được mục tiêu mà họ đặt ra cho công ty hay chỉ gắn bó về mặt cảm xúc với những gì họ đã đầu tư về thời gian, tiền bạc và danh tiếng", giáo sư Ivan Png nói.

Riêng trường hợp về thị trường ôtô Singapore, bằng cách giữ quyền sở hữu xe  cực kỳ tốn kém và hạn chế số lượng xe trên đường, nước này đã tránh được tình trạng kẹt xe ồ ạt như tại các thành phố khác trên thế giới. Nhưng vẫn có thực tế khác là người có thể mua xe tại đây sẽ không muốn rời khỏi nhà mà không lái ôtô.

Rất may, chính phủ Singapore đã nhận ra nguy cơ của việc dựa vào chi phí sở hữu xe hơi cao để quản lý tắc nghẽn, Thay vào đó, họ đã tiến hành giảm thuế xe và chuyển sang giải pháp thu phí mới.

Cụ thể, từ năm 2020, Singapore sẽ triển khai một hệ thống thu phí đường bộ tinh vi mới. Hệ thống sử dụng GPS để tính số tiền mà tài xế phải trả, dựa trên khoảng cách, thời gian, địa điểm và phương tiện. Các tài xế sẽ nhận được thông tin theo thời gian thực về chi phí và mật độ giao thông trên đường.

Ý kiến của bạn

Bình luận