Giá ôtô nhập khẩu sẽ tăng mạnh?

Sau nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước, mới đây Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng thay đổi trị giá tính thuế của ôtô nhập khẩu.


Như vậy, giá xe nhập khẩu dự kiến sẽ tăng khoảng 5-10% tuỳ loại, trong khi theo lộ trình đến đầu 2016 thuế nhập khẩu mới giảm 10%. Thay đổi này đẩy giấc mơ ôtô giá rẻ của người tiêu dùng thêm xa.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính chỉ ra khác biệt: Đối với xe sản xuất trong nước, trị giá tính thuế được tính trên giá bán ra, tức là đã bao gồm giá thành, chi phí bán hàng và lãi của nhà sản xuất. Đối với xe nhập khẩu, trị giá tính thuế đang được tính là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên cộng với thuế nhập khẩu, chưa tính chi phí bán hàng và lãi của nhà nhập khẩu.

Theo Bộ này, “quy định trên được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua và trong thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc”. Tuy nhiên, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ôtô theo các cam kết quốc tế (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cho rằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu chưa bảo đảm công bằng.

Ôtô nhập khẩu sẽ bị đánh thuế mạnh. Ảnh: Duy Tín.

Ôtô nhập khẩu sẽ bị đánh thuế mạnh. Ảnh: Duy Tín.

Tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì hồi tháng 4, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO Trường Hải đã từng nhắc đến vấn đề này. Theo đó, ông Dương cho rằng thuế TTĐB tính cho xe nguyên chiếc “có nhiều lỗ hổng và chưa đúng khung” và đề xuất nên tính thuế theo giá bán buôn của DN nhập khẩu, sẽ hạn chế được gian lận thương mại, chuyển giá khi tính giá thuế. Một phương án khác được một số DN kiến nghị là tính thuế xe lắp ráp trong nước trên bộ linh kiện nhập về, tức là những gì được sản xuất trong nước sẽ không bị tính thuế để khuyến khích các DN nội địa hoá. Tất nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của DN nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện nhà nhập khẩu Audi tại Hà Nội cho rằng cách tính thuế hiện nay “rất công bằng”, vì xe nhập khẩu tính trên giá CIF, đã bao gồm chi phí vận chuyển, chi phí marketing tại hãng và cả chi phí mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Nếu tính thuế xe trong nước trên bộ linh kiện thì với xe nhập khẩu phải tính trên giá xuất xưởng tại nước đó mới là công bằng. Tuy nhiên phương án này khó được chấp nhận, bởi nó dẫn đến kết quả… giảm thu của nhà nước.

Cũng tại cuộc họp đó, ông Lưu Đức Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị này, vì Luật thuế TTĐB đã quy định rõ trị giá tính thuế là giá bán ra (đã có thuế nhập khẩu, VAT và thuế Bảo vệ môi trường), quy định cả với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Ôtô nhập khẩu sẽ bị đánh thuế mạnh.

Ôtô nhập khẩu sẽ bị đánh thuế mạnh.

Theo Bộ Tài chính, hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng về hình thức để tối đa hóa lợi nhuận, như thành lập công ty con tại Việt Nam của các hãng nước ngoài, thành lập liên doanh… và các đơn vị này đều thực hiện đầy đủ hoạt động phân phối, xúc tiến thương mại và cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì, sửa chữa hàng hóa tại Việt Nam. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế TTĐB đối với ôtô dưới 24 chỗ ngồi như hiện hành thì khi thuế nhập khẩu cắt giảm về mức 0%, hàng nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với sản xuất, lắp ráp trong nước. Do đó, dù tiên liệu sẽ dẫn đến phản ứng từ một số nhà nhập khẩu ôtô (và trên thực tế, đại diện các nhà nhập khẩu xe chính hãng tại Việt Nam: Audi, BMW, Porsche, Renault, Subaru, Volkswagen cũng đã có ý kiến đề nghị giữ như hiện hành), thì Bộ Tài chính vẫn kiến nghị Chính phủ thay đổi. Với cách tính hiện nay, một chiếc ôtô nhập về giá CIF là 10.000 USD, thuế nhập khẩu 50% là 5.000 USD, thuế TTĐB 50% là 7.500 USD, thuế VAT 10% là 2.250 USD, nên giá đến tay người tiêu dùng là 24.750 USD, chưa kể lãi và chi phí của nhà nhập khẩu. Nếu thay đổi trị giá tính thuế TTĐB sẽ khiến giá xe nhập còn tăng cao hơn nữa, lên từ 5–10% tuỳ loại.

Vậy động thái này của Bộ Tài chính có phải là một gáo nước tạt vào kỳ vọng được mua ôtô giá rẻ của người tiêu dùng không? Ông Trần Bá Dương từng cho biết: Theo nghiên cứu của DN này, đến 2018, DN trong nước bắt buộc phải cắt giảm 20% giá ở tất cả các khâu mới mong tồn tại (trong khi thuế nhập khẩu giảm đến 50%). Như vậy có thể thấy là DN trong nước nhận định giá ôtô sẽ giảm vào 2018, chủ yếu do thuế linh kiện nhập khẩu giảm và chi phí lắp ráp giảm (vì quy mô thị trường lớn hơn sẽ giúp giảm chi phí), chứ khó kỳ vọng vào giảm thuế nhập khẩu.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ là 50% vào năm 2015; giảm dần 10% mỗi năm, xuống 40% vào 2016; 30% vào 2017 và về 0% vào 2018.

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) từng cho biết: Về nguyên tắc, khi thuế nhập khẩu giảm thì giá sẽ giảm, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng điều kiện xuất xứ của ôtô nhập khẩu và cung cầu của thị trường. Mặt khác, khi trả lời về phương án cân đối ngân sách khi nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm, vị này cũng cho biết “thuế nhập khẩu chỉ là một trong 4 loại thuế thu từ hoạt động nhập khẩu, gồm cả thuế TTĐB, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường”.

Cùng với xu thế tiếp tục giữ bảo hộ để phát triển ngành sản xuất ôtô trong nước theo chiến lược đã được phê duyệt, khó có thể kỳ vọng về những cú giảm giá xe đột phá.

Theo Công an nhân dân

Ý kiến của bạn

Bình luận