Gia tăng bán vũ khí, khí tài, UAV: Chiến lược sống còn của nước Mỹ

Tác giả: SOHA

saosaosaosaosao
Ứng dụng 25/01/2018 14:47

Gia tăng bán vũ khí, khí tài quân sự phù hợp với triết lý của Tổng thống Donald Trump “Kinh doanh phải là kinh doanh”.

photo1516841271479-15168412714801685972802

Một kỹ sư đang kiểm tra máy bay không người lái Predator của Mỹ. Ảnh: Fortune.

Chính phủ Mỹ để mắt đến việc nới lỏng quy định bán vũ khí

Trong thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ ý định nới lỏng các quy định bán vũ khí cho nước ngoài. Sự thay đổi trong chính sách xuất khẩu vũ khí này được cho là phù hợp với triết lý của nhà lãnh đạo Mỹ "Kinh doanh phải là kinh doanh".

Việc bán vũ khí cho nhiều quốc gia khác như Saudi Arabia, Singapore, Iraq ngoài những đồng minh truyền thống trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhật Bản, Hàn Quốc...cho thấy Mỹ đang để mắt đến việc mở rộng thị trường, nhằm giữ vững vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Gia tăng bán vũ khí, khí tài quân sự phù hợp với những cam kết Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử về việc thúc đẩy kế hoạch "Mua hàng Mỹ", tăng bán hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài để giảm thâm hụt thương mại đang ở mức cao kỷ lục trong 6 năm qua.

Hồi đầu tháng 1, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp hoàn tất một kế hoạch mới đẩy mạnh bán vũ khí, khí tài quân sự, yêu cầu các tùy viên quốc phòng và nhân viên ngoại giao tích cực tham gia hoạt động xúc tiến xuất khẩu vũ khí Mỹ.

Với sáng kiến trên, Mỹ sẽ xuất khẩu mọi loại vũ khí, từ máy bay tiêm kích và máy bay không người lái tới tàu chiến và pháo. Dự kiến, kế hoạch sẽ được khởi động vào tháng 2 tới.

Những người ủng hộ cho rằng, kế hoạch mới sẽ giúp chính phủ đẩy mạnh ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí và tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong khi những người phản đối nhận xét nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí sẽ đe dọa sự ổn định của các luật lệ kiểm soát xuất khẩu vũ khí có từ nhiều năm qua.

Thiết bị bay không người lái – mặt hàng tiềm năng

Trong số các loại vũ khí đang được xem xét nới lỏng quy định xuất khẩu, Mỹ đặc biệt quan tâm đến hệ thống vũ khí tự động, đặc biệt là thiết bị bay không người lái (UAV). Theo đánh giá của Reuters năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ tìm cách đảo ngược chính sách xuất khẩu loại khí tài quân sự này.

Dưới thời các chính phủ tiền nhiệm từ cựu Tổng thống George W. Bush tới cựu Tổng thống Barack Obama, việc mua bán và xuất khẩu thiết bị không người lái dù có trang bị vũ khí hay không, đều bị hạn chế.

Chỉ những đồng minh thân cận như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc nằm trong danh sách được phép tiếp cận.

Đến năm 2015, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã tìm cách sửa đổi một số chính sách hiện tại của Mỹ, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng ngành công nghiệp vũ khí đang bị kiểm soát quá chặt chẽ, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là mặt hàng thiết bị bay không người lái.

Động lực nào?

Thời gian qua, các quốc gia khác, ngoại trừ đồng minh của Mỹ được đề cập ở trên, đều gặp khó khăn trong việc mua những thiết bị bay không người lái được trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất. UAE và Jordan dù rất quan tâm đến loại vũ khí này song cũng khó có được hợp đồng mua bán do những quy định hạn chế dưới thời cựu Tổng thống Obama.

Các nhà phân tích cho rằng, với sự điều hành của Tổng thống Donald Trump, những hạn chế trong chính sách xuất khẩu vũ khí từ các chính phủ tiền nhiệm có thể được dỡ bỏ, mở đường cho Mỹ tìm kiếm thêm được nhiều hợp đồng béo bở và tăng doanh thu cho ngành công nghiệp vũ khí.

Ngoài tăng doanh thu, nhiều nguyên nhân khác khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết tâm thay đổi chính sách xuất khẩu vũ khí hiện hành. Trước hết, chính sách này đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế hiện tại, bởi ra đời và được thực hiện cách đây 15 năm khi Mỹ là quốc gia đầu tàu trong phát triển thiết bị bay không người lái.

Sự cạnh tranh trên thị trường khi đó không gay gắt như hiện nay. Hơn 1 thập kỷ rưỡi trôi qua, đã có rất nhiều biến động xảy ra trong môi trường quốc tế. Không chỉ có Mỹ, mà Nga, Ấn Độ, thậm chí Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại máy bay không người lái hiện đại, tham gia vào cuộc đua tranh giành hợp đồng mua bán UAV.

Nhu cầu sử dụng thiết bị bay không người lái ngày càng gia tăng trên thị trường toàn cầu bởi đây là công cụ hữu ích trong cuộc chiến chống khủng bố, các nhóm cực đoan, hoặc đảm bảo an ninh quốc gia. Danh sách các quốc gia sử dụng máy bay không người lái liên tục được mở rộng và các cuộc không kích bằng máy bay không người được thực hiện hàng ngày hàng giờ.

Việc xuất khẩu thiết bị bay không người lái đã chứng minh một lĩnh vực kinh doanh đem lại lợi nhuận cao và nước Mỹ đã từng làm rất tốt công việc này.

Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, để không mất vị trí dẫn đầu trong thị trường vũ khí toàn cầu, chính phủ Mỹ ngoài việc tăng cường nghiên cứu và phát triển các loại thiết bị bay không người lái hiện đại phải có chiến lược và sự thay đổi phù hợp trong chính sách xuất khẩu vũ khí. Và những kỳ vọng này chỉ có thể trông đợi vào nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump.

Ý kiến của bạn

Bình luận