Gia tăng dân số cơ học: Bài toán khó trong giải quyết ùn tắc

Tác giả: Phương Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 27/07/2016 05:20

Áp lực dân số luôn là một bài toán khó đối với giao thông không chỉ ở Việt Nam mà còn là tình trạng chung của nhiều quốc gia đông dân khác trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ... Sự gia tăng dân số gây áp lực rất lớn đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là GTVT. 

IMG_1788
Sự gia tăng dân số gây áp lực rất lớn đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là GTVT

Bài học từ Trung Quốc và Ấn Độ

Nhắc đến giao thông Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vấn nạn tắc đường. Với dân số hơn 1,34 tỷ người, tắc đường đã trở thành “đặc sản” của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Một minh chứng cho tình trạng giao thông tồi tệ ở Trung Quốc chính là vụ tắc đường lịch sử xảy ra vào tháng 10 năm ngoái. Kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 1 tuần, hàng trăm triệu người trở lại Bắc Kinh khiến cho đường cao tốc G4 Bắc Kinh - Hồng Kông - Ma Cao rộng tới 50 làn vẫn bị ùn tắc nghiêm trọng trong suốt nhiều giờ liền. Hàng vạn xe ô tô phải xếp hàng dài chờ qua trạm kiểm soát vào thành phố. Những vụ tắc đường khủng khiếp như trên không phải là điều hiếm hoi ở Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó dân số quá đông chính là nguyên nhân cơ bản nhất.

Giống như nhiều thành phố lâu đời khác trên thế giới, hầu hết các thành phố ở Trung Quốc không được thiết kế để đáp ứng lượng dân số lớn ngay từ ban đầu, chẳng hạn như theo báo cáo của Sở Thống kê TP. Bắc Kinh thì hiện nay thành phố này có hơn 20 triệu dân. Hơn nữa, nhiều người dân Trung Quốc coi ô tô là một biểu tượng thể hiện địa vị xã hội, chứ không chỉ là một phương tiện di chuyển đơn thuần. Họ mua xe để chứng tỏ rằng họ có đủ khả năng mua nó trong khi chưa chắc đã thực sự cần thiết, nhưng một khi đã mua rồi thì buộc phải sử dụng. Quan niệm này khiến cho số lượng phương tiện mới trên đường phố Trung Quốc tăng lên chóng mặt. Theo thống kê của Ủy ban Giao thông TP. Bắc Kinh, cách đây hơn 1 thập kỷ, lượng phương tiện ở Trung Quốc chưa đến 2 triệu nhưng chỉ sau 10 năm, con số này đã tăng lên hơn 5 triệu, gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông nước này.

Tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới cũng đang phải chịu nhiều áp lực vì dân số quá đông. Theo dự báo của World Bank, với tốc độ gia tăng 1,6%/năm, Ấn Độ có thể sẽ “soán ngôi” Trung Quốc trên mặt trận đông dân vào năm 2050. Lượng phương tiện ở Ấn Độ cũng gia tăng rất nhanh khi nhu cầu mua xe của người dân ngày càng lớn. Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Ấn Độ cho biết, doanh số xe hơi mới đã tăng từ 1,8 triệu chiếc/năm và dự báo con số này sẽ đạt đến 4 triệu chiếc vào năm 2016. Đây là điều không ai mong muốn trong bối cảnh đường sá hiện nay, khi mà trung bình người dân phải mất từ 45 phút đến 1 giờ để đi chặng đường dài 25km từ ngoại ô New Delhi vào trung tâm thành phố qua một tuyến đường cao tốc 8 làn xe. 

Nhằm giải quyết tình trạng UTGT, Chính phủ Ấn Độ đã tìm mọi cách để tăng thu hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông với mục tiêu xây 7.000km đường mới mỗi năm, tức là trung bình phải xây được 20km/ngày. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng đường mới hiện nay chỉ đạt 9km/ngày. Mặt khác, ông Pankaj Sharma - một chuyên gia về giao thông ở New Delhi cho rằng, việc xây thêm đường mới chỉ là giải pháp tình thế, bởi tốc độ tăng trưởng của cơ sở hạ tầng không bao giờ theo kịp sự gia tăng của lượng người sở hữu xe cộ ở Ấn Độ nên giao thông có xu hướng ngày càng tệ hơn.

Việt Nam còn nhiều bất cập

Những năm gần đây, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai điểm nóng UTGT khiến dư luận không khỏi bức xúc. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là áp lực từ việc gia tăng dân số, nhất là trong khu vực nội thành.

Theo số liệu từ Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội thì hiện tại, mật độ dân số trung bình của Hà Nội cao hơn nhiều so với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 2.100 người/km2). Trong khi đó, mật độ bình quân của các nước ASEAN chỉ từ 100 - 200 người/km2, ở Indonesia khoảng 124 người/km2, Myanmar là 88 người/km2, Thái Lan là 130 người/km2, Philippines là 124 người/km2… Nếu so với mật độ trung bình của cả nước thì mật độ của Hà Nội cao gấp 8 - 9 lần. Còn TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 7,8 triệu người với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm thành phố tăng 208 ngàn người, gần bằng số dân một quận trung bình. Trong khi phương tiện giao thông cá nhân luôn tỷ lệ thuận với dân số, nghĩa là dân số tăng lên thì số xe cá nhân cũng tăng theo. Chính vì vậy, hiện tượng UTGT là không thể tránh khỏi. Nó là vấn đề đã, đang diễn ra và ngày càng gây bức xúc cho người dân tại hai thành phố này.

Tuy nhiên, UTGT ở hai thành phố này chỉ tập trung ở một số điểm, đó là những nơi đông dân cư và tập trung nhiều trường học, trung tâm thương mại, khu công nghiệp… Trong những năm qua, các bộ, ngành đã áp dụng nhiều biện pháp như mở rộng hạ tầng giao thông, di rời dân cư, hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy phát triển giao thông công cộng nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả, vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn khiến tình trạng UTGT vẫn diễn ra.

Cụ thể, tại Hà Nội, trước kia đường Láng Trung là đoạn nối giữa đường Liễu Giai và đường Trần Duy Hưng. Đây là một con đường nhỏ trong khi dọc tuyến đường này có nhiều trường đại học như Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Thanh Thiếu niên, Học viện Phụ nữ... nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Do đó, năm 1997, Nhà nước đã tiến hành di dân lấy đất mở đường thành con đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay. Sau khi đường Nguyễn Chí Thanh được xây dựng, tình trạng tắc đường được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên đến tháng 11/2015, khi khu Trung tâm thương mại Vincom xây dựng tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Chùa Láng được khánh thành, đi vào hoạt động thì tình trạng tắc đường lại diễn ra. Trung tâm thương mại này thu hút rất đông khách hàng đến mua sắm và giải trí, điều này khiến lưu lượng xe lưu thông qua đây đông lên rất nhiều và gây ra hiện tượng ùn tắc, đặc biệt là những ngày cuối tuần và giờ cao điểm.

Cũng như khu vực Nguyễn Chí Thanh - Chùa Láng, khu vực đầu đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cũng xảy ra tình trạng này kể từ khi khu đô thị Royal City được xây dựng. Điều đáng nói ở đây là tại sao các bộ, ngành xây dựng phương án di dời các trụ sở  cơ quan hành chính, trường đại học ra ngoại thành là giải pháp kéo giảm ùn tắc thì doanh nghiệp lại được phép xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại - những nơi tập trung đông người tại những điểm nóng giao thông như vậy?

Có thể thấy, dân số đông, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao đang là vấn đề phức tạp đặt ra với các khu đô thị. Giải quyết nhu cầu nhà ở cho một số lượng cư dân đông như vậy đã là khó, thế nhưng giải quyết bài toán về giao thông trong các đô thị này còn khó hơn nhiều. Hơn thế nữa, nếu công tác quy hoạch không đảm bảo sự hài hòa giữa hai yếu tố này thì cái giá mà chúng ta phải trả sẽ là rất lớn.

Ý kiến của bạn

Bình luận