Các hãng hàng không và đại lý cho hay giá vé máy bay không bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định hạ trần giá vé nội địa 4%. |
Đầu tuần này, Cục Hàng không vừa công bố quyết định điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách, sau khi giá nhiên liệu có xu hướng giảm liên tiếp thời gian gần đây. Mức giảm trung bình được đưa ra là khoảng 4%, áp dụng cho các hạng vé phổ thông theo 5 nhóm cự ly vận chuyển. Theo đó, vé một chiều trên các tuyến nội địa sẽ có giá tối đa 1,6-3,75 triệu đồng.
Tuy nhiên khảo sát tại các đại lý lớn tại Hà Nội và TP. HCM sau quyết định này cho thấy giá vé phổ thông cho các tuyến nội địa ít có sự điều chỉnh.
Rà lại một lượt website và các đầu mối phân phối tại hãng, anh Lâm - chủ một đại lý vé cấp một tại quận Đống Đa (Hà Nội) khẳng định việc hạ trần nêu trên không ảnh hưởng đến giá vé mà đại lý anh đang bán.
“Vé máy bay không phải chỉ có một loại giá cứng mà có đến hơn 10 mức khác nhau. Ví như quy định vé trần cho chặng cao nhất trong nội địa không vượt quá 3,75 triệu, song vé đắt nhất mà đại lý bán ra chỉ gần 3,3 triệu, nên việc giảm 4% không ảnh hưởng gì cả", anh giải thích.
Theo anh Lâm, đối với các đại lý lớn, không có chuyện mua của hãng giá một đồng rồi "hét" với khách hai đồng mà tất cả chênh lệch chỉ gói gọn trong 50.000–60.000 đồng phí đặt chỗ mà hãng cho phép đại lý được thu trên mỗi vé và tỷ lệ này vẫn chưa có gì thay đổi.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, các hãng đang cạnh tranh nhau rất lớn để đa dạng hóa các mức vé trên một chặng bay, nhằm giành khách với mức giá đang rất rẻ nên việc cơ quan quản lý yêu cầu giảm 4% thì “không thấm vào đâu”. “Chúng tôi đang có rất nhiều vé Hà Nội – TP. HCM trong tháng 9 chỉ 500.000 đồng, 350.000 đồng”, anh chia sẻ.
Chị Thu, chủ đại lý máy bay trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) cho biết, hơn tháng nay, thị trường hàng không giảm sút so với trước đó. Hầu hết các hãng đều tung ra khá nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu. Chẳng hạn như các chuyến Hà Nội–Đà Nẵng, Jetstar Pacific chỉ bán với giá 70.000 đồng chưa bao gồm thuế phí, còn Vietjet Air bán 149.000 đồng, Vietnam Airlines cũng chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau khi cộng tất cả thuế phí cho khách, chi phí phải trả chỉ dao động 450.000-700.000 đồng cho một chặng.
“Hầu hết giá vé hiện nay đều giảm 30-50% so với thời điểm trước 30/4. Nguyên nhân là sức mua giảm, lượng khách đi lại trong tháng 7 hạn chế. 4 đại lý của tôi trong tháng này cũng chỉ bán được khoảng 500 vé, đa phần là khách đặt đi dự hội nghị hoặc cưới hỏi chứ ít người đi du lịch, giảm 20% so với các tháng trước đó”, chị Thu chia sẻ.
Đại lý này còn cho biết, đối với vé hạng phổ thông mà không có chương trình khuyến mãi, giá cũng chưa có nhiều biến động. Chặng dài nhất là TP HCM – Hà Nội, giá vé Vietnam Airlines có cộng toàn bộ thuế phí đang ở mức gần 3,3 triệu đồng, còn Jetstar và Vietjet chênh khoảng 100.000 đồng. Mức này thấp hơn nhiều so với trần mà Cục Hàng không quy định. Do vậy, theo chị Thu, giá vé khó giảm tiếp và chỉ có thể tăng trong những tháng Tết sắp tới.
Cũng cho biết giá vé chưa có sự điều chỉnh, chị Hoa - chủ đại lý ở Tân Bình cho hay, sau 30/4 các hãng hàng không có tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, song đối với khách hàng lẻ, các hãng có tăng giá thêm vài chục nghìn đồng.
Cụ thể, Vietnam Airlines tăng 60.000 đồng cho một số chặng dài, còn Jetstar và Vietjet Air tăng khoảng 10.000 đồng. Đặc biệt đối với khách hàng mua vé online, phí xuất vé trước đây là 44.000 đồng thì nay tăng lên 55.000 đồng. “Dẫu mức vé có điều chỉnh so với trước 30/4 nhưng mức vé mà các hãng đang áp dụng đang thấp hơn giá trần khoảng 10-30%”, chị Hoa nhận định.
Trao đổi với PV, đại diện Vietnam Airlines cho biết, việc cơ quan quản lý yêu cầu điều chỉnh mới đây không làm ảnh hưởng đến giá vé thực tế của hàng, vốn thường được bản ở mức 70-85% so với trần.
“Gần đây khi giá xăng giảm, chúng tôi cũng đã tổ chức khá nhiều chương trình khuyến mãi bán với giá ưu đãi, các chặng nội địa có quãng đường ngắn cũng chỉ 700.000-800.000 đồng, còn chặng dài cũng chỉ 2,5-2,8 triệu đồng”, đại diện Vietnam Airlines giải thích.
Về phía Jetstar Pacific, đơn vị này cũng cho rằng, họ đang bán ở mức chỉ bằng 2/3 so với giá trần ở một số chặng ngắn. Bên cạnh đó, nhiều hình thức khuyến mãi khác, với mức giảm vài chục % đến siêu giảm giá cũng đã được tung ra. "Nếu có điều chỉnh thì hãng chỉ điều chỉnh mức giá cao nhất", đại diện này cho biết.
Còn với Vietjet Air, đại diện doanh nghiệp cho biết chính sách bán vé phụ thuộc nhiều vào cung cầu trên thị trường, nên khi lượng khách giảm, giá sẽ được điều chỉnh và ngược lại. "Mặt khác, nếu trước đây mỗi hãng chỉ có 2-3 mức giá thì này có tới hơn chục mức giá cho một đường bay để cạnh tranh", vị này cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.