Một số đại lý kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM thay biển giá mới lúc 15 giờ ngày 26.10 - Ảnh: Thanhnien.vn |
Từ 14 giờ hôm qua 26/10, Liên bộ Công thương - Tài chính công bố bảng điều chỉnh giá xăng dầu mới, Bộ Công thương đưa ra bản tin cập nhật tình hình nhiên liệu thế giới, trong đó nhấn mạnh thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt” đang gây sức ép giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Đến 15 giờ cùng ngày, Liên bộ công bố giá bán lẻ xăng E5RON92 trong nước tăng 1.427 đồng/lít lên 23.110 đồng/lít, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014; xăng RON95 tăng thêm 1.459 đồng/lít lên 24.338 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel tăng 8,48%, dầu hỏa tăng 7,39% so với kỳ trước.
Việc giá xăng dầu lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay và là kỳ thứ 5 tăng liên tục đang gây áp lực quá lớn lên đà phục hồi của ngành vận tải. Ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty TNHH MTV vận tải Ninh Quỳnh (Lạng Sơn) cho biết, hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35-40% giá cước vận tải hàng hóa. Nguyên tắc của tính cước vận tải là nếu giá xăng dầu tăng hoặc giảm 10% thì cước vận tải sẽ phải điều chỉnh 3% - 4% tương ứng. Tuy vậy, không phải cứ giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp có thể điều chỉnh cước phí vận tải ngay lập tức, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi vận tải khách vừa mở lại sau gần 4 tháng giãn cách hầu khắp cả nước. Nhiều đơn vị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tăng giá thì dễ mất khách hàng, không tăng thì chịu lỗ do sức ép từ giá xăng dầu lên chi phí đầu vào.
"Thời điểm này vận tải hành khách vừa mới được khôi phục lại một thời gian dài nghỉ dịch, lượng khách ít ỏi, cùng với tâm lý hành khách còn e dè, hạn chế đi lại, nên nếu doanh nghiệp điều chỉnh cước vận tải có thể mất khách. Để thích ứng tồn tại trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm chi phí tối đa để giữ giá cước, trước sức ép giá nhiện liệu tăng”, ông Ninh nói.
Để giữ khách trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp vận tải không dám tăng giá cước dù giá xăng dầu tăng mạnh. |
Chia sẻ với Tạp chí GTVT trước thực trạng giá xăng liên tục tăng phi mã gây sức ép lớn đối với ngành vận tải, ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho biết, việc tăng giá xăng, dầu lần này làm cho doanh nghiệp đã khó càng khó thêm. 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng vận tải hành khách sụt giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp vận tải đang tập trung khôi phục hoạt động thì lại chịu sức ép của giá xăng dầu.
Giá xăng bất ngờ tăng cao, cũng khiến các tài xế xe taxi “đau đầu”. Anh Nguyễn Thành Hưng - lái xe taxi G7 Hà Nội than thở, giá xăng tăng mạnh khiến giới tài xế taxi gặp nhiều khó khăn, khi mỗi tháng sẽ phải chi thêm cả triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với những gia đình lao động bình thường. Hiện, mỗi ngày anh Hưng kiếm được khoảng vài trăm nghìn đồng cũng khá khó khăn nhưng phải trả gần 20% cho phía hãng. Trừ tiền xăng khoảng 200.000 đồng/ngày, khấu hao xe, phí bảo trì đường bộ,…còn tài xế chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng. Thế nhưng nay giá xăng lại tăng nữa thì thu nhập thực tế càng giảm hơn. Anh Hưng buồn rầu nói.
10 kỳ điều chỉnh giá xăng gần nhất - ảnh minh họa |
Tài xế này cho biết, kể từ thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh, mình và các đồng nghiệp không dám chạy lòng vòng tìm khách như mấy hôm trước vì sợ không đủ tiền đổ xăng, chạy không đủ chỉ tiêu doanh thu sẽ bị sa thải.
Việc giá nhiên liệu tăng cao lần này đã ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ vận tải Ngọc Huy (hãng xe Việt Trung) cũng thừa nhận, mức tăng giá xăng dầu vừa qua cao, gây sức ép lớn lên doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa thể điều chỉnh giá cước.
Giải thích về việc quyết định "cầm cự" thay vì tăng giá, bà Trang cho biết: "Quyết định tăng giá cước không phải ngày một ngày hai là xong mà phải đàm phán với khách hàng, chưa kể phải cân nhắc kỹ vì khách hàng rất dễ hủy hợp đồng, chọn sang bên cung cấp dịch vụ khác rẻ hơn".
Trước thực trạng trên, ông Thân Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng ATGT Quốc gia cho rằng, trước mắt, doanh nghiệp vận tải cần cố gắng cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để tồn tại.
Về lâu dài, phải tính đến chuyện tăng giá cước vận chuyển, đồng thời kiến nghị Nhà nước cần có biện pháp giảm bớt chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cụ thể ở đây là ổn định giá xăng dầu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.