Giải ngân chậm, giám đốc PMU giao thông sẽ bị điều chuyển |
Do tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 2019 của ngành giao thông vận tải quá chậm, chiều 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thúc đẩy tiến độ.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, đến hết tháng 10/2019, Bộ đã giải ngân được 9.405 tỷ đồng trong tổng số hơn 26.300 tỷ. So với kế hoạch, kết quả giải ngân đạt thấp hơn dự kiến 5.731 tỷ đồng.
Ông Lâm đánh giá, kết quả giải ngân này chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân đạt vẫn rất thấp. Thực trạng này có nguy cơ không đạt được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch 2019.
Nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân chậm được Vụ trưởng KH-ĐT đưa ra là do hầu hết các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa thực hiện được công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng; các dự án đường bộ cấp bách sử dụng vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, dự án ODA sử dụng vốn dư chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa ứng hợp đồng…
Ông Lâm cho biết, theo kế hoạch, số vốn còn lại phải giải ngân từ nay đến cuối năm rất lớn, khoảng 16.917 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các ban QLDA, chủ đầu tư: PMU Thăng Long, PMU 7, PMU 6 (1.355 tỷ đồng), PMU Đường sắt...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đến nay mới chỉ đạt hơn 35,7%, con số này thấp hơn khá nhiều so với bình quân cả nước (54,6%).
Do vậy, ông chỉ đạo các ban QLDA, chủ đầu tư phải làm tốt để giải ngân hết số vốn đã giao cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam và 10 dự án giao thông đường bộ quan trọng, cấp bách.
Riêng việc chi trả cho công tác GPMB của 654km cao tốc Bắc - Nam, năm 2019 phải giải ngân 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên hiện vẫn còn 25% chưa được giải ngân. Vì thế các ban QLDA, chủ đầu tư cố gắng từ nay đến cuối năm phải giải ngân hết.
Ngoài ra còn khoảng 7.000 tỷ đồng tại các dự án đang triển khai, các chủ đầu tư, ban QLDA phải dồn toàn lực xuống công trường, phối hợp tốt với địa phương, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để có khối lượng giải ngân...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói rõ, các Ban QLDA phải giải ngân ít nhất 95% mới đạt yêu cầu, dưới 95% xem như không hoàn thành nhiệm vụ.
"Ban QLDA nào giải ngân bình quân dưới 95% và thấp hơn mức bình quân cả nước, toàn bộ ban giám đốc xem như không hoàn thành nhiệm vụ. Những trường hợp này Bộ GTVT phải xem xét điều chuyển công tác", Bộ trưởng GTVT nói rõ.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu việc giải ngân phải đi liền với đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.