Giải pháp hợp lý cho nút giao ngã ba Huế

Diễn đàn khoa học 25/10/2013 10:49

ThS. Nguyễn Văn Lâm Công ty cổ phần Tư vấn đường cao tốc Việt Nam (VECC)


Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, việc đầu tư một số tiền lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn. Giờ đây bài toán kinh điển kinh tế – kỹ thuật – mỹ quan lại được cân nhắc kỹ càng hơn bao giờ hết. Đúng như thứ tự ưu tiên của nó, mỹ quan chỉ là yếu tố được xem xét sau cùng sau khi đáp ứng được hai yếu tố kinh tế – kỹ thuật. Cũng vì lý do này mà gần đây hàng loạt dự án đã được rà soát và xem xét lại quy mô đầu tư, tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Điển hình trong số này là việc Bộ GTVT đã quyết định điều chỉnh lại phương án thiết kế của cầu Cổ Chiên từ cầu dây văng sang cầu dầm hộp liên tục, điều chỉnh tốc độ thiết kế các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Hà Nội – Lạng Sơn từ 120km/h xuống còn 80-100km/h và điều chỉnh một số quy mô khác của các tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… Gần đây nhất là điều chỉnh quy mô của nút giao Ngã ba Huế để giảm tổng mức đầu tư của dự án.

Nút giao thông Ngã ba Huế là cửa ngõ ra vào TP Đà Nẵng, nơi giao cắt Quốc lộ 1A với đường sắt Bắc – Nam và một số đường phố chính. Đây cũng là nút giao thông trọng điểm với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, thường xuyên bị ùn tắc và xảy ra nhiều tai nạn giao thông. Tháng 11/2010, UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi kiến trúc xây dựng nút giao thông khác mức tại Ngã ba Huế (cầu vượt Ngã ba Huế). Có 7 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước tham dự với 18 phương án kiến trúc khác nhau. Kết quả: 2 đồng giải Nhì (không có giải Nhất) là Liên danh WSP (Phần Lan) – VTCO (Việt Nam) và Cty CP Tư vấn đầu tư & Xây dựng GTVT (TRICC); 2 giải Ba thuộc về Viện Nghiên cứu khoa học giao thông Quảng Tây (Trung Quốc) và Cty CP Xây dựng & Tư vấn quốc tế Việt Nam. 2 giải Nhì sau đó tiếp tục được nghiên cứu và triển khai các bước tiếp theo nhằm bổ sung, hoàn thiện để trình UBND TP xem xét chọn ra một phương án kiến trúc tối ưu xây dựng cầu vượt Ngã ba Huế.

Phương án được chọn với mô hình nút giao thông lập thể hình xuyến kết hợp cầu vượt gồm 3 tầng: Tầng 1 gồm các đường không giao cắt với đường sắt để phục vụ giao thông đi lại theo hướng từ Huế vào khu đô thị Tây Bắc và ngược lại; hướng từ Trung tâm TP Đà Nẵng vào TP HCM và ngược lại; Cầu vượt tầng 2 xây vòng xuyến trên cao với 4 nhánh đi 4 hướng, bán kính trong của vòng xuyến 60 m, bán kính ngoài 75m; Cầu vượt tầng 3 là cầu dây văng theo hướng từ Huế vào trung tâm TP Đà Nẵng và ngược lại. Chiều dài toàn cầu 607 m, bề mặt cầu rộng 17m.

Bộ GTVT đã phê duyệt và giao cho Sở GTVT Đà Nẵng làm chủ đầu tư xây dựng Dự án nút giao thông Ngã ba Huế, với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách.

Cụ thể là, tại Quyết định số 1609/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2011, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án này với tổng mức đầu tư là 1.957 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Sở GTVT Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, từ km 793 + 310.00 đến km 793 + 610.000 trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Dự án sử dụng tổng diện tích đất 16,1ha, bao gồm diện tích đất nút giao thông Ngã ba Huế (9,6ha), diện tích đất thu hồi phục vụ thi công và diện tích đất mở rộng.

Sau khi Bộ GTVT có Quyết định 1609/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2011 phê duyệt dự án và Văn phòng Chính phủ có công văn 3956/VPCP-KTN ngày 17/5/2013 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao). Được đầu tư theo hình thức BT, tất nhiên các nhà đầu tư muốn phương án phải có kiến trúc độc đáo nhất và thường là phương án có tổng mức đầu tư cao nhất. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, lại đang có rất nhiều dự án cần phải ưu tiên đầu tư xây dựng, trong đó có những dự án ODA đang bị chậm tiến độ triển khai do khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng. Xét về tiêu chí mỹ quan thì nút giao Ngã ba Huế không có yêu cầu gì đặc biệt do nằm ngoài đô thị, vì vậy cũng như một số dự án nêu trên, Bộ GTVT đã quyết định thay đổi phương án thiết kế bằng Quyết định số 2296/QĐ-BGTVT ngày 2/8/2013. Với phương án mới này Bộ GTVT đã giảm bớt tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án này xuống còn 1.797 tỉ đồng. Về số tầng, số làn xe, các phương án tuyến… cơ bản vẫn giữ được nguyên. Phần mặt đất dành cho giao thông đường sắt, các tầng trên sẽ phân làn giao thông nội thành và giao thông liên tỉnh riêng biệt.

So với phương án đã được duyệt tại Quyết định số 1609/QĐ-BGTVT, phương án điều chỉnh tuy không phải là phương án có kiểu dáng kiến trúc độc đáo nhưng lại là phương án có mức độ thông thoáng cao, kết cấu đơn giản, dễ dàng thi công, thời gian thi công được rút ngắn và quan trọng hơn cả là có chi phí thấp hơn trong khi vẫn đáp ứng được các tiêu chí về an toàn giao thông.

Phương án nút giao sau khi hoàn thành sẽ có hình dáng và kiến trúc tương tự như nút giao khác mức hình xuyến trên đường Westway ở thành phố London nước Anh.

Ở một đô thị hiện đại và phát triển như thủ đô London của nước Anh chắc hẳn không phải người ta không nghĩ tới phương án kiến trúc khác độc đáo hơn, thế nhưng phương án này đã được đầu tư xây dựng, chứng tỏ nó đã đáp ứng được cả ba tiêu chí kinh tế – kỹ thuật – mỹ quan. Thế nên với một công trình như nút Ngã ba Huế dù có phải điều chỉnh quy mô để cắt giảm phần nào tổng mức đầu tư của dự án (ở đây là khoảng 200 tỷ) cũng là một việc làm hết sức cần thiết của Bộ GTVT để dành tiền cho những dự án trọng điểm và cấp bách khác. Mặc dù phải điều chỉnh lại thiết kế, làm lại công tác giải phóng mặt bằng nên thời gian khởi công dự án bị chậm hơn so với dự kiến (ngày 2/9/2013) nhưng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng (Tư vấn thiết kế, Nhà đầu tư, Chủ đầu tư…), dự án vẫn sẽ được khởi công trong tháng 9 như khẳng định của Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để đảm bảo dự án được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ.

Với giải pháp thiết kế và công nghệ thi công đơn giản hơn, sử dụng kết cấu bê tông cốt thép giúp chủ động được nguồn vật tư trong nước, hạn chế việc phải nhập khẩu những vật tư, thiết bị đặc chủng của nước ngoài như neo, cáp văng… sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ công trình và thời gian hoàn thành của phương án cầu mới sau khi điều chỉnh sẽ nhanh hơn so với phương án cũ.

Xu hướng mới trong giai đoạn hiện nay là các dự án luôn được xem xét ưu tiên những giải pháp thiết kế đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất, nghĩa là có chi phí đầu tư xây dựng thấp nhất trong khi vẫn đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật, mỹ quan. Thiết nghĩ, song song với việc tổ chức các cuộc thi tuyển kiến trúc để chọn phương án thiết kế đẹp nhất thì cũng nên có những cuộc thi tương tự dành cho những giải pháp thiết kế kinh tế nhất trong khi vẫn phải đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật và mỹ quan. Việc làm này không chỉ tiết kiệm được đáng kể chi phí xây dựng công trình mà còn lựa chọn được những tư vấn thiết kế “đẳng cấp” nhất bởi rõ ràng việc thiết kế một công trình hợp lý về mặt kinh tế – kỹ thuật chắc chắn sẽ khó hơn việc vẽ ra một một công trình thật đẹp nhưng tốn kém.

Hà Nội tháng 9.2013

Ý kiến của bạn

Bình luận