Giải pháp khắc phục tắc nghẽn giao thông ở đô thị

23/09/2017 02:43

Tắc nghẽn giao thông và giải pháp khắc phục luôn là bài toán đau đầu các nhà khoa học, nhà quản lý.

TS. Nguyễn Văn Điệp

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

PGS. TS. Từ Sỹ Sùa

PGS. TS. Vũ Trọng Tích

TÓM TẮT: Tắc nghẽn giao thông và giải pháp khắc phục luôn là bài toán đau đầu các nhà khoa học, nhà quản lý. Tắc nghẽn giao thông gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn, chúng ta phải nghiên cứu một cách tổng thể, từ đánh giá thiệt hại kinh tế, tìm ra nguyên nhân đến việc tìm ra giải pháp bền vững khắc phục một cách tối ưu. Bài báo sẽ đề cập đầy đủ các nội dung này.

TỪ KHÓA: Tắc nghẽn giao thông, giải pháp bền vững, vận tải hành khách công cộng.

ABSTRACT: Traffic congestion and remedies are always the headache of scientists. Traffic congestion causes huge economic losses. We have to study in a comprehensive way, from assessing economic losses, finding the cause to finding the optimal solution to overcome the problem. This article will cover all this.

Keywords: Traffic congestion, sustainable solutions, public passenger transport.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở các đô thị Việt Nam, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tắc nghẽn giao thông, nhưng các giải pháp đó vẫn chỉ mang tính căn cơ, đối phó tạm thời mà chưa có một giải pháp mang tính bền vững khắc phục triệt để tình trạng tắc nghẽn, để đưa ra được giải pháp hợp lý chúng ta cần phân tích sâu sắc, tìm rõ nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, từ đó đưa ra giải pháp có thứ tự ưu tiên, khi đó sẽ khắc phục được lâu dài tình trạng tắc nghẽn giao thông trong đô thị.

2. NỘI DUNG

2.1. Thiệt hại kinh tế do tắc nghẽn giao thông

Tắc nghẽn giao thông ở các đô thị nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng, theo thống kê thì tắc nghẽn giao thông đã làm tổn thất về kinh tế rất lớn. Thông thường, khi tham gia giao thông nếu gặp phải tắc nghẽn trên đường, người tham gia giao thông chỉ cảm thấy ngột ngạt, bực bội và khó chịu về cảm xúc, có chăng họ lo lắng về sự chậm trễ khi đến cơ quan, công sở, trường học mà thôi. Thế nhưng, đứng trên góc độ kinh tế thì tắc nghẽn giao thông đã làm thiệt hại rất lớn về tiền của, nếu như khắc phục được nó đồng nghĩa với xã hội sẽ có thêm nhiều giá trị để thực hiện được các mục đích khác trong đời sống xã hội.

Có thể đo lường tổn thất kinh tế do tắc nghẽn giao thông đơn giản như sau:

Tổn thất kinh tế do tắc nghẽn giao thông = M.t.365.N.

Trong đó: t - Thời gian bình quân mỗi hành khách dừng lại trên đường do tắc nghẽn giao thông gây ra (giờ/ngày);

M - Số lượng hành khách bị tắc nghẽn bình quân mỗi ngày;

N - Giá trị thời gian hành khách bình quân (giá trị kinh tế mà hành khách làm ra bình quân mỗi giờ).

Như vậy, cứ gia tăng một phút thời gian tắc nghẽn thì thiệt hại kinh tế lại tăng lên rất nhiều. Điều đó cho thấy sự cần thiết và cấp bách trong việc tìm ra giải pháp để khắc phục và giảm tắc nghẽn giao thông đến mức nào.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê và tính toán, mỗi năm tắc nghẽn giao thông đã gây tổn thất bình quân 600 triệu USD (tương đương 13.200 tỷ đồng/năm), nếu giảm được tắc nghẽn giao thông thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể. Thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã có nhiều dự án nhằm giảm bớt tắc nghẽn giao thông nhưng hiệu quả của các giải pháp đó rất thấp, sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, nhất là ô tô con đã làm cho sự tắc nghẽn trở nên càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

2.2. Những nguyên nhân chủ yếu gây tắc nghẽn giao thông

Nhìn nhận tổng quát, tắc nghẽn giao thông ở các đô thị chủ yếu do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hạ tầng giao thông quá tải không cân xứng, không đáp ứng so với lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường, các tuyến đường đô thị thường có đặc điểm là chiều rộng làn đường hẹp, chất lượng kém, vỉa hè bị lấn chiếm, điều này dẫn đến tốc độ giao thông trên các tuyến đường rất chậm, sự tắc nghẽn sẽ xảy ra thường xuyên, nhất là giờ cao điểm, đặc biệt vài năm nay ở Hà Nội hầu như lúc nào cũng xảy ra tắc nghẽn, không phải chỉ có tắc nghẽn ở giờ cao điểm như trước đây.

Thứ hai, các thành phố đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang thi công các công trình giao thông như đường sắt trên cao, cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo đường sá, thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, với tiến độ chậm và trách nhiệm của các nhà thầu thi công chưa cao dẫn đến không gian lưu thông bị chiếm dụng, tồn tại nhiều điểm xung đột gây ra sự tắc nghẽn. Ở Hà Nội, các tuyến đường vành đai, như vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh, các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị triển khai còn chậm, trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến UTGT và TNGT xảy ra thường xuyên.

Thứ ba, sự gia tăng quá nhanh số lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe ô tô con do giá xe giảm mạnh, điều này dẫn đến sự ùn tắc do có quá nhiều xe con lưu thông trên đường. Theo số liệu của ngành chức năng cung cấp thì TP. Hà Nội hiện tại có 5,3 triệu xe máy, 560.000 ô tô, 10.000 xe đạp điện, tốc độ tăng ô tô khoảng 17%, tốc độ tăng xe máy 11% mỗi năm. Trong năm 2017, TP. Hà Nội sẽ có thêm 95.000 ô tô mới. Con số này tương đương với khoảng 30% lượng xe mới dự báo bán ra toàn Việt Nam.

Thứ tư, tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, mấy năm trở lại đây, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh số lượng người lao động đến làm việc và sinh sống tăng lên rất nhiều, điều này kéo theo số lượng phương tiện và hành khách đi lại trên đường rất lớn, sự căng thẳng lúc nào cũng diễn ra trên các đường phố. Mặt khác, ở khu vực nội đô, nhiều tòa nhà chung cư được xây dựng và đưa vào khai thác, số lượng cư dân ở khu vực nội đô này tăng lên, điều này càng làm tăng sự căng thẳng về cơ sở hạ tầng, sự tắc nghẽn giao thông xảy ra là không thể tránh khỏi.

Thứ năm, ý thức tham gia giao thông của người dân trên các tuyến đường rất hạn chế, thành phần tham gia giao thông trên các tuyến phố rất đa dạng, họ đi lại chen lấn, không trật tự, đi sai làn đường, rẽ phải, rẽ trái tùy tiện không theo đúng hướng dẫn của đèn tín hiệu và hướng dẫn của CSGT. Hơn nữa, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân rất khó từ bỏ, vì vậy mà những ý thức kém này ngày càng sâu sắc.

Thứ sáu, hệ thống VTHKCC tuy đã phát triển nhưng vẫn chưa được thuận tiện khi sử dụng, nhất là vị trí điểm dừng, đỗ, chính vì lẽ đó mà số lượng hành khách sử dụng phương tiện VTHKCC chưa nhiều, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của người dân.

Thứ bảy, trên các tuyến phố, các nút giao cắt tồn tại điểm xung đột, bố trì lối rẽ không hợp lý, điều này tạo ra sự giao cắt phức tạp dẫn đến tắc nghẽn giao thông.

2.3. Giải pháp hạn chế tắc nghẽn giao thông đô thị

Với các nguyên nhân cơ bản trên đây, nó luôn xảy ra đối với mọi đô thị, tuy nhiên ở các đô thị khác nhau thì mức độ gây ra tắc nghẽn của từng nhân tố là khác nhau, do vậy mà thứ tự ảnh hưởng của các nhân tố cũng khác nhau, cần sắp xếp cụ thể riêng cho từng đô thị, từ đó sẽ đưa ra giải pháp khắc phục tương ứng cho đô thị.

Thông thường, các giải pháp khắc phục tắc nghẽn giao thông ở đô thị được đề xuất bao gồm:

2.3.1. Phát triển đồng bộ hệ thống VTHKCC

Phát triển hệ thống VTHKCC là giải pháp bền vững nhất nhằm giảm tắc nghẽn giao thông. Vài năm trở lại đây, do giá xe ô tô cá nhân (xe con) giảm, vì vậy số lượng xe con lưu thông trên đường tăng đáng kể. So với đi lại bằng phương tiện VTHKCC thì diện tích chiếm chỗ của hành khách đi bằng xe con và xe máy cao gấp nhiều lần, đây chính là nguyên nhân làm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến phố. Khi phát triển hệ thống VTHKCC với tiêu chí thuận tiện cho hành khách là trên hết thì chắc chắn hành khách sẽ sử dụng phương tiện VTHKCC để đi lại. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cần được thực hiện một cách khoa học mới mang lại hiệu quả, nếu không sẽ gây lãng phí và tắc nghẽn giao thông vẫn không khắc phục được. Trong thời gian qua, ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mặc dù hệ thống VTHKCC có sự phát triển, nhưng sự thuận tiện cho hành khách vẫn không được cải thiện là mấy, một trong những hạn chế đó là thể hiện sự không thuận tiện: Điểm dừng, đỗ chưa được hợp lý, xe buýt chạy ẩu, hay xảy ra tai nạn, tệ nạn trộm cắp trên xe và tại điểm dừng vẫn xảy ra thường xuyên.

2.3.2. Hạn chế xây dựng chung cư nội đô

Diện tích đô thị không thể tự rộng ra được, trong khi chính quyền cứ cho phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng ở nội đô, điều đó làm tăng mật độ dân cư, tăng lưu lượng hành khách đi lại trên đường dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự tính toán khoa học để có phương án quy hoạch cho đô thị một cách khoa học, diện tích đô thị cần có sự bố trí đều đặn và hợp lý về mục đích sử dụng, khu chung cư phải gắn liền với các tiện ích cơ bản như trường học, bệnh viện, khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, tránh sự xây dựng không đồng bộ sẽ phát sinh các chuyến đi chồng chéo gây tắc nghẽn giao thông. Thực tế rất khó làm được điều này vì diện tích đất của đô thị bị hạn chế, các chung cư cao tầng chỉ bố trí được diện tích tầng hầm cho đỗ xe, tầng 1, 2 là khu mua sắm, còn diện tích dành cho trường học, bệnh viện lại phải bố trí một khu riêng biệt khác nằm ngoài khả năng của chủ đầu tư, còn chính quyền đô thị thì hầu như ít có sự tính toán và quan tâm đúng mức đến nội dung này. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần phải xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng, cần có sự tính toán sao cho mật độ dân cư ở trong ngưỡng cho phép.

2.3.3. Quy hoạch liên hoàn

Vấn đề quy hoạch mạng lưới tuyến VTHKCC cũng như quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như bến xe, nhà ga đường sắt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, nhà ga hàng không, điểm trung chuyển phải khoa học, có sự điều tra kỹ càng về quy luật luồng hành khách đi lại, từ đó mới có phương án sự bố trí thật liên hoàn, tạo ra sự nhịp nhàng, ăn khớp khi khai thác các công trình giao thông. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cần phải chú trọng nội dung này khi thiết kế hệ thống tuyến xe buýt, bên cạnh đó cần có sự điều chỉnh cho phù hợp ở từng thời kỳ khác nhau.

2.3.4. Nâng cao ý thức và văn hóa giao thông

Ý thức tham gia giao thông của người dân rất quan trọng trong vấn đề giảm tắc nghẽn, đi lại đúng làn đường, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông cũng như chỉ dẫn của CSGT sẽ làm cho luồng phương tiện lưu thông tuần tự, nhịp nhàng, suôn sẻ. Thời gian qua, ở nhiều đô thị, sự tắc nghẽn giao thông xảy ra là do người tham gia giao thông đi không đúng làn, chen lấn dẫn đến va quệt và xảy ra sự cố, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng nhau góp phần giảm tắc nghẽn, những nội dung này cần được cập nhật ở các trường học, cơ quan, tổ chức, cụm dân cư, bằng nhiều hình thức phong phú, dần dần sẽ nâng cao ý thức tham gia giao thông cho mọi người. Đi đôi với tuyên truyền giáo dục, cần có sự thưởng phạt rõ ràng, công minh đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp đi sai làn đường, chen lẫn, đi ngược chiều… Có như vậy sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn.

2.3.5. Giải pháp tài chính

Nhà quản lý đô thị cần có kế hoạch về tài chính dành cho nâng cấp, mở rộng hệ thông mạng lưới đường giao thông, quy hoạch phát triển mạng lưới VTHKCC đồng bộ phù hợp với sự tăng trưởng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích trợ giá cho các doanh nghiệp tham gia VTHKCC để giảm giá vé, quy hoạch để tăng số tuyến, qua đó tăng sự thuận tiện về tuyến, điểm dừng đỗ, giờ đi đến cũng như giãn cánh thời gian để thu hút hành khách sử dụng phương tiện VTHKCC, khi đó sẽ hạn chế được việc sử dụng phương tiện đi lại cá nhân.

2.3.6. Giải pháp khác

Ngoài các giải pháp trên, có thể giảm bớt sự căng thẳng về giao thông trên các tuyến phố bằng việc thay đổi theo hướng xen kẽ giờ bắt đầu, giờ kết thúc ngày làm việc của các cơ quan, trường học. Công việc này được thực hiện dựa trên việc điều tra, khảo sát thực tế để có phương án hợp lý nhất. Bên cạnh đó, có thể hạn chế phương tiện đi lại cá nhân (xe máy, xe con), vấn đề này cũng phải nghiên cứu kỹ càng, vì liên quan đến quyền cá nhân của con người.

3. KẾT LUẬN

Với những nội dung trên đây, chúng ta thấy rằng việc tìm ra nguyên nhân chủ yếu làm tắc nghẽn giao thông cho từng đô thị là nội dung rất quan trọng, bởi vì đây là chìa khóa để lựa chọn giải pháp khắc phục tắc nghẽn phù hợp nhất cho đô thị. Mỗi đô thị có đặc điểm kinh tế xã hội riêng biệt, vì vậy các giải pháp đưa ra nó không như nhau đối với các đô thị khác nhau o

Tài liệu tham khảo

[1]. TS. Nguyễn Văn Điệp (2016), Phương pháp dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách đô thị, NXB. GTVT.

[2]. PGS. TS. Từ Sỹ Sùa (2005), Bài giảng Tổ chức vận tải, Trường Đại học GTVT, Hà Nội.

[3]. TS. Nguyễn Văn Tuấn (2004), Điều tra kinh tế, NXB. GTVT, Hà Nội.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận