Giải pháp mới giảm quá tải sân bay Tân Sơn Nhất

Giao thông 24h 05/04/2018 06:18

Quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) theo đề xuất của tư vấn ADP-I (Pháp) cùng lúc với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành của Chính phủ được TP Hồ Chí Minh cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không đồng thuận nhất là khi TSN được xác định sẽ là sân bay lưỡng dụng - phục vụ cả dân dụng lẫn quân sự và sẽ còn được sử dụng lâu dài cùng sân bay Long Thành.

 

Giải pháp mới giảm quá tải sân bay Tân Sơn Nhất
Khu vực được xác định sẽ mở rộng hạ tầng cho Tân Sơn Nhất.

Cùng với quyết định mở rộng ngay TSN về phía Nam (bằng việc xây dựng thêm nhà ga hành khách T3 với diện tích sàn đạt 200 ngàn m2, công suất phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm), phần diện tích đất phía Bắc sân bay, trong đó có sân golf và 16ha đất do Bộ Quốc phòng bàn giao sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất từ năm 2025 trở đi…

Chính phủ cũng đã giao TP Hồ Chí Minh chủ động trong quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông quanh TSN để tránh ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn sau khi sân bay được mở rộng.

Sân bay TSN hiện đang đối mặt với áp lực quá tải hàng ngày trong khi phương án mở rộng sân bay trên ít nhất cũng phải vài năm nữa mới có thể hoàn thành; kho hàng hóa trên trục đường Trường Sơn cũng phải sau năm 2025 mới có thể tính chuyện dời đi. Quá tải tại TSN thời gian qua không chỉ khiến hành khách, người dân khổ sở, mà nguy cơ cản trở phát triển vận tải hàng không tại đây cũng đã hiện hữu.

Theo Cục phó Cục Hàng không Võ Huy Cường, hãng hàng không mới xin thành lập thì chưa được cấp phép do TSN quá tải; một số hãng hàng không quốc tế đang khai thác đã phải giảm số chuyến bay đến TSN hoặc xem xét việc tăng tần suất bay ở những sân bay khác. Trong khi đó, kế hoạch phát triển hạ tầng kết nối của thành phố hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát, lập dự án xây dựng tuyến đường có chiều dài 4,3km, rộng 6 làn xe nối từ đường Trần Quốc Hoàn, chạy song song với đường Cộng Hòa và nối vào đường Cộng Hòa tại đoạn gần giao lộ với đường Trường Chinh.

Để giảm ùn tắc ở các tuyến dẫn vào sân bay TSN, hiện việc xây dựng các dự như án cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ vị trí giáp sân bay đến đường Cộng Hòa; cải tạo đường Cộng Hòa đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long… cũng mới chỉ dừng lại ở việc xem xét.       

Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố góp ý, để nhanh chóng giảm tải, nâng công suất cho TSN, trong lúc chờ đợi việc mở rộng nhà ga, cần tận dụng các quỹ đất hiện có cho việc bố trí dịch vụ đi kèm và sắp xếp lại các hoạt động trong sân bay một cách hợp lý hơn. Trước tiên cần tách biệt đường đi và đến nhà ga không cùng một cốt nền nhằm giảm xung đột về giao thông. Cùng lúc phải tiến hành phân luồng giao thông ở khu vực cầu vượt vào sân bay để giảm ùn tắc.

Giải pháp tránh dồn ứ khách và phương tiện thường xuyên ở nhà ga quốc nội T1 cũng đã được Tổng Công ty Tư vấn thiết kết GTVT (Tedi) đề xuất là phải tách được luồng xe đến và đi ở các sảnh khác nhau. Trong đó sảnh đi sẽ đưa lên tầng 2, còn sảnh đến giữ nguyên ở tầng 1 giống như nhà ga quốc tế T2. Tedi nhận định, cầu vượt chữ y trước cổng sân bay vừa được đầu tư đã giải quyết tốt lượng xe vào sân bay theo hướng từ đường Trường Sơn do không còn giao cắt với dòng phương tiện lưu thông từ đường Bạch Đằng ra đường Trường Sơn. Nhưng đây là trục đường có mật độ lưu thông rất cao khi khoảng 60% ôtô và 70% xe gắn máy mượn đường Trường Sơn để qua lại các quận lân cận mà không vào sân bay.

Như vậy hướng từ sân bay ra đường Hồng Hà vẫn tồn tại giao cắt với luồng xe lớn đi từ Bạch Đằng ra đường Trường Sơn. Để tiếp tục giải quyết nút giao đồng mức này, Tedi đưa ra phương án xây dựng thêm nhánh cầu vượt cong, đi một chiều từ hướng đường Bạch Đằng ra đường Trường Sơn, trụ cầu này đi sát mép cầu chữ y hiện hữu để góp phần giải quyết lượng xe đi từ đường Bạch Đằng sang đường Trường Sơn mà không liên quan gì đến hướng ra vào sân bay, từ đó hạn được chế tình trạng tập trung phương tiện ở ngay cửa ngõ TSN.

Tedi cũng xác định, nút giao cắt đầu công viên Hoàng Văn Thụ là đầu mối của các trục đường có lưu lượng phương tiện lớn như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Giót… nhưng các giao cắt đều đồng mức. Những năm sắp tới, khu vực này còn nhiều công trình khác như tuyến đường trên cao số 1, tuyến metro số 5, tuyến metro 4B chạy cắt ngang qua.

Để hạn chế gây cản trở đến đường sắt, Tedi đề xuất phương án xây dựng cầu vượt một chiều trên đường Phan Thúc Duyện; xây dựng cầu cong đi một chiều từ đường Trường Sơn sang tuyến Nguyễn Văn Trỗi. Khi nhà ga T3 hoàn tất, việc kết nối sẽ sử dụng tuyến chính là Phan Thúc Duyện để phục vụ khách từ trung tâm đến nhà ga. Cùng lúc mở rộng đường Thân Nhân Trung để phục vụ khách đi từ sân bay ra đường Cộng Hòa cũng như tổ chức lưu thông 2 chiều trên đường Hoàng Hoa Thám…

Kết quả nghiên cứu, đề xuất của nhiều chuyên gia hàng không ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua cũng đã xác định rằng, với hai đường cất hạ cánh độc lập cách nhau 365m giống như nhiều sân bay quốc tế khác, nếu tập trung nâng cấp công tác quản lý, điều hành bay, có thể nâng công suất cất hạ cánh mỗi giờ của TSN lên 60-70 lượt.

Cùng với việc xây dựng, bố trí khai thác hiệu quả đường lăn, sân đỗ và mở thêm hướng tiếp cận cho hành khách ra vào sân bay để giảm áp lực tắc nghẽn, công suất khai thác của TSN tăng lên 50-60 triệu lượt hành khách/năm là con số nằm trong khả năng của TSN.

Ý kiến của bạn

Bình luận