Dự Hội thảo, có lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và một số đại diện lãnh đạo các Sở KH – CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN (ƯDTBKHCN) các tỉnh thành địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo chung của 11 Trung tâm ƯDTBKHCN thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, tính đến hết tháng 10.2017, các Trung tâm của vùng đã thực hiện tổng số 168 hợp đồng dịch vụ - tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, nông nghiệp, năng lượng, kiểm nghiệm.
Quang cảnh hội thảo |
Số lượng các hợp đồng của các Trung tâm trong vùng chiếm khoảng 5% so với cả nước. Mặc dù, là khu vực có thế mạnh về kinh tế của cả nước, song tình hình tìm kiếm và thực hiện các hợp đồng tư vấn – dịch vụ chuyển giao KH – CN của các Trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng còn rất khiêm tốn. Về tiêu chí tiếp thu và làm chủ KH – CN, các Trung tâm của vùng vẫn tập trung váo các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực chính của các Trung tâm trong vùng. Về việc thực hiện chuyển đổi theo Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ, báo cáo cho thấy, hiện trong vùng mới chỉ có Trung tâm ƯDTBKHCN tỉnh Hải Dương có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi. Các trung tâm còn lại trong vùng đang trong quá trình xây dựng đề án…
Theo đánh giá tại hội thảo, tình hình hoạt động dịch vụ tư vấn và chuyển giao KH – CN của các Trung tâm thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên, cũng đang còn thấp. Nhìn chung, các công nghệ được làm chủ của các Trung tâm trong vùng vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Hiện, nhiều địa phương trong hai vùng đã hình thành các Trung tâm ƯDTBKHCN trực thuộc các Sở KH – CN với chức năng là đầu mối trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và áp dụng các thành tựu KH – CN trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống…
Bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh đại diện lãnh đạo Sở KH-CN Phú Yên phát biểu tại hội nghị |
Cho ý kiến tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã tập trung đề xuất các giải pháp thúc đẩy, phát triển các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của các Trung tâm ƯDTBKHCN hai vùng. Trong đó, có nhiều ý kiến mong muốn, Bộ KH – CN cần tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách cho các Trung tâm sau khi chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 54/NĐ-CP. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án theo Quyết định 317 của Thủ tướng Chính phủ. Tạo điều kiện để các Trung tâm tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Có thêm các hỗ trợ về chính sách, cơ chế để các Trung tâm ƯDTBKHCN được tiếp cận, tham gia các nhiệm vụ KH – CN, đề tài dự án KH – CN, chương trình trọng điểm cấp nhà nước. Xây dựng và ban hành Khung nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ cho các Trung tâm ƯDTBKHCN địa phương…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.