Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam hiện nay

04/06/2018 11:06

Trong xu thế hội nhập và mở cửa nền kinh tế, phát triển thị trường trái phiếu để huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang được các quốc gia quan tâm bởi những tác động tích cực của nó đến nền kinh tế.

ThS. NGUYỄN THỊ HUỆ

ThS. MAI THỊ TRANG

Trường Đại học Giao thông vận tải

TÓM TẮT: Trong xu thế hội nhập và mở cửa nền kinh tế, phát triển thị trường trái phiếu để huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang được các quốc gia quan tâm bởi những tác động tích cực của nó đến nền kinh tế. Phát triển thị trường TPCP có ảnh hưởng không nhỏ đến việc khuyến khích tiết kiệm và thu hút nguồn vốn đầu tư trong toàn xã hội, góp phần điều chỉnh quan hệ cung cầu tiền tệ. Thị trường TPCP còn là một công cụ hiệu quả để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Phát triển thị trường TPCP về các sản phẩm trái phiếu mới; về hệ thống nhà đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh sự minh bạch hóa thông tin, tiếp tục hiện đại hóa công nghệ thông tin là những vấn đề cần thiết hiện nay.

TỪ KHÓA: Trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu Chính phủ.

ABSTRACT: There has been a trend of integration and opening up in the economy, the development of the bond market to raise capital through the issuance of government bonds is being considered because of its positive effects on the economy. The development of the government bond market has had a considerable impact on encouraging savings and attracting capital investment in the society, contributing to the adjustment of monetary and supply-side relations. The government bond market is also an effective tool to regulate the macro economy. Developing new bond products; system of investors, gradually reducing dependence on commercial banks, attracting foreign investors; promoting information transparency, continuing to modernize information technology are the necessary issues in the market now.

KEYWORDS: Government bonds, government bond markets.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thị trường TPCP là một bộ phận của thị trường tài chính, là nơi diễn ra mua bán các loại TPCP nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vốn đầu tư của các chủ thể trong xã hội. TPCP phát hành có nhiều kỳ hạn khác nhau, khối lượng phát hành và giao dịch mỗi lần tương đối lớn nên có tác động không nhỏ đến t

hị trường tài chính và đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, cùng với việc phát hành TPCP của các cơ quan chính phủ, các cơ quan địa phương góp phần làm phong phú khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển và tạo hàng hóa cho thị trường vốn. Phát triển thị trường TPCP là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút các nguồn lực tài chính cho các mục tiêu phát triển của quốc gia và là công cụ để điều chỉnh nền kinh tế cần được quan tâm. Trong bài báo, tác giả sẽ đề xuất được các giải pháp nhằm phát triển thị trường TPCP để khai thác những lợi ích mà nó mang lại cho nền kinh tế.

2. NỘI DUNG

2.1. TPCP và thị trường TPCP

* Lợi ích của TPCP

Trái phiếu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền xác định, thường là trong những khoảng thời gian cụ thể và phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn.

TPCP là trái phiếu được phát hành bởi chính phủ một quốc gia. Những trái phiếu này được phát hành nhằm bù đắp sự thiếu hụt ngân sách nhà nước, để xây dựng các công trình công cộng hoặc để giải quyết những khó khăn về tài chính, ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Đầu tư TPCP sẽ mang lại cho người đầu tư một khoản lãi suất ổn định và không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Lãi suất có thể thấp hơn tiền gửi ngân hàng nhưng độ an toàn cao, ít rủi ro do TPCP được đảm bảo chắc chắn bởi uy tín của chính phủ và tài sản của quốc gia. TPCP có tính thanh khoản cao. Người đầu tư có khả năng cầm cố và chuyển nhượng TPCP để chuyển thành tiền trên thị trường thứ cấp một cách dễ dàng. Lợi ích này vượt trội hơn hẳn so với đầu tư trên thị trường bất động sản. TPCP là công cụ an toàn, khối lượng phát hành lớn, có nhiều ưu đãi, do đó TPCP là kênh đầu tư quan trọng của những trung gian tài chính có nguồn tiền lớn, đòi hỏi tính an toàn trong đầu tư như các công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí tự nguyện…

* Các yếu tố cơ bản của TPCP

TPCP cũng như các loại trái phiếu khác, có 4 yếu tố cơ bản cấu thành: Mệnh giá, lãi suất, kỳ hạn và giá phát hành.

Mệnh giá: Là giá trị ghi trên trái phiếu, nó xác định tổng số tiền gốc mà trái chủ được nhận cho tới hết thời hạn của trái phiếu. Mệnh giá là căn cứ để xác định số lợi tức tiền vay mà người phát hành phải trả.

Lãi suất: Là yếu tố xác định quyền lợi về thu nhập định kỳ cho người sở hữu trái phiếu (chủ nợ). Lãi suất thường được ghi trên trái phiếu hoặc người phát hành công bố trong đợt phát hành. Lãi suất được xác định theo tỷ lệ phần trăm với mệnh giá của trái phiếu. Lãi suất trái phiếu là một trong những yếu tố cơ bản của trái phiếu, là yếu tố quan tâm của nhà đầu tư trái phiếu. Lãi suất trái phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời hạn trái phiếu, chỉ số lạm phát và những biến động của thị trường.

Kỳ hạn: Là độ dài thời gian cho đến khi người phát hành trái phiếu trả lại toàn bộ tiền gốc cho trái chủ và nhận lại trái phiếu. Ngày hoàn trả lại tiền gốc trái phiếu lần cuối gọi là ngày đáo hạn. Ngày đáo hạn còn là cơ sở quan trọng để xác định các kỳ trả lãi.

Giá phát hành: Là giá bán ra của trái phiếu vào thời điểm phát hành. Thông thường, giá phát hành được phát hành theo tỷ lệ phần trăm của mệnh giá. Tùy theo tình hình của người phát hành và tình hình thị trường mà giá phát hành được ấn định một cách hợp lý. Giá phát hành có 3 trường hợp: Giá phát hành thấp hơn mệnh giá, giá phát hành ngang bằng mệnh giá, giá phát hành lớn hơn mệnh giá.

* Thị trường TPCP

Thị trường TPCP là một bộ phận của thị trường chứng khoán nói riêng và của thị trường tài chính nói chung. Thị trường TPCP là nơi diễn ra các giao dịch mua bán, trao đổi TPCP, việc này diễn ra cả trên thị trường phát hành (thị trường sơ cấp) và thị trường giao dịch (thị trường thứ cấp). TPCP là một loại chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành. Vì vậy, thị trường TPCP được coi là thị trường nợ.

Thị trường sơ cấp là thị trường để thực hiện việc phát hành mới các loại TPCP. Thị trường sơ cấp là nơi cung cấp vốn, thông qua hoạt động của thị trường này, những luồng tiền nhàn rỗi trong dân chúng và các tổ chức kinh tế - xã hội có thể chuyển được thành vốn đầu tư dài hạn cho người phát hành chứng khoán. Thị trường này hoạt động không liên tục, chỉ hoạt động khi có đợt phát hành trái phiếu mới.

Thị trường thứ cấp là nơi mua bán các loại trái phiếu đã phát hành trước đó. Hoạt động của thị trường thứ cấp tạo ra khả năng dễ dàng, thuận tiện chuyển đổi trái phiếu thành tiền. Trên thị trường này diễn ra việc mua bán TPCP giữa các nhà đầu tư, tiền thu được từ việc bán trái phiếu không thuộc về nhà phát hành mà thuộc về nhà đầu tư bán trái phiếu nhường lại quyền sở hữu trái phiếu cho nhà đầu tư khác.

Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; nếu không có thị trường sơ cấp thì không có hàng hóa lưu thông trên thị trường thứ cấp; nếu không có thị trường sơ cấp thì thị trường thứ cấp khó có thể hoạt động hiệu quả và phát triển.

2.2. Thực trạng thị trường TPCP tại Việt Nam hiện nay

Hiện nay tại Việt Nam, các nhà đầu tư mua bán TPCP trên hai thị trường truyền thống: Thị trường sơ cấp (mua trái phiếu trong đợt phát hành lần đầu) và thị trường thứ cấp (việc mua bán trái phiếu của những người đang nắm giữ).

Theo số liệu thống kê được công bố trên trang cafef.vn, tháng 01/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 12 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 19365 tỷ đồng trái phiếu, tăng 63.3% so với tháng 12/2017. Tất cả trái phiếu trúng thầu trong tháng 01/2018 đều do Kho bạc Nhà nước phát hành với tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 97.3%. Khối lượng đặt thầu của tháng 01 cao gấp 4.2 lần khối lượng gọi thầu. Theo đó, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 4.30%/năm, 7 năm là 4.35%/năm, 10 năm trong khoảng 4.38 - 5.15%/năm, 15 năm trong khoảng 4.50 - 5.20%/năm, 20 năm là 5.20%/năm, 30 năm là 5.40%/năm. So với cuối năm 2017, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm trên tất cả các kỳ hạn, theo đó kỳ hạn 5 năm giảm 0.22%/năm, 10 năm giảm 0.27%/năm, 20 năm giảm 0.82%/năm, 30 năm giảm 0.70%/năm.

Trên thị trường TPCP thứ cấp, tháng 01/2018, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 1.06 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 118 nghìn tỷ đồng, tăng 4.3% về giá trị so với tháng 12/2017. Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 1.15 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 118 nghìn tỷ đồng, giảm 2.6% về giá trị so với tháng 12/2017. Giá trị giao dịch mua outright của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt hơn 8.9 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright của NĐTNN đạt hơn 8.1 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch mua repos của NĐTNN đạt hơn 220 tỷ đồng, giá trị giao dịch bán repos của NĐTNN đạt hơn 247 tỷ đồng. Nhìn lại hoạt động của thị trường TPCP năm 2017 có thể thấy những điểm mạnh sau đây:

Về khung khổ pháp lý: Trong năm 2017, khung khổ pháp lý về phát triển thị trường trái phiếu nói chung, thị trường TPCP nói riêng đã tiếp tục được hoàn thiện từ cấp nghị định đến thông tư hướng dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1911/QĐ-TTg năm 2017 lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, việc điều chỉnh thị trường TPCP thực hiện theo quy định tại Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, Thông tư số 111/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành TPCP, Thông tư số 234/2012/TT-BTC hướng dẫn giao dịch TPCP, Thông tư số 150/2011/TT-BTC ngày 9/11/2011 về hướng dẫn hoán đổi TPCP, Thông tư liên tịch số 92/2016/TTLT-BTC-NHNN ngày 27/6/2016 hướng dẫn phát hành tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước. Các văn bản pháp lý hướng dẫn đã quy định rõ về quy trình thủ tục phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch TPCP nhằm tăng tính công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia trên thị trường.

Về tổ chức thị trường: Trong giai đoạn đầu của thị trường, khi thị trường chứng khoán chưa phát triển và sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức còn hạn chế, Bộ Tài chính chủ yếu phát hành trực tiếp TPCP cho người dân theo phương thức bán lẻ nhưng khối lượng phát hành thấp.

Khi thị trường chứng khoán đã phát triển ở mức độ nhất định và đã hình thành nhiều nhà đầu tư có tổ chức chuyên nghiệp, Bộ Tài chính đã chuyển dần phát hành TPCP trực tiếp cho người dân theo phương thức bán lẻ sang phát hành TPCP cho các nhà đầu tư có tổ chức theo phương thức đấu thầu. Đặc biệt năm 2009, Sàn Giao dịch chứng khoán được thành lập, TPCP được tổ chức đấu thầu và niêm yết, giao dịch tập trung qua sàn giao dịch để tăng tính thanh khoản của thị trường; đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu diễn ra thông suốt; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu tạo thanh khoản trên thị trường. Trong giai đoạn này, việc huy động vốn TPCP đã đạt hiệu quả cao hơn so với giai đoạn trước đây.

Về cơ cấu nhà đầu tư: Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường tập trung chủ yếu là các ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 77% khối lượng TPCP. Các nhà đầu tư khác (công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài...) nắm giữ khoảng 23% khối lượng TPCP. Tuy nhiên thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ các giải pháp để phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường để giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại và xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Về tổ chức trung gian tài chính: Từ năm 2012, theo quy định của Nghị định số 01/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 17/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước, đã hình thành hệ thống thành viên đấu thầu TPCP với quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản như khối lượng mua TPCP tối thiểu, cam kết niêm yết giá chào mua chào bán... Hiện nay, hệ thống thành viên đấu thầu của Việt Nam gồm có 24 thành viên với 18 ngân hàng thương mại, 6 công ty chứng khoán. Bộ Tài chính tiếp tục phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường với nền tảng là các thành viên đấu thầu TPCP hiện nay với đầy đủ các nghĩa vụ và quyền lợi tương tự như các nước trên thế giới.

Về khối lượng: Trong năm 2017, Kho bạc Nhà nước đã thành công trong việc phát hành trái phiếu dài hạn 20 năm, 30 năm với lợi suất trúng thầu giảm sâu. Kho bạc Nhà nước đã huy động được 182462 tỷ đồng trái phiếu. Nếu như các năm trước, Kho bạc Nhà nước hoặc là giữ nguyên, hoặc là điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành thì năm 2017 lại điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành từ mức 183.4 nghìn tỷ đồng xuống còn 169.3 nghìn tỷ đồng, vào tháng 11/2017. Đây là một dịch chuyển hết sức tích cực, đặc biệt trong bối cảnh mối lo về nợ công gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Về phương thức phát hành: Toàn bộ khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường trong năm 2017 thực hiện theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (đối với trái phiếu) và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (đối với tín phiếu). Vì vậy, kế hoạch, lịch biểu, thông tin về đợt phát hành, kết quả phát hành, thanh toán TPCP được công khai minh bạch tới tất cả các nhà đầu tư.

Về kỳ hạn trái phiếu: Năm 2017 có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu danh mục sơ cấp theo kỳ hạn với bước tăng nhanh của kỳ hạn bình quân lên mức 14 năm (năm 2016: 9 năm và 2015: 6 năm), do tỷ trọng huy động đối với kỳ hạn dài 20 - 30 năm đạt khoảng 30% tổng khối lượng phát hành, cao hơn nhiều so với mức 10% năm 2016 và 0% năm 2015.

Về thị trường TPCP thứ cấp: Năm 2017 nhìn chung đã có bước phát triển tích cực trên hầu hết các phương diện. Về thanh khoản, theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, giá trị giao dịch mua bán thực tế (outright) bình quân phiên đã tăng khoảng 15% so với năm 2016, lên mức gần 4500 tỷ đồng/phiên. Theo đó, chỉ số vòng quay thanh khoản của thị trường (tổng giá trị giao dịch mua bán thực tế trong một năm so với tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành trên thị trường) đã được cải thiện đáng kể, từ mức 1.06 lần lên mức 1.15 lần. Giao dịch repos bình quân lên đến 4200 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 70% so với năm 2016. Về cơ cấu hàng hóa giao dịch, nhờ kỳ hạn bình quân danh mục TPCP được kéo dài, tỷ trọng giao dịch TPCP kỳ hạn dài trên 5 năm cũng tăng lên 20% từ mức 15% năm 2016. Trên thị trường thứ cấp, vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đến hơn 18 nghìn tỷ đồng TPCP, gấp khoảng 1.6 lần so với giá trị mua ròng cả năm 2016.

2.3. Một số giải pháp phát triển thị trường TPCP tại Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở thực trạng và sự cần thiết về phát triển thị trường TPCP như trên, tác giả đã đề xuất hai nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường TPCP như sau:

Nhóm thứ nhất: Hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý

- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường trái phiếu và thông lệ quốc tế;

- Việc phối hợp giữa các bộ, ngành: Cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) với cơ quan vận hành (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và thành viên thị trường) có liên quan trong việc triển khai và chỉ đạo triển khai thực hiện lộ trình cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời;

- Đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin, tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin thông qua xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho thị trường trái phiếu để rút ngắn quy trình từ đấu thầu đến giao dịch trái phiếu nhằm tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp;

- Tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống chỉ báo thị trường, đặc biệt là các chỉ báo về đường cong lợi suất, chỉ số trái phiếu. Riêng với mục tiêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, việc hoàn thiện các chỉ báo định lượng này có ý nghĩa rất quan trọng.

Nhóm giải pháp thứ hai: Đa dạng hóa sản phẩm và sự hỗ trợ nhà đầu tư khi họ tham gia thị trường

- Tạo dựng niềm tin lâu dài và ổn định cho nhà đầu tư. Trên thị trường TPCP, Chính phủ là người đi vay và người cho vay chính là các nhà đầu tư (trong nước và quốc tế). Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục kiên định, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nâng cao chất lượng nền kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng, tạo lập sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn TPCP, qua đó nâng cao uy tín, xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ trong nước cũng như trên trường quốc tế;

- Phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm..., giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại và xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài;

- Phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu TPCP với các nghĩa vụ và quyền lợi đầy đủ tương tự như các nước trên thế giới;

Phát triển các sản phẩm trái phiếu mới trên thị trường cũng như các công cụ phòng ngừa rủi ro để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước như xây dựng và phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh như hợp đồng kỳ hạn... để phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu;

- Tạo lập kênh đối thoại thường xuyên với nhà đầu tư. Các hội nghị, hội thảo, đối thoại định kỳ được thực hiện hàng quý nhằm chuyển tải thông tin, định hướng chính sách, giới thiệu, quảng bá thị trường TPCP để chuyển tải thông tin tới nhà đầu tư tiềm năng cũng như nắm bắt nhu cầu, giải quyết vướng mắc kịp thời;

- Phát hành TPCP trên thị trường vốn quốc tế. Đề án phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính cần phối hợp tổ chức phát hành thành công.

3. KẾT LUẬN

Năm 2017, với việc chính sách tài khóa đã được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ công có xu hướng giảm nhẹ, thị trường TPCP phát triển mạnh mẽ. Năm 2018 tiếp tục được kỳ vọng là một năm phát triển mạnh mẽ của thị trường TPCP Việt Nam trên cơ sở môi trường vĩ mô ổn định và kỳ vọng về khả năng kết hợp hiệu quả, linh hoạt và nhịp nhàng hơn trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Phát triển thị trường TPCP nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, tạo nguồn vốn cho ngân sách nhà nước, tác động mạnh mẽ đến thị trường vốn, là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả của các nhà đầu tư. Với những lợi ích mà nó mang lại cho nền kinh tế, các giải pháp nhằm phát triển thị trường trái phiếu luôn và cần được quan tâm, chú trọng o

Tài liệu tham khảo

[1]. TS. Bạch Đức Hiển (2008), Giáo trình thị trường chứng khoán, NXB. Tài chính.

[2]. PGS. TS. Vũ Văn Ninh (2015), Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB. Tài chính.

[3]. TS. Hoàng Văn Quỳnh (2009), Giáo trình Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán, NXB. Tài chính.

[4]. PGS. TS. Lê Văn Tề, TS. Nguyễn Văn Hà, TS. Nguyễn Đắc Sinh (2015), Thị trường chứng khoán tại Việt Nam, NXB. Thống kê.

Ý kiến của bạn

Bình luận